EVFTA: Yếu tố tiên quyết để nông nghiệp Việt thành công khi thâm nhập thị trường EU
DNVN - Khi yếu tố thuế quan không còn là vấn đề thì chất lượng sản phẩm và “nội lực” cạnh tranh của doanh nghiệp lại là yếu tố tiên quyết trong việc phát triển xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU khi EVFTA có hiệu lực, đặc biệt đối với các sản phẩm nông, thủy sản.
EVFTA và EVIPA: FDI vào Việt Nam sẽ gia tăng không chỉ từ các nước thành viên EU / Truyền thông châu Âu hoan nghênh Việt Nam phê chuẩn Hiệp định EVFTA
Bộ Công Thương nhận định, sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết và có hiệu lực, nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thể tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và GDP đạt 15.000 tỷ USD. Nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp chiếm khoảng 8,4% trong tổng nhập khẩu của EU; trong đó các sản phẩm có trị giá nhập khẩu lớn nhất là cà phê, khô dầu đậu tương, đậu tương, dầu cọ và hạt ca cao.
Hiệp định EVFTA có mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các FTA đã được ký kết (99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7 - 10 năm). Đặc biệt, Việt Nam có xuất khẩu cà phê, ca cao và dầu cọ, đặc biệt là cà phê với mức thuế suất hiện nay trong khoảng 7,5-11,5% tùy từng dòng hàng sẽ được giảm về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực.
Việc ký kết và thực thi EVFTA không chỉ mang đến cơ hội về tăng trưởng xuất khẩu mà còn giúp cho ngành nông nghiệp nước ta đẩy mạnh công tác tái cơ cấu hướng sâu vào vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói..v.v..., góp phần đưa hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất sang EU và sẽ nhận được nhiều lợi ích so với các Hiệp định thương mại khác đã tham gia. Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có FTA với EU. EU và Việt Nam là 2 thị trường bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, trong đó, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hàng hóa mà EU không có thế mạnh hoặc không sản xuất được như thủy sản, cà phê, điều, trái cây nhiệt đới..v.v... Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.
Tuy nhiên, khi yếu tố thuế quan không còn là vấn đề thì chất lượng sản phẩm và “nội lực” cạnh tranh của doanh nghiệp lại là yếu tố tiên quyết trong việc phát triển xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU, đặc biệt đối với các sản phẩm nông, thủy sản. Có thể nhận thấy, ngoài các lợi thế về thuế quan và quy tắc xuất xứ..v.v…, Hiệp định EVFTA sẽ là đòn bẩy, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện và đồng bộ hơn, đặc biệt là việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, gắn liền với yếu tố “xanh, sạch”, đảm bảo giá trị lao động, kèm theo các chứng chỉ về khai thác, nuôi trồng theo đúng chỉ dẫn địa lý.
Đồng thời, Hiệp định sẽ thúc đẩy liên kết sản xuất giữa nông dân, ngư dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong một chuỗi giá trị, gắn với “tín hiệu thực” của thị trường EU nói riêng cũng như các thị trường phát triển nói chung, góp phần nâng tầm hình ảnh của nông, thủy sản Việt.
Để tận dụng hiệu quả các lợi ích từ Hiệp định EVFTA, Bộ Công Thương cho rằng, trước tiên cần phải tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu, đáp ứng tiêu chí xuất xứ, thu hút đầu tư mở rộng sản xuất các mặt hàng mà ta có khả năng cạnh tranh nhưng thị phần ở thị trường đối tác EVFTA còn nhỏ.
Đặc biệt, việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng cường kiểm soát nguồn cung và định hướng sản xuất gắn với tín hiệu thị trường cần phải được quan tâm, chú trọng hơn nữa; đẩy mạnh công tác đàm phán kỹ thuật, công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp không chỉ về tiêu chuẩn của EU mà còn về phương thức sản xuất, nuôi trồng phù hợp để đáp ứng các tiêu chuẩn đó.
Bên cạnh đó, Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa việc phát triển lĩnh vực dịch vụ logistics phục vụ cho xuất khẩu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, triển khai đồng bộ hoạt động xúc tiến thương mại cho nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ở tất cả các cấp độ..v.v...
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo