Thực phẩm Việt đối mặt xu hướng mới
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), cho biết hiện có những chủ doanh nghiệp (DN) mới, đa số là người trẻ, có tri thức, có vốn liếng, đất đai... đang đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm sạch, nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển mô hình mới.
Bao vây trong vòng xoáy
“Việc này diễn ra trong hiện trạng họ bị bao vây bởi hóa chất, thuốc trừ sâu, bị bao vây bởi vòng xoáy của thực phẩm bẩn. Dù có khó khăn nhưng họ vẫn muốn xây dựng lòng tin trên thị trường”, bà Minh lưu ý.
Bên cạnh đó, thị trường thực phẩm Việt đang bị đe dọa bởi tình trạng bán giấy chứng nhận giả, ngay như chứng nhận VietGAP thì người tiêu dùng (NTD) cũng không tin. Thậm chí, trong các phòng thí nghiệm cũng có thể mua được kết quả kiểm nghiệm.
Chia sẻ tại buổi họp báo do Bộ Công Thương tổ chức ở Tp.HCM cuối tuần qua nhằm giới thiệu Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam (Vietnam Foodexpo 2019), bà Minh nhấn mạnh đến yếu tố minh bạch đối với các DN trong ngành hàng thực phẩm hiện nay, thực tế cũng có những DN đang quyết tâm đi theo con đường này.
Còn theo Ts. Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) của Tập đoàn PAN, các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam khi ra thị trường thế giới cần phải hiểu biết những quy định của quốc tế về an toàn thực phẩm, cũng như hiểu được xu hướng tiêu dùng...
Đáng chú ý, nếu như quan tâm đến thực phẩm Việt, NTD quốc tế luôn muốn biết sản phẩm đó được DN Việt sản xuất ra như thế nào, có đảm bảo sạch hay không và có hạn chế được những tổn hại về mặt môi trường không.
Báo cáo mới đây về ngành hàng thực phẩm của CTCP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho thấy những xu thế chính của ngành thực phẩm trong một vài năm tới là sự bùng nổ của các sản phẩm nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường. Bên cạnh đó là sự trỗi dậy của niềm tin, của những giá trị thật và câu chuyện thật về sản phẩm và thương hiệu DN, cũng như ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) vào sản xuất, phân phối.
Còn theo báo cáo xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ của AC Nielsen, có đến 86% NTD Việt Nam ưu tiên lựa chọn sản phẩm organic cho những bữa ăn hàng ngày bởi tính an toàn, giàu dinh dưỡng.
Vietnam Report đưa ra dự báo trong 3 năm tới sẽ là thời điểm đột phá của các thực phẩm hữu cơ cùng với việc sử dụng các nguyên liệu, bao bì bảo vệ môi trường. Triển vọng của thị trường F&B Việt Nam cũng hòa theo triển vọng của thị trường thực phẩm và đồ uống thế giới với doanh thu của thực phẩm và đồ uống hữu cơ tiềm năng đạt 320,5 tỷ USD vào năm 2025.
Ngoài ra, xu hướng mua sắm trực tuyến của NTD trong nước và trên thế giới cũng là điều mà các DN thực phẩm Việt, nhất là với nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) cần lưu tâm.
Nên thích ứng nhanh
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển thị trường công ty chuyên nghiên cứu thị trường Kanta Việt Nam, thương mại điện tử (E-comerce) đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam, đặc biệt trong ngành hàng FMCG với tốc độ trên 100%. Với đà tăng trưởng này, 5 năm tới, E-comerce có thể chiếm thị phần 4% trong ngành FMCG tại Việt Nam.
Các DN thực phẩm Việt trong phân khúc FMCG cũng cần tham khảo kết quả khảo sát từ dữ kiện internet của nhóm nghiên cứu AGOF của Đức cho thấy 83,7% người dùng internet tuyên bố sử dụng web để tìm kiếm thông tin và 68,3% để mua sắm trực tuyến. Thế nhưng, hầu hết các sản phẩm FMCG không được đặt hàng trực tuyến vì hầu hết NTD lựa chọn sự tiện lợi của các cửa hàng thực sự gần nhà cho các sản phẩm trong danh mục này.
Ngoài ra, bao bì cũng rất quan trọng với NTD hiện nay đối với thực phẩm. Ở góc độ DN, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Food, cho biết công ty phải rất nhiều lần thay đổi mẫu mã bao bì để đáp ứng thị hiếu NTD.
Đơn cử như mặt hàng cháo tươi ăn liền, từ lúc tung sản phẩm ra thị trường, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty này đã nghiên cứu, thay đổi mẫu mã bao bì nhiều lần, qua đó giúp chiếm lĩnh được thị phần.
Theo giới chuyên gia, các DN nội địa trong ngành hàng thực phẩm nên thích ứng nhanh với những xu hướng mua sắm, tiêu dùng mới trong nước và trên thế giới. Các DN có thể kết hợp với các công ty công nghệ để nắm bắt thói quen, tiếp thị và giao hàng công nghệ.
Trong khi đó, thách thức lớn của các DN Việt trong ngành hàng này đang nằm ở tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nguồn nguyên liệu đầu vào quy mô nhỏ, thương hiệu yếu và mẫu mã đơn giản.
Riêng ở ngành hàng nông sản thực phẩm, cả nước hiện có trên 7.500 DN quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản thực phẩm nhỏ, lẻ, hộ gia đình làm nhiệm vụ sơ chế, chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa.
Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của các DN Việt được cho là còn thấp khi mà các nguồn lực về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, năng lực quản trị và hội nhập còn khá kém. Vì thế, việc ứng phó của họ với xu hướng mới, với các rào cản hội nhập vẫn là một thách thức lớn trong thời gian tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Xuất khẩu cá ngừ cần động lực để tăng tốc trong năm 2025
Buồn vui với sản phẩm phục vụ Tết
Kiện toàn giải pháp thanh toán chạm: VPBank “xanh hóa” để bảo vệ môi trường
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Người dân cần tỉnh táo trước thực phẩm không rõ nguồn gốc trong dịp Tết