Thị trường

Thừa Thiên Huế: Hướng đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

DNVN – Trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao. Khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát huy nội lực để nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh của nông, đặc sản của tỉnh.

Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP / Thừa Thiên Huế: Kích hoạt các trạm bơm dã chiến để chống hạn, “cứu” lúa

Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cùng đoàn công tác ngày 22/9 đã đến thăm và kiểm tra một số mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Điền, Phong Điền và thị xã Hương Trà.

Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu tham quan nhà máy ấp trứng 3F ở xã Quảng Phú.

Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu (áo xám hàng trước) tham quan nhà máy ấp trứng 3F ở xã Quảng Phú.

Tại huyện Quảng Điền, đoàn công tác đã đến thăm, kiểm tra mô hình sản xuất, chăn nuôi gà thảo dược, nhà máy ấp trứng 3F của Công ty cổ phần 3F Việt, ở xã Quảng Phú.

Được biết, mỗi năm, công ty này đang sản xuất 7 triệu con giống, cung cấp cho 10 tỉnh, thành trên địa bàn toàn quốc và đang liên kết với người dân địa phương chăn nuôi gà thảo dược theo mô nghiêm ngặt vừa mang lại giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập người dân và doanh nghiệp, vừa tạo công việc làm ổn định cho nhiều người dân địa phương.

Trong khi đó, mô hình trồng cây dược liệu sâm cau của Công ty TNHH Dược liệu Hương Cát, ở xã Quảng Thái (Quảng Điền), không chỉ cho giá trị kinh tế mà công ty này còn chuyển giao công nghệ trồng và chăm sóc cho 10 hộ gia đình, canh tác trên diện tích 2ha. Ngoài trồng sâm cau, công ty còn phát triển trồng thêm các loại cây dược liệu có giá trị, như tràm gió, săng mã, gỗ gõ.

Công ty Dược liệu Hương Cát cho biết, bình quân 1 tấn cây Tràm gió cho thu được 10 lít dầu. Loại cây này không chỉ phù hợp với vùng đất cát, mà còn rất phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng vùng đồi. Riêng cây Săng Mã không chỉ là loại cây dược liệu mà cây phục vụ trồng ở các dự án, thay thế cây xanh dọc các tuyến phố.

 

Bên cạnh đó, theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, hiện trên địa bàn huyện hiện có 3 mô hình nuôi tôm ao tròn công nghệ cao. Tuy mới đưa vào nuôi trong thời gian 2 năm trở lại đây, nhưng đã minh chứng cho thấy, lợi nhuận và giá trị kinh tế cao, hạn chế dịch bệnh, ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Mô hình nuôi tôm ao tròn công nghệ cao ở xã Điền Lộc vì có mái che nên rất chủ động về thời tiết. Một năm, thả nuôi từ 4-5 vụ tôm và điều đặc biệt là rất bảo đảm an toàn thực phẩm. Vì thế, người nuôi không lo đầu ra cho sản phẩm, mà đã có Công ty cổ phần C.P Việt Nam chi nhánh Thừa Thiên Huế bao tiêu sản phẩm.

Mô hình nuôi tôm ao tròn công nghệ cao mang lại lợi nhuận và giá trị kinh tế cao, hạn chế dịch bệnh.

Mô hình nuôi tôm ao tròn công nghệ cao mang lại lợi nhuận và giá trị kinh tế cao, hạn chế dịch bệnh.

Trong khi đó, theo Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Thừa Thiên Huế, với mục tiêu “hiệu quả về kinh tế, bền vững về giá trị, bảo vệ môi trường sinh thái”, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành nhà máy xay xát lúa gạo Green 6, ở thị trấn Phong Điền.

 

Không chỉ chất lượng gạo an toàn, nhà máy này còn hướng đến mô hình hữu cơ, mở rộng quy mô và chất lượng liên kết với bà con nông dân theo mô hình cánh đồng lớn, chú trọng các giống lúa chất lượng cao, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

Cũng theo Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Thừa Thiên Huế, sau nhiều năm cây cao su không mang lại hiệu quả, đơn vị đã chuyển đổi 6ha đất đồi ở tổ dân phố Lại Bằng, phường Hương Vân (thị xã Hương Trà) sang trồng các loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao, như: Cam, bưởi da xanh, quýt… Để cây tăng trưởng, phát triển tốt, công ty đã đầu tư hệ thống tưới nước tự động và trồng xen canh rau xanh theo hướng hữu cơ.

Qua tham quan thực tế, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu khẳng định, đây là những mô hình mang lại giá trị kinh tế cao, tạo công ăn, việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương, rất cần được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, hoan nghênh tinh thần vượt khó của các doanh nghiệp, nhất là chủ động trong tìm tỏi, sáng tạo thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao.

Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế đề nghị các sở, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục đồng hành, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp phát triển theo các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao.

Thăm nhà máy xay xát lúa gạo Green 6 của Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Thừa Thiên Huế.

Thăm nhà máy xay xát lúa gạo Green 6 của Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Thừa Thiên Huế.

 

Cũng theo ông Lê Trường Lưu, nông nghiệp của tỉnh tuy có tăng trưởng nhưng thiếu bền vững, khả năng cạnh tranh thấp, dễ bị tổn thương trước tác động của thiên tai, dịch bệnh và diễn biến bất lợi của thị trường trong và ngoài nước. Để khắc phục những hạn chế này, các địa phương phải thay đổi tư duy, cách làm; sản xuất nông nghiệp phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, gắn chặt với yêu cầu thị trường, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc.

“Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, giá trị cao tại các vùng sinh thái, thúc đẩy xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát huy nội lực để nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh của nông, đặc sản của tỉnh”, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế khẳng định.


Văn Nhân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm