Thị trường

Thủ tướng giao mục tiêu xuất khẩu 100 tỷ USD cho dệt may Việt Nam

DNVN - Thủ tướng yêu cầu ngành dệt may Việt Nam phải tạo ra thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp mang tầm thế giới, khu vực, mang lại lợi ích lâu dài cho đất nước, cho thế hệ mai sau. Đặc biệt, đến năm 2030, dệt may Việt Nam phải phấn đấu xuất khẩu đạt 100 tỷ USD.

Mối quan tâm lớn về nguồn cung thịt lợn / Sơn La xây dựng sản phẩm OCOP từ thế mạnh địa phương

Thông điệp này đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Hội nghị tổng kết năm 2019 tổ chức chiều 13/12 tại Hà Nội.
Chúc mừng VITAS gặt hái được nhiều thành công trong 2 thập kỷ qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiệp hội của một ngành hàng có lịch sử phát triển 120 năm tại Việt Nam này đã làm đúng chức năng, vai trò, thể hiện tầm nhìn trong việc đóng góp vào sự phát triển của ngành, qua đó góp phần quan trọng vào sự tăng tốc, phát triển của ngành. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu năm nay của ngành dệt may ước đạt 39 tỷ USD - tăng 106 lần so với cách đây 20 năm. Hiện toàn ngành đã khoảng 7.000 doanh nghiệp, không chỉ giải quyết việc làm cho người dân tại thành phố mà còn ở những vùng núi xa xôi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỉ niệm 20 năm thành lập VITAS.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đề cập những vấn đề hạn chế, tồn tại của ngành dệt may. Dù ngành dệt may đã gặt hái nhiều thành công, nhất là xuất khẩu nhưng cần chú trọng hơn, đúng mức hơn tới thị trường gần 100 triệu dân trong nước, nhất là tầng lớp trung lưu đang gia tăng. Ngành dệt may vẫn chưa thoát khỏi được tình trạng thiếu tự chủ, tự cường về nguyên liệu, chủ yếu chỉ sản xuất sợi và gia công sản phẩm. Đây là nguyên nhân khiến giá trị gia tăng chưa cao.
Ngoài ra, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu còn lệch hẳn về may mặc với kim ngạch chiếm tỉ lệ đến 78% tổng kim ngạch của toàn ngành. Cơ cấu lao động ngành còn hạn chế. Đến cuối năm 2018, trong gần 3 triệu lao động đang làm việc ở 7.000 doanh nghiệp dệt may trong cả nước thì có khoảng 25% lao động có đào tạo chuyên môn còn lại 75% lao động chưa qua đào tạo.
Ngành dệt may trong năm tới sẽ phải làm gì để tự nâng mình lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị kinh tế để tiếp tục giữ vững vị trí cường quốc dệt may của thế giới. Công tác phát triển Đảng ở các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang bộc lộ những bất cập khi số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 70% số doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam, có một số nguy cơ trắng các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp này.
Đặt ra nhiệm vụ cho dệt may trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, dệt may Việt Nam phải đứng top đầu thế giới, mục tiêu cho ngành dệt may đến năm 2030 phải phấn đấu xuất khẩu đạt 110 tỷ USD, tập trung vào số lượng, chất lượng và xây dựng thương hiệu; đến năm 2030 có ít nhất 30 thương hiệu của ngành đóng góp trong thương hiệu dệt may thế giới.
Để thực hiện được mục tiêu này, theo người đứng đầu Chính phủ, VITAS cần tiếp tục làm tốt vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị gia tăng cao, các chuỗi giá trị toàn cầu, tổ chức phối hợp hoạt động giữa các hội viên vì lợi ích chung của hội, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nâng cao năng lực chuyên môn, tham gia các chương trình phát triển kinh tế văn hóa xã hội của đất nước.
VITAS phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển nhanh với kim ngạch xuất khẩu tăng trên 20 lần trong 20 năm, góp phần đưa Việt Nam là một trong 3 nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, giải quyết việc làm cho trên 3 triệu lao động.
"Ngành dệt may Việt Nam phải phát triển mạnh mẽ, có hoài bão và quyết tâm như hai đội bóng đá vừa thành công tại SEA Games 30", Thủ tướng nhắn nhủ.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành những tình cảm đặc biệt cho dệt may Việt Nam. Chính Thủ tướng là người đã gắn bó và thấu hiểu và chia sẻ những năm tháng gian truân, vất vả của ngành dệt may Việt Nam.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS.
Theo ông Vũ Đức Giang, trải qua 20 năm, VITAS đã phát triển từ 159 hội viên, đến nay đã có 478 hội viên chính thức và trên 500 hội viên liên kết. Hiệp hội đã thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các DN với Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, đồng thời tham gia xây dựng chính sách, tạo thuận lợi thương mai cho DN...
Các hoạt động của Hiệp hội 20 năm qua đã góp phần quan trọng vào sự tăng tốc phát triển của ngành. Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 ước đạt 39 tỷ USD, tăng trên 22 lần so với 1,75 tỷ USD năm 1999. Thặng dự thương mại năm 2019 đạt 17,7 tỷ USD tăng 106,5 lần so với 185 triệu USD năm 1999. Năm 2019 ngành xuất siêu 16,62 tỷ USD. Thị trường dệt may trong nước 20 năm qua cũng tăng từ trên 300 triệu USD lên khoảng 4,5 tỷ USD.
Chủ tịch VITAS nhấn mạnh, những đánh giá, định hướng của Thủ tướng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với ngành dệt may và các DN dệt may; đồng thời cam kết VITAS sẽ làm hết mình và mong nhận được sự quan tâm, chia sẻ, động viên để ngành dệt may Việt Nam đạt được mục tiêu xuất khẩu 100 tỷ USD mà Thủ tướng giao
Tại buổi lễ, VITAS vinh dự đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm