Thương mại biên giới với Trung Quốc giảm mạnh: Tìm giải pháp tháo gỡ
DNVN - Việc Trung Quốc duy trì chính sách “Zero COVID”, xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch, cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của một số tỉnh biên giới còn thiếu và yếu... được coi là những trở ngại khiến thương mại biên giới với Trung Quốc giảm mạnh thời gian qua.
Áp lực tăng giá xăng dầu có thể tác động tiêu cực lên thị trường lao động / Giá vàng ngày 10/7/2022: Tuần tới, giá vàng tăng hay giảm?
Thương mại biên giới với Trung Quốc giảm 64,5%
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2022 tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc ước đạt 4,15 tỷ USD (chiếm 50,32% tổng giá trị giao thương của Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới đất liền với các nước có chung đường biên giới và chiếm 7,42% tổng giá trị thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc), giảm 64,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc ước đạt 509,22 triệu USD, giảm 87,3% so với cùng kỳ năm 2021. Nhập khẩu từ Trung Quốc ước đạt 3,64 tỷ USD, giảm 52,5% so với kỳ năm 2021.
Bộ Công Thương cho rằng, hoạt động thương mại biên giới nói riêng, thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc nói chung luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành và sự vào cuộc của chính quyền địa phương.
Các địa phương biên giới phía Bắc đã xây dựng và duy trì được cơ chế hợp tác chặt chẽ với các địa phương biên giới Trung Quốc, qua đó nhanh chóng nắm bắt thông tin và phối hợp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thương mại biên giới tại địa bàn.
Các hoạt động xúc tiến thương mại biên giới tiếp tục được triển khai với các hình thức linh hoạt nhằm thích ứng với công tác phòng chống dịch, góp phần duy trì hoạt động giao thương, kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước...
Nhiều trở ngại
Bên cạnh yếu tố thuận lợi, hoạt động thương mại biên giới với Trung Quốc còn đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại.
Việc Chính phủ Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “Zero COVID” và áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát hàng hóa, phương tiện… nhằm phòng chống dịch COVID-19 tại các cửa khẩu biên giới đã ảnh hưởng lớn tới tốc độ thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới trên đất liền với Trung Quốc, thậm chí có thời điểm đã gây ùn tắc hàng hóa nghiêm trọng tại khu vực cửa khẩu, đồng thời là nguyên nhân trực tiếp gây sụt giảm kim ngạch thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua.
Việc Trung Quốc áp dung chín sách "Zero COVID" là 1 trong những nguyên nhân khiến thương mại biên giới với Trung Quốc giảm mạnh.
Nhiều doanh nghiệp hai nước vẫn lựa chọn xuất khẩu “tiểu ngạch” - hình thức trao đổi cư dân biên giới - vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro về thanh toán, kiểm dịch, ép cấp, ép giá, ùn tắc…
Cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của một số tỉnh biên giới còn thiếu và yếu, đặc biệt là hạ tầng giao thông và các dịch vụ logistics còn hạn chế; cửa khẩu quốc tế đường sắt chưa được phát huy lợi thế do khác biệt về khổ đường ray; hạ tầng thương mại biên giới quy mô còn nhỏ lẻ, chưa đáp ưng được yêu cầu về trao đổi, lưu thông hàng hóa với phía Trung Quốc.
Tại địa bàn tỉnh Lào Cai, với việc phía Vân Nam tuy đã khôi phục hoạt động thông quan hàng hóa tại nhiều cặp cửa khẩu với Việt Nam nhưng vẫn tiếp tục tạm dừng thông quan nhiều mặt hàng nông sản, trái cây tươi (thanh long, chuối, vải thiều, nhãn, xoài,…) dẫn tới lượng hàng hóa này của ta tiếp tục dồn về địa bàn tỉnh Lạng Sơn để làm thủ tục xuất khẩu.
Bên cạnh đó, với việc các loại nông sản bước vào cao điểm vụ thu hoạch và năng lực thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ tại Lạng Sơn chưa cải thiện ,… nguy cơ tái diễn tình trạng ùn tắc nghiêm trọng như thời điểm trước tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 hoàn toàn có thể xảy ra nếu không được tháo gỡ kip thời.
Đa dạng hóa thị trường
Trong bối cảnh này, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các đơn vị liên quan để triển khai công tác nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung 2 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc cũng như các văn bản pháp luật liên quan, đảm bảo bám sát hơn với tình hình và đòi hòi của thực tiễn, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc phát triển lành mạnh và bền vững.
Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác phát triển thị trường, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường.
Tiếp tục phối hợp để tăng cường công tác thông tin, định hướng doanh nghiệp chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sang hình thức chính ngạch bền vững. Kêu gọi doanh nghiệp dịch vụ logistics hỗ trợ các doanh nghiệp nông, thủy sản và trái cây thông qua việc ưu tiên bảo quản các loại trái cây, giảm chi phí lưu kho, lưu bãi, giảm chi phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa...
Ngoài ra, hoàn thiện và phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp tại Báo cáo về các quy định, cơ chế chính sách khuyến khích xuất khẩu chính ngạch đối với một số hàng hoá hiện đang ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo