Thị trường

Thừa Thiên - Huế: Độc quyền nhãn hiệu thu lợi lớn cho HTX

Trà rau má Quảng Thọ', 'Rau Đà Lạt' hoặc rau, hoa gắn thương hiệu 'Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành' là những nhãn hiệu độc quyền đang được một số HTX nông nghiệp ở Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng sử dụng hiệu quả, đổi mới sáng tạo mang lại lợi nhuận lớn.

Cách đây vài tháng, xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM), mà ở đó mô hình chuyên canh rau má trên diện tích 44 ha theo hướng VietGAP với vai trò của HTX tại địa phương đã góp phần rất lớn.

“Trà rau má Quảng Thọ”

Hiện nay, với sự tham gia của HTX, xã Quảng Thọ có hơn 600 hộ dân tham gia trồng rau má để sản xuất trà rau má túi lọc, trà rau má sấy khô và tiến tới sản xuất nước rau má đóng chai, trà rau má hòa tan, cao rau má, thực phẩm chức năng rau má… cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, góp phần tạo thu nhập ổn định và giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Có được thành quả như vậy, cũng cần ghi nhận sự sáng tạo, sử dụng hiệu quả công cụ sở hữu trí tuệ để phát triển kinh doanh của HTX nông nghiệp Quảng Thọ II ở xã Quảng Thọ.

Những năm trước đó, qua thời gian tìm tòi học hỏi các cơ sở sản xuất trà ở Đà Lạt và tại Huế, đồng thời được cán bộ giảng viên Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược Huế tư vấn hỗ trợ về mặt kỹ thuật để sản xuất chế biến trà, HTX này đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền chế biến “Trà rau má”.

Từ cách đây 5 năm, sau khi cơ sở sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm rau má chính thức đi vào hoạt động, các sản phẩm từ rau má (Trà rau má sao khô, trà rau má túi lọc) của HTX Quảng Thọ II được hình thành, phát triển. Thương hiệu “Trà rau má Quảng Thọ” từng bước vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

Cũng thời gian này, như chia sẻ của ông Nguyễn Lương Trí - Giám đốc HTX, phía HTX đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa “Rau má Quảng Thọ” (logo) và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Ngoài ra, HTX còn đăng ký mã vạch các sản phẩm “Rau má tươi”, “Trà rau má” và đã được Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN cấp).

Mặt khác, HTX được cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho rau má tươi, Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho thực phẩm chức năng “Trà rau má lạng” và “Trà rau má túi lọc” do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp từ năm 2014.

Nhờ cách làm sáng tạo, chú trọng bảo hộ nhãn hiệu nên giá trị sản phẩm của HTX Quảng Thọ II được nâng lên rõ rệt, thúc đẩy thương hiệu “Rau má Quảng Thọ” ngày càng vươn xa hơn, có tiếng hơn trên thị trường trong cả nước.

Bình quân mỗi năm, HTX đạt doanh thu trên 4 tỷ đồng, riêng năm 2018 đạt 4,3 tỷ đồng. Từ khi sản xuất thành công các loại trà, diện tích rau má ở Quảng Thọ nhân rộng lên 44 ha, sản phẩm được tiêu thụ ổn định. Mỗi ha cho thu hoạch 50 tấn/năm, thu nhập khoảng 250 triệu đồng, cao gấp 5 lần trồng lúa.

Nhãn hiệu độc quyền giúp rau củ quả của các HTX ở Đà Lạt vươn xa

Kỳ diệu thương hiệu Đà Lạt

Giới chuyên gia đánh giá việc ứng dụng các tiến bộ KH-CN và chủ động sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ trong sản xuất rau má an toàn VietGAP, rau má sạch, xây dựng thương hiệu “Rau má Quảng Thọ” và hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm rau má của HTX Quảng Thọ II là việc làm có ý nghĩa thực tiễn rất cao, đáp ứng nhu cầu mà xã hội đang quan tâm trong việc sáng tạo hiệu quả ra những sản phẩm an toàn, chất lượng và có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.

Trong việc chú trọng sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ có thể kể đến nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” được cấp chứng nhận độc quyền nhiều năm trước đây và bảo hộ trên toàn quốc. Trong đó, có một số HTX ở Lâm Đồng, như HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào, HTX Rau an toàn Xuân Hương đã được cấp chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu này.

Với nhãn hiệu có uy tín như vậy, cộng với chất lượng và giá thành sản phẩm hợp lý nên thương hiệu rau VietGAP của HTX Anh Đào hiện nay ngày càng được khách hàng ưa chuộng. Sản phẩm của HTX phân phối tại nhiều siêu thị tên tuổi ở hầu khắp các vùng miền trong nước và xuất sang một số nước châu Á với số lượng lớn, đặc biệt đã xâm nhập những thị trường khó tính (yêu cầu rất nghiêm ngặt về chất lượng) như Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc…

Hoặc cách đây 2 năm, có một số HTX ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đã được gắn thương hiệu độc quyền “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được UBND Tp.Đà Lạt xét cấp với đầy đủ hệ thống tiêu chí theo quy định của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) trên tất cả sản phẩm rau, hoa đưa ra thị trường các vùng miền trong nước.

Hiện nay, với thương hiệu này, đơn cử như HTX Nông nghiệp Phước Lộc (xã Xuân Thọ, Tp.Đà Lạt) đã tăng 10 - 15% sản lượng tiêu thụ so với cùng kỳ năm ngoái. Như chia sẻ của lãnh đạo HTX này, sản phẩm rau, hoa gắn thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” của HTX hiện đạt lợi nhuận trung bình 300 triệu đồng/ha đối với rau ngoài trời và từ 500 triệu đồng/ha trở lên với rau, hoa trong nhà kính.

Tính đổi mới sáng tạo ở HTX này có thể nhìn thấy từ việc phát triển 12 ha rau, hoa sản xuất công nghệ cao trong nhà kính và 8 ha rau, củ, quả sản xuất theo hệ tưới phun tự động ngoài trời. Nhờ vậy, so với phương pháp sản xuất thông thường, HTX giảm hơn 70% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật vừa tăng thêm lợi nhuận cho các nông hộ thành viên.

Theo Thanh Loan/Kinh tế Kinh doanh

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo