Thủ tướng: Chính phủ thấm thía khi mỗi năm hàng ngàn DN phá sản, giải thể
DNVN – “Khó khăn trở ngại của DN trên đường phát triển, Chính phủ thấm thía khi mỗi năm có hàng ngàn DN phá sản, giải thể, nhiều thương hiệu lớn của Việt Nam bị thị trường đào thải...”.
Sẽ thay đổi cách tính giá xăng dầu / Thái Nguyên: Cụ ông nuôi thỏ thu 300 triệu đồng/năm
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu khai mạc tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp với chủ đề “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – Hội nhập, hiệu quả, bền vững” do Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Văn phòng Chính phủ tổ chức sáng 23/12 tại Hà Nội.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan ngênh, đánh giá cao việc chuẩn bị của Bộ KH&ĐT cho hội nghị, tạo cơ hội cho các cơ quan quản lý Nhà nước ở TƯ và địa phương lắng nghe ý kiến của các loại hình DN để qua đó có giải pháp tháo gỡ thuận lợi để DN phát triển nhanh, bền vững.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thời đại toàn cầu hoá, doanh nghiệp (DN) là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế. Chính khu vực DN tạo giá trị gia tăng, động lực cạnh tranh, tiên phong trong ứng dụng khoa học công nghệ. Không thể có quốc gia hùng cường, hưng thịnh nếu không có DN hùng hậu. Không thể có nền kinh tế lớn khi thiếu vắng thương hiệu nổi tiếng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp sáng 23/12/2019 tại Hà Nội. (Ảnh: VGP)
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, sự lớn mạnh của DN không thể thiếu vai trò của Nhà nước nhưng sự yếu kém của DN có trách nhiệm của nhà nước. Với tinh thần Chính phủ kiến tạo, Chính phủ sẽ tìm cách giảm mức độ rủi ro và chi phí cho DN. Nhất là rủi ro từ thể chế chính sách, sự nhũng nhiễu của bộ máy hành chính gây ra.
“Khó khăn trở ngại của DN trên đường phát triển, Chính phủ thấm thía khi mỗi năm có hàng ngàn DN phá sản, giải thể, nhiều thương hiệu lớn của Việt Nam bị thị trường đào thải”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, mặc dù số lượng DN thành lập mới liên tục tăng nhưng tỷ lệ DN gặp khó khăn phải tạm ngừng kinh doanh vẫn còn ở mức cao. Tính riêng trong 11 tháng năm 2019 có tới 80.000 doanh nghiệp giải thể.
Theo Thủ tướng, đây là lí do Chính phủ tổ chức nhiều hội nghị để tháo gỡ khó khăn cho DN phát triển, cần gỡ nút thắt để DN phát triển bền vững hơn, giúp DN tăng khối lượng, số lượng phát triển bền vững.
Thủ tướng đề nghị, tại hội nghị này, các DN nêu khó khăn trở ngại, vướng mắc của DN như quy hoạch, tiếp cận đất đai, vốn tín dụng, tiếp cận thị trường, công nghệ, thủ tục hành chính thuế, giấy phép cung cấp điện nước, xử lý nước thải. Đặc biệt vấn đề thanh, kiểm tra chồng lấn kéo dài gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
“Kể cả cơ quan nhà nước doạ nạt DN khi DN có ý kiến trái chiều, phản biện. Sự trì trệ của sở ngành địa phương, đá qua đá lại gây khó khăn cho DN. Cần chỉ ra văn bản của sở ngành nào gây khó khăn cho DN. Cơ quan nào gây nhũng nhiễu phiền hà ở địa phương và trung ương. DN cần nêu thách thức, khó khăn trong bối cảnh chiến tranh thương mại diễn ra, cạnh tranh hội nhập, tác động Cách mạng 4.0. DN đề xuất vai trò kiến toạ của Chính phủ giúp DN tăng sức cạnh tranh”, Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng cũng đề nghị, cộng đồng DN và bộ ngành đề xuất giải pháp cải thiện và nâng cao năng lực phối hợp đồng bộ, xuyên suốt giúp địa phương hiệu quả, bền vững, chia sẻ mô hình tốt trong tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thức đẩy sáng tạo. Tiêu biểu như mô hình café doanh nhân, tháo gỡ thường xuyên hàng tuần hàng tháng. Nhiều chương trình dự án hiệu qủa thiết thực tạo cơ hội cho nhà đầu tư thành công, tháo gỡ vướng mắc đề xuất giải pháp xoá bỏ rào cản để thúc đẩy sự phát triển.
Với sự kiện này, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, các bộ trưởng cam kết lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc để DN Việt Nam có thể bứt phá trong những năm tiếp theo. DN có tinh thần dám nghĩ dám làm nhưng không được làm ẩu, vi phạm pháp luật. Cơ quan thanh tra như toà án, công an cần trân trọng quyền con người, quyền công dân, quyền tài sản… theo tinh thần cởi trói, tạo điều kiện cho DN. Từ đó, bộ ngành cùng góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN.
Đây là lần đối thoại thứ 3 của Thủ tướng với cộng đồng DN kể từ đầu nhiệm kỳ năm 2016. Đối thoại lần này thu hút khoảng 1.600 đại biểu lãnh đạo hơn 1.000 doanh nghiệp khắp cả nước. Khoảng 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành cũng sẽ tham dự buổi đối thoại cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Với chủ đề "Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững" của hội nghị này, Thủ tướng mong muốn truyền tải thông điệp: Thế giới đang thay đổi, hội nhập mạnh mẽ, thách thức về môi trường, các vấn đề xã hội ngày một phức tạp, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần tăng cường đoàn kết, liên kết sức mạnh, phát huy lòng tự hào dân tộc để phát triển lớn mạnh; đồng thời có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia, dân tộc, tạo dựng đất nước độc lập, tự chủ, bền vững và hùng cường; phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đưa kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo