Thị trường

Thừa Thiên Huế: Kích hoạt các trạm bơm dã chiến để chống hạn, “cứu” lúa

DNVN – Trước thực trạng hàng ngàn hecta lúa vụ Đông Xuân có nguy cơ bị thiếu nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương yêu cầu Sở NN&PTNT triển khai các trạm bơm dã chiến để “cứu” các diện tích lúa đã gieo trồng; đồng thời phải xây dựng kế hoạch, phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.

Thừa Thiên Huế: Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tăng tốc phát triển trong trạng thái mới / Thừa Thiên Huế: Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu

Khoảng 1.066 ha lúa có khả năng bị thiếu nước

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương vừa có cuộc họp với các sở, ban, ngành về tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, để tìm giải pháp chủ động nguồn nước tưới cho các vùng có nguy cơ thiếu nước trong vụ Đông Xuân 2020–2021.

Báo cáo tình hình sản xuất nông nghiệp đến ngày 11/3, ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, vụ Đông Xuân 2020–2021, toàn tỉnh có kế hoạch sản xuất lúa 28.535 ha, đến nay các địa phương đã cơ bản gieo cấy xong. Tiếp tục gieo trồng các loại cây khác theo kế hoạch, trong đó: Ngô 1.019 ha/1.297 ha; Lạc 2.580 ha/2.874 ha; Rau các loại 2.208 ha/2.285 ha; Sắn 3.072 ha/4.198 ha.

Nhiều diện tích lúa vụ Đông Xuân ở Thừa Thiên Huế có nguy cơ bị khô hạn. (Ảnh minh hoạ)

Nhiều diện tích lúa vụ Đông Xuân ở Thừa Thiên Huế có nguy cơ bị khô hạn. (Ảnh minh hoạ)

Bên cạnh các diện tích cây trồng phát triển tốt thì qua rà soát, thăm đồng đã phát hiện một số diện tích lúa bị các loại sâu bệnh gây hại, trong đó: 1.268 ha bị bệnh đạo ôn lá, tỷ lệ 3-5%, nơi cao 10-25%; 110 ha bị chuột gây hại, tỷ lệ 3-5%, nơi cao 10-20%.

Ngoài ra, bệnh khảm lá sắn đang tiếp tục gây hại tại huyện Phong Điền, A Lưới, thị xã Hương Trà. Nguyên nhân chủ yếu do sử dụng nguồn giống bị nhiễm bệnh từ vụ trước để trồng. Tổng diện tích nghiễm bệnh khoảng 1.003,78 ha.

Đối với chăn nuôi, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản không xảy ra. Hiện nay tổng đàn lợn ước đạt 126.213 con, tăng 13,37% so cùng kỳ; đàn trâu có 16.218 con, giảm 0,59%; đàn bò 29.633 con, giảm 0,57%,... Đến nay các địa phương đã hoàn thành xây dựng Đề án tái đàn lợn.

Trong lĩnh vực thủy sản, tiếp tục duy trì công tác hậu cần nghề cá, thường xuyên theo dõi thời tiết, không khí lạnh để hỗ trợ thông tin cho ngư dân đi đánh bắt và về bờ trú gió đảm bảo an toàn. Hiện nay, bà con ngư dân đang tiếp tục tu sửa đê đập, cải tạo ao hồ, chuẩn bị thả nuôi vụ nuôi năm 2021.

 

Đánh giá diện tích sản xuất nông nghiệp có khả năng bị thiếu nước bỏ hoang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, với thực trạng nguồn nước hiện tại và theo nhận định khí tượng, thủy văn, khả năng sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong cuối vụ Đông Xuân năm 2020 – 2021 và vụ Hè Thu năm 2021.

Cụ thể, vụ Đông Xuân diện tích lúa có khả năng bị thiếu nước xảy ra vào thời kỳ cuối vụ khoảng 1.066 ha tập trung các khu vực vùng gò đồi, vùng núi, vùng ven biển không có nguồn nước chủ động như các địa phương Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới.

Đối với vụ Hè Thu, kế hoạch gieo cấy khoảng 26.000 ha; giảm hơn 2.500 ha so với vụ Đông Xuân, do không chủ động được nguồn nước.

Chủ động các phương án chống hạn

Qua nghe báo cáo, thảo luận của các đơn vị tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, để chủ động trong công tác phòng chống hạn hán, đề nghị các địa phương, đơn vị khẩn trương xây dựng phương án ra quân vớt bèo, nạo vét các hói, kênh rạch bị bồi lấp, sửa chữa các tuyến kênh mương, đê bao bị hư hỏng, xuống cấp và có giải pháp chủ động nguồn nước tưới cho các vùng có nguy cơ thiếu nước trong vụ Đông Xuân 2020 – 2021.

 

“Sở NN&PTNT triển khai các trạm bơm dã chiến để đảm bảo nguồn nước tưới cho các diện tích lúa đã gieo trồng. Đồng thời xây dựng kế hoạch, phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất lúa kém hiệu quả, nhất là đối với những diện tích đất trồng lúa bị khô hạn thiếu nước tưới sang cây trồng cạn sử dụng ít nước hơn”, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương kiểm tra công tác chống hạn tại huyện Nam Đông.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương kiểm tra công tác chống hạn tại huyện Nam Đông.

Ngay sau khi kết thúc vụ Đông Xuân, các địa phương, đơn vị phải tiến hành điều tra, đánh giá, xem xét khả năng cung cấp nước tưới trong vụ Hè Thu 2021 để chủ động xác định ngay từ đầu vụ việc tiếp tục trồng lúa hay có kế hoạch chuyển sang trồng cây rau màu khác để hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, đặc biệt là ở các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Nam Đông, A Lưới.

 

Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng lưu ý, theo dự báo vào tháng 7, 8 nguồn nước trên sông Bồ sẽ bị thiếu hụt, vì vậy đề nghị các địa phương hướng dẫn các hộ nuôi cá lồng trên sống chủ động giảm mật độ nuôi, thu hoạch sớm để tránh thiệt hại.

Đối với các diện tích lúa bị bỏ hoang do không đảm bảo được nguồn nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Sở NN&PTNT, chính quyền địa phương tiến hành nghiên cứu, đề xuất hình thành các diện tích đất dành cho các đối tượng khởi nghiệp trong thời gian tới.

Ngoài ra, các địa phương tập trung tuyên truyền người dân không được đốt rơm, rạ sau khi kết thúc vụ Đông Xuân, trong đó chú trọng vào việc đã có các công cụ hỗ trợ thu gom rơm, rạ cũng như tác hại đến môi trường, sức khỏe của người dân.

Liên quan đến bệnh trên cây trồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các địa phương phải bám sát hiện trường, khẩn trương phòng trừ bệnh trên cây lúa, sắn. Riêng bệnh khảm lá sắn, yêu cầu không tiến hành trồng lại các diện tích đã nhiễm bệnh cũng như kiểm tra các giống sắn nhập về địa phương để ngăn chặn triệt để ngay những khâu đầu tiên.

Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm