Thị trường

Thúc đẩy liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ

DNVN - Để phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ cần tập trung phát triển sản phẩm du lịch có sự liên kết vùng miền; hợp tác trong tiếp thị, quảng bá, xúc tiến du lịch; hợp tác đào tạo nhân lực; chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch và tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch có môi trường gặp gỡ, hợp tác lẫn nhau.

FE Credit liên tục dính tai tiếng vì đòi nợ kiểu xã hội đen / EVFTA: Yếu tố tiên quyết để nông nghiệp Việt thành công khi thâm nhập thị trường EU

Đó là ý kiến mà Bí thư Thành uỷ TP.HCM - Nguyễn Thiện Nhân đưa ra tại hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ với chủ đề “Liên kết phát triển bền vững” vừa tổ chức tại tỉnh Tây Ninh.

Viên ngọc thô chưa được mài dũa xứng tầm

Vùng Đông Nam Bộ có lợi thế lớn phát triển du lịch với danh lam thắng cảnh, hệ thống di tích văn hóa lịch sử, làng nghề và ẩm thực phong phú. Có thể kể đến như bờ biển đẹp, nước trong xanh tại Bà Rịa – Vũng Tàu; tài nguyên du lịch tự nhiên gắn liền với hệ thống sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, sông Đồng Nai và khu du lịch sinh thái gắn liền với khu sinh quyển dự trữ rừng ngập mặn Cần Giờ; quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh núi Bà Đen; Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, hệ thống vườn quốc gia Cát Tiên, vườn quốc gia Bù Gia Mập…

Nhiều sản phẩm du lịch đã được hình thành, như Hành trình xuyên Á, Vẻ đẹp của cung đường biên giới, Trải nghiệm văn hóa đa sắc màu… đã để lại nhiều ấn tượng tuyệt vời trong lòng du khách.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Theo thống kê, trong năm 2019, vùng Đông Nam Bộ đã đón gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 27,8% so với cùng kỳ, doanh thu đạt hơn 7 tỷ USD.

Trong những năm qua, các địa phương vùng Đông Nam Bộ đã thay đổi chiến lược để tiếp tục phát triển ngành du lịch theo hướng tập trung phát triển thị trường nội địa và phát triển thị trường du lịch quốc tế.

Thế nhưng, với tiềm năng, thế mạnh vốn có, du lịch vùng Đông Nam Bộ như “viên ngọc thô chưa tìm được mài dũa xứng tầm” và đang cần những giải pháp cụ thể, thiết thực để thúc đẩy du lịch đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị.

 

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM - Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Đông Nam Bộ là khu vực kinh tế năng động nhất của cả nước, điều này khiến du lịch có nhiều lợi thế phát triển.

Để phát huy thế mạnh này, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần tập trung vào các nhóm giải pháp, như: Cần tăng cường liên kết kêu gọi đầu tư tư nhân, FDI vào cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch có sự liên kết vùng miền, trong đó nhấn mạnh những nét đặc sắc riêng của từng địa phương; Hợp tác trong tiếp thị, quảng bá, xúc tiến du lịch; Đẩy mạnh liên kết phát triển nguồn nhân lực của ngành; Hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch và tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch có môi trường gặp gỡ, hợp tác lẫn nhau.

“Thực tiễn cho thấy, một số địa phương trong vùng Đông Nam Bộ còn nhiều hạn chế về hạ tầng giao thông và hạ tầng du lịch như thiếu đường dẫn đến các tuyến điểm du lịch, cảng thủy nội địa, bến bãi đường sông; chưa có nhiều lựa chọn về khu vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú, phương tiện vận chuyển khách du lịch…”, ông Nhân cho biết.

Lấy người dân là trung tâm

 

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ biểu dương các địa phương Đông Nam Bộ đã đồng lòng hợp tác, liên kết phát triển du lịch.

Theo Phó Thủ tướng, đây là thông điệp về sự liên kết trong phát triển du lịch nói riêng, kinh tế nói chung với trò nòng cốt của các tỉnh, thành phố có điều kiện phát triển hơn một bước như TP.HCM. Đồng thời thể hiện tính chủ động, quyết tâm của TP.HCM, các tỉnh Đông Nam Bộ trong “cái khóló cái khôn”, trong sự khó khăn của du lịch hiện nay, tìm giải pháp để vượt qua.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cần phải ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cần lấy người dân làm trung tâm trong việc phát triển du lịch.

Phó Thủ tướng Chính phủ nhận định, không chỉ là ngành kinh tế, du lịch còn là kênh giao lưu giữa nhân dân trong nước, quốc tế, qua đó vừa phát huy, bảo tồn và làm mới các giá trị văn hoá. Du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn giúp xoá đói, giảm nghèo, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa.

 

Vì vậy, du lịch cần lấy người dân làm trung tâm, làm sao cho mọi người dân thấy rằng tham gia vào làm du lịch về lâu dài sẽ giúp giảm nghèo. Quan trọng hơn là chúng ta mang những giá trị của quê hương, dân tộc mình ra thế giới, và cũng có điều kiện được tiếp xúc, giao lưu với văn hoá, văn minh thế giới ngay tại nhà mình, quê hương mình.

Phó Thủ tướng cho rằng các nhà đầu tư lớn có vai trò quan trọng trong thành công của ngành du lịch những năm qua, không chỉ về mặt doanh thu mà cả các kinh nghiệm, giải pháp tốt để phát triển du lịch bền vững.

Vùng Đông Nam Bộ còn rất nhiều nơi rất hoang sơ thì đây là cơ hội của các nhà đầu tư, doanh nghiệp có tâm, có tầm để làm sao phát triển được du lịch nhưng vẫn giữ được sự hoang sơ của thiên nhiên, giữ được nét độc đáo của văn hoá địa phương mà không lạc hậu.

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp du lịch cho hay,trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, ngành du lịch phải đáp ứng điều kiện tiên quyết là đảm bảo an toàn cho du khách, cho đội ngũ nhân lực ngành cũng như cộng đồng xã hội.

Ông Võ Anh Tài - Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group đánh giá, trong giai đoạn hiện nay vẫn tiếp tục đặt mục tiêu an toàn là trên hết. Đón khách du lịch cần đảm bảo vấn đề an toàn tối đa.

 

Để phục vụ cho chương trình kết nối các doanh nghiệp du lịch cùng với TP.HCM đã xây dựng 3 sản phẩm du lịch kết nối, gồm TP.HCM - Bình Dương - Tây Ninh 2 ngày 1 đêm đến Chùa Thái Sơn, Thánh thất Cao đài, cáp treo núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng... Tuyến thứ 2 là TP.HCM - Bình Dương - Tây Ninh; tuyến 3 gồm TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu... với hàng loạt điểm tham quan rất hấp dẫn đến khách du lịch, điều này không góp phần kích thích tăng trưởng địa phương.

Trong khuôn khổ hội nghị, nhiều hoạt động thiết thực đã được tổ chức như: Chào đón đoàn khách du lịch đầu tiên theo chương trình du lịch liên tuyến vùng Đông Nam Bộ; khảo sát điểm đến tại Tây Ninh; giới thiệu điểm đến và sản phẩm du lịch vùng Đông Nam Bộ; Hội thảo phát triển sản phẩm liên kết kích cầu du lịch vùng Đông Nam Bộ; tour xe caravan TP.HCM - Tây Ninh.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm