Thị trường

Giá lợn hơi phải trên 60.000 đồng/kg người chăn nuôi mới có lãi

DNVN - Giá bán lợn hơi phải trên 60.000 đồng/kg thì người chăn nuôi mới có lãi, tạo động lực đầu tư, tái đàn, trong khi đó giá lợn hơi trung bình trên thị trường từ đầu năm đến nay dao động ở mức trên 50.000 đồng/kg.

Giá thịt lợn vẫn "nhảy múa", chị em rủ nhau mua thịt lợn, thịt bò nhập khẩu / Tết Nguyên đán cận kề, loay hoay bình ổn giá thịt lợn

Theo ông Nguyễn Quốc Lân, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương: Kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi sau giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh COVID-19, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt khiến tình hình chăn nuôi lợn ổn định trở lại, người chăn nuôi chủ động được nguồn con giống, liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi luôn ở mức cao, điều chỉnh tăng giá liên tục từ đầu năm đến nay là một trở ngại lớn đối với ngành chăn nuôi, nhất là những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ.

Thống kê của Cục Chăn nuôi cho biết: Tính đến tháng 6/2022, tổng đàn lợn cả nước tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021, đạt khoảng 28 triệu con, gần bằng số lượng thời điểm trước khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi (2/2019). Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt hơn 2.116 nghìn tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước (quý II/2022 đạt hơn 1.075 nghìn tấn, tăng 7,1%).

Như vậy, đàn lợn đã phục hồi mạnh giai đoạn 2020 - 2021 sau thời gian bị thiệt hại nặng nề vị dịch bệnh. Đây là sự nỗ lực rất lớn của ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi lợn nói riêng.

Tính đến tháng 6/2022, tổng đàn lợn cả nước tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong quý I/2022, giá hầu hết các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm nói chung và thịt lợn nói riêng chỉ tăng nhẹ vào dịp sát Tết Nguyên đán do nhu cầu tiêu thụ tăng, nhưng sau đó đã giảm trở lại. Giá thịt lợn mặc dù vẫn ở mức cao so với trước khi xuất hiện dịch ASF nhưng đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Giá lợn hơi bắt đầu có xu hướng tăng từ đầu quý II/2022 khi thị trường thế giới có nhiều biến động, giá các nguyên liệu đầu vào tăng (chi phí vận chuyển, giá thức ăn chăn nuôi tăng), đồng thời nhu cầu tiêu dùng có xu hướng tăng khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát.

Tính đến hết tháng 6/2022, giá lợn hơi tại hầu hết các địa phương trên cả nước tăng nhẹ so với tháng trước do chi phí giá thành chăn nuôi tăng, tuy nhiên mức tăng không cao. Giá lợn hơi trên cả nước trung bình đạt từ 54.000 - 61.000 đ/kg, tăng 2.000 - 3.000 đ/kg so với tháng trước.

Cụ thể, giá lợn hơi ở khu vực miền Bắc dao động trong khoảng 57.000 - 61.000 đ/kg; khu vực miền Trung giảm còn 51.000 - 57.000 đ/kg; khu vực miền Nam từ 55.000 - 59.000 đ/kg. Giá lợn hơi đã giảm hơn 15 - 19% so với cùng kỳ năm trước.

Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại dự báo: Xu hướng tiêu dùng thịt lợn tại Việt Nam giảm dần, tăng lên ở các loại thực phẩm khác, một phần nguyên nhân do dịch tả lợn châu Phi và dịch COVID-19 trong thời gian dài, đồng thời một phần cũng do sự thay đổi thói quen người tiêu dùng. Đây là tín hiệu tốt để giảm áp lực đối với sự biến động của thị trường thịt lợn.

Ngày 10/6/2022, Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos công bố kết quả nghiên cứu về thị trường thịt lợn Việt Nam năm 2022 cho thấy mức tiêu thụ thịt lợn của người Việt Nam ít hơn so với 5 - 6 năm trước.

Theo ông Lân, giá thức ăn chăn nuôi chiếm đến 65% - 70% trong giá thành sản xuất thịt lợn. Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã điều chỉnh 5 lần tăng giá, tương đương tăng khoảng 20%, cộng các chi phí đầu vào khác (con giống, chuồng trại, nhân công, thuốc khử khuẩn, sát trùng...) nên giá bán lợn hơi phải trên 60.000 đồng/kg thì người chăn nuôi mới có lãi, tạo động lực đầu tư, tái đàn.

Trong khi đó, giá lợn hơi trung bình trên thị trường từ đầu năm đến nay dao động ở mức trên 50.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi phải trên 60.000 đồng/kg thì người chăn nuôi mới có lãi.

Trước áp lực chi phí thức ăn chăn nuôi ở mức cao, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên ngành cần đưa ra các giải pháp có tính lâu dài, hỗ trợ, hướng dẫn người chăn nuôi tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có để thay thế một phần thức ăn công nghiệp, đồng thời cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng từ trang trại tới bàn ăn.

Các cơ quan quản lý cần giải pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi góp phần giảm bớt khó khăn cho chăn nuôi lợn nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia thị trường sản xuất thức ăn chăn nuôi, chủ động hơn trong nguồn cung, hạn chế bị độc quyền.

Nhà nước cần có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường, nếu không tình trạng giảm đàn, bỏ chuồng sẽ còn tiếp diễn.

Mặt khác, theo ông Lân, việc Việt Nam sản xuất được vaccine phòng bệnh tả lợn châu Phi sẽ khiến các nông hộ tự phát, mạnh dạn tái đàn trong thời điểm giá đầu vào, sản xuất cao, giá lợn hơi không tăng, dễ xảy ra tình trạng thừa cung.

Về lâu dài, cần có cuộc cách mạng thay đổi hình thức chăn nuôi, đầu tư bài bản và áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, dần công nghiệp hóa thay thế hình thức chăn nuôi nông hộ.

“Khuyến khích doanh nghiệp và người chăn nuôi áp dụng khoa học - công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất để giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng. Đây cũng là một trong các giải pháp giữ được sự tồn tại ngành chăn nuôi lợn trong nước khi chúng ta thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, ông Lân khuyến nghị.

Thu Ngân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm