Thị trường

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư được cải thiện, có thể đạt được mục tiêu

Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung 9 tháng năm 2018, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước và bằng 34% GDP.

Chính thức ra mắt “Siêu ủy ban” quản lý 2,3 triệu tỷ đồng vốn Nhà nước / Biến rừng lau, cỏ dại thành đồi táo, lãi hàng trăm triệu/năm

Tính chung 9 tháng năm 2018, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 1.253,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước và bằng 34% GDP.

Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện 9 tháng ước tính đạt 214,5 nghìn tỷ đồng, bằng 63,2% kế hoạch năm và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2017 bằng 62,4% và tăng 6,6%).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong đó, vốn trung ương quản lý đạt 39,8 nghìn tỷ đồng, bằng 60,4% kế hoạch năm và giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn địa phương quản lý đạt 174,7 nghìn tỷ đồng, bằng 63,9% kế hoạch năm và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và Vốn đầu tư của Tổng cục Thống kê, nguyên nhân giải ngân đầu tư công chậm thời gian trước đây thường là do ảnh hưởng của vấn đề thủ tục giải phóng mặt bằng, nghiệm thu thanh toán khối lượng của các công trình.

Hơn nữa, các quý đầu năm, nguồn vốn đưa vào công trình chậm, ảnh hưởng đến vốn thực hiện, tuy nhiên, các kỳ gần đây vấn đề này đã được cải thiện nhiều so với trước.

Về dài hạn, việc sửa đổi Luật Đầu tư công sẽ giúp việc thực hiện giải ngân và thu hút các nhà đầu tư ngày càng thuận lợi hơn trong tương lai.

 

“Trước mắt, mục tiêu Chính phủ đề ra năm 2018 giải ngân đầu tư công đạt 94-98%, chúng tôi đã tính toán và thấy mục tiêu này có khả năng đạt được”, ông Nguyễn Việt Phong nhận định.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/9/2018 thu hút 2.182 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt hơn 14 tỷ USD, tăng 18,3% về số dự án và giảm 3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Bên cạnh đó, có 841 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt hơn 5,5 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 9 tháng đạt hơn 19,6 tỷ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng năm nay ước tính đạt 13,25 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 9 tháng năm 2018 còn có 5.275 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 5,7 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 788 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,84 tỷ USD và 5.087 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 3,86 tỷ USD.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt hơn 6 tỷ USD, chiếm 44,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 5 tỷ USD, chiếm 35,1%; các ngành còn lại đạt gần 3 tỷ USD, chiếm 20,6%.

 

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 9 tháng năm nay đạt hơn 9,6 tỷ USD, chiếm 49,2% tổng vốn đăng ký; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt hơn 5, 4 tỷ USD, chiếm 27,7%.

Các ngành còn lại đạt hơn 4,5 tỷ USD, chiếm 23,1%. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn 1,6 tỷ USD, chiếm 29% tổng giá trị góp vốn; ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt hơn 1,3 tỷ USD, chiếm 23,5%; các ngành còn lại đạt hơn 2,7 tỷ USD, chiếm 47,5%.

Cả nước có 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 9 tháng năm nay, trong đó Hà Nội có số vốn đăng ký lớn nhất với hơn 4,9 tỷ USD, chiếm 34,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Bà Rịa - Vũng Tàu đạt hơn 1,7 tỷ USD, chiếm 12,6%; Bình Dương 684,5 triệu USD, chiếm 4,8%...

Trong số 71 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 9 tháng, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với hơn 5,8 tỷ USD, chiếm 41,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc với hơn 3 tỷ USD, chiếm 21,9%; Singapore với hơn 1,1 tỷ USD, chiếm 7,8%...

Ông Nguyễn Việt Phong cũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đáng đánh giá mặt được, cũng như hạn chế của lĩnh vực này.Từ đó, Bộ sẽ xây dựng các chính sách phù hợp hơn trong việc thu hút vốn đầu tư, bảo đảm chuyển dịch theo hướng khuyến khích ngành công nghệ cao.

 

Theo Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm