Tiêu dùng trong tuần (từ 12-18/6/2023): Giá nhiều mặt hàng giảm mạnh
Giải pháp nào để báo chí và doanh nghiệp “cùng thắng” trong môi trường truyền thông số? / Lãi suất điều hành giảm: Cơ sở để các ngân hàng hạ lãi vay
Giá hoa sen, quýt Úc, trứng gia cầm, tôm... đồng loạt giảm mạnh. Ảnh minh họa
Giá xăng giữ nguyên, dầu tăng
Tại kỳ điều chỉnh ngày 12/6, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định trích lập Quỹ bình ổn đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 228 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 180 đồng/lít; dầu diesel ở mức 200 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 200 đồng/lít; dầu mazut ở mức 100 đồng/kg. Đồng thời tiếp tục không chi Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu.
Sau khi thực hiện việc trích lập Quỹ bình ổn giá, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu như sau: Xăng E5 RON 92 giữ nguyên; Xăng RON 95 giữ nguyên; Dầu diesel tăng 80 đồng/lít; Dầu hoả tăng 50 đồng/lít; Dầu mazut giảm 170 đồng.
Theo đó: Xăng E5 RON 92 không cao hơn 20.878 đồng/lít; Xăng RON 95 không cao hơn 22.015 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 18.0233 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 17.821 đồng/lít; Dầu mazut không cao hơn 14.713 đồng/kg.
Với đợt điều chỉnh kể trên, giá xăng trong nước đã giữ nguyên sau 2 lần điều chỉnh tăng liên tiếp. Tính từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã có 9 lần tăng, 6 lần giảm và 2 lần giữ nguyên.
Hoa sen rớt giá mạnh
Đầu tháng 6 là mùa hoa sen. Khắp các ngõ phố TP Hồ Chí Minh, Hà Nội xuất hiện nhiều xe chở những đóa sen trắng, hồng. Trên các chợ online và mạng xã hội, hoa sen cũng được rao bán rầm rộ. Trong đó, loại sen từng gây sốt – sen 1.000 cánh, màu sắc bắt mắt - giá hiện bằng nửa năm ngoái, bằng 1/6 mức giá năm 2019 - năm đầu tiên xuất hiện trên thị trường.
Theo khảo sát tại các cơ sở, loại sen siêu cánh này được rao bán phổ biến ở mức 50.0000 - 70.000 đồng một bó 10 bông (5.000 - 7.000 đồng một bông tùy kích cỡ). Ngoài sen 1.000 cánh, sen ta hồng, quan âm, ánh dương, cung đình cũng có giá phổ biến từ 30.000 - 80.000 đồng một bó 10 bông, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chị Loan, chủ một shop hoa online ở Hà Nội, cho biết năm nay sen 1.000 cánh có giá thấp kỷ lục. Cách đây 4 ngày, chị bán với giá 60.000 đồng cho bó 10 bông lớn, bông nhỏ là 3.000 đồng. Khách phải mua từ 100 bông.
"Nếu năm 2019, để mua được 5 bông sen nghìn cánh tôi phải lùng khắp các mối cung cấp với giá 200.000 đồng. Năm nay, nguồn hàng dồi dào gấp nhiều lần, ngày nào cũng có hàng để bán cho khách", chị Loan nói.
Tương tự, chị Thanh Hiền, chuyên bán hoa ở Long Biên (Hà Nội), cũng cho biết hoa sen vào vụ nên nhiều ngày gần đây chị liên tục bán giảm giá, chỉ 120.000 đồng cho bó 20 bông sen nghìn cánh. Với sen trắng bạch liên và hồng bách diệp, giá 100.000 đồng cho bó 20 bông.
"Chưa bao giờ giá sen lại rẻ như bây giờ, năm ngoái đã hạ nhiệt nhưng cũng 300.000 đồng một bó 20 bông. Năm nay nguồn cung dồi dào, giá rẻ, nhưng nhiều khi tôi vẫn phải bán sen tặng kèm các loại bông khác", chị Hiền nói.
Tại TP Hồ Chí Minh, sen nghìn cánh có giá 80.000 - 120.000 đồng cho bó 10 bông. Riêng các loại sen trắng, sen hồng, giá 60.000 - 70.000 đồng, giảm 30% so với năm ngoái.
Theo các nhà đầm và đầu mối buôn bán, nguyên nhân khiến hoa sen rớt giá mạnh là năm nay nguồn cung dồi dào, nông dân mở rộng diện tích. Đặc biệt, loại sen 1.000 cánh được ưa chuộng nên nhiều đầm tăng gấp đôi diện tích so với cùng kỳ năm ngoái, khiến giá hoa lao dốc.
Ngoài ra, năm nay các vựa trồng hoa cũng cung ứng ra thị trường với số lượng lớn, nhiều chủng loại, giá rẻ nên cạnh tranh.
Theo Trung tâm nghiên cứu phát triển hoa và cây cảnh, tổng diện tích trồng sen cả nước ước tính trên 3.000 ha, tập trung ở một số tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Nghệ An, Nam Định, Huế, Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Long An, Bến Tre. Cách đây 10 năm, sen đa phần để lấy hạt và củ, nhị. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây trào lưu cắm sen, cúng phật nở rộ nên hoa sen được chú ý.
Bên cạnh các giống hoa sen truyền thống chỉ có 10-30 cánh, năm 2019, thị trường xuất hiện một loại sen được trồng trong chậu có bông khổng lồ, với số lượng cánh lên tới 1.000. Loại này nhanh chóng gây sốt và được nhiều hộ trồng nhân giống, bán với giá 400.000 đồng một bó 10 bông, đắt gấp 6 lần sen thường tùy loại. Nay chúng được nhân rộng, giá rớt mạnh.
Giá quýt Úc chỉ 20.000 đồng/kg
Chiều 16/6, chị Vũ Thị Thu Trà ở Trần Cung (Hà Nội) nhận được thùng quýt Úc 10kg mình đặt mua từ tối hôm trước với giá chỉ 20.000 đồng/kg. Đây cũng là lần đầu tiên chị mua được quýt Úc giá rẻ như vậy.
Không còn lạ gì với quả quýt Úc, bởi vài năm trở lại đây chị thường xuyên mua về ăn. Loại quýt nhập khẩu này có vỏ mỏng, dễ bóc, tép mọng nước và ngọt lịm. Có thời điểm, giá quýt Úc lên tới 150.000 đồng/kg, lúc rẻ cũng 70.000 đồng/kg. Song, mức 20.000 đồng/kg như hiện nay thì quýt Úc nhập khẩu còn rẻ hơn cả quýt Ôn Châu (Trung Quốc) bán ngoài chợ.
Thấy giá rẻ, chị Trà tranh thủ đặt mua nhiều hơn. Vì mùa hè ăn các loại quả có chứa hàm lượng vitamin C cao sẽ tốt cho sức khỏe.
Trên hội nhóm mua bán trái cây online, thấy quýt Úc rao bán với giá rẻ đến khó tin, nhiều chị em còn hỏi lại cho chuẩn xác trước khi đặt hàng. Bởi, quýt Ôn Châu bán ngoài chợ giá đã 30.000-50.000 đồng/kg tùy loại, trong khi quýt Úc được vận chuyển từ Úc về giá có loại chỉ 20.000 - 35.000 đồng/kg.
Chị Chu Thị Thuý Hà, chủ một cửa hàng trái cây ở Xuân Thuỷ (Cầu Giấy, Hà Nội), thừa nhận, cửa hàng đang bán quýt Úc với giá 20.000 đồng/kg. Loại quýt này ngọt, ít hạt, tép mọng nước nhưng size quả nhỏ nên giá siêu rẻ.
Mức giá này chị bán lẻ từ 1kg, chứ không phải áp dụng bán theo thùng hay theo set như các loại trái cây khác. Song, cửa hàng chỉ nhận ship khi khách đặt mua từ 3kg trở lên.
Thời điểm đầu năm nay, quýt Úc về hàng giá cũng rất rẻ, dao động từ 40.000 - 55.000 đồng/kg tùy số lượng. Nay, giá quýt còn rẻ hơn nên các chị em nội trợ ồ ạt chốt đơn mua.
"Ngày hôm qua chỉ rao bán trong 8 tiếng đồng hồ, nhân viên của cửa hàng đã chốt bán được hơn 7 tạ quýt Úc". Chị nói và cho biết, đơn mua 2-3kg rất ít, đa phần đặt từ 5kg, thậm chí nhiều đơn mua 10kg.
Giá trứng gia cầm giảm sâu
Ông Vương Quang Dũng, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM&DV Vương Huỳnh (sở hữu trang trại gà đẻ khoảng 60.000 con tại TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), cho biết giá trứng tại trại giảm rất mạnh, chỉ còn 1.600 đồng, trong khi giá thành 1.700 - 1.800 đồng/trứng, tức người chăn nuôi bị lỗ 100-200 đồng/trứng. Cũng theo ông Dũng, việc học sinh nghỉ hè càng làm cho thị trường tiêu thụ trứng gia cầm thêm khó khăn.
Còn theo ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, giá trứng giảm còn do kênh tiêu thụ chế biến bánh, suất ăn công nghiệp, trường học lâu nay chiếm lượng tiêu thụ lớn - khoảng 40% nhưng gần đây giảm số lượng đặt hàng từ 30%-40% so với trước.
Ngoài ra, giá trứng giảm mạnh còn do nguồn cung dồi dào dẫn tới dư thừa. Thông tin từ Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho hay do những năm trước, giá trứng luôn ở mức cao, người chăn nuôi có lãi nên các trại chăn nuôi gà đẻ mở rộng, tăng đàn lên đáng kể.
Bên cạnh đó, những hộ nuôi heo, nuôi gà thịt bị lỗ chuyển sang nuôi gà đẻ nên số lượng trứng cung cấp ra thị trường trở nên dư thừa, trong khi sức tiêu thụ trên thị trường giảm mạnh khiến lượng trứng tồn kho tăng cao. Để giải phóng hàng tồn, buộc các nhà sản xuất phải giảm giá mạnh.
Giá tôm giảm, người nuôi đứng ngồi không yên vì thua lỗ
Ngày 12/6, ghi nhận giá tôm tại tỉnh Kiên Giang cho thấy, tôm sú giảm từ 30.000 - 40.000 đồng/kg tùy kích cỡ so với cách đây 1 tháng. Cụ thể, tôm sú loại 20-30 con/kg thương lái mua với giá 250.000 đồng/kg, giảm khoảng 40.000 đồng/kg. Tôm sú 50 con/kg cách đây 1 tháng có giá khoảng 130.000 - 135.000 đồng/kg, hiện giảm còn 95.000 đồng/kg.
Tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, thương lái mua giá 66.000 - 70.000 đồng/kg, giảm khoảng 20.000 đồng/kg. Tôm thẻ loại 50-60 con/kg giá 73.000 đồng, giảm 30.000 đồng/kg. Tôm thẻ loại 70-80 con/kg giá 70.000 đồng/kg, giảm 25.000 đồng/kg.
Tương tự, giá tôm thẻ chân trắng tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… cũng đang ở mức thấp, giảm khoảng 40% so với đầu năm.
Ông Cao Thành Văn, hộ nuôi tôm ở xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu chia sẻ với giá như hiện nay, người nuôi tôm không có lãi, thậm chí lỗ nặng, nhất là đối với tôm nuôi loại từ 40 con/kg trở lên.
Lấy ví dụ về tôm thẻ loại 40 con/kg có giá 100.000 đồng/kg trong khi chi phí để nuôi đã là 115.000 - 120.000 đồng/kg, ông Văn cho biết chi phí sản xuất hiện nay đội lên rất nhiều. Không chỉ thức ăn, giá điện, chi phí vận chuyển, mà tất cả các thứ liên quan đến con tôm đều tăng.
Với diễn biến về giá như hiện nay, không ít hộ nuôi tôm tỏ ra chán nản, đồng thời dự báo nhiều khả năng sẽ có một đợt treo ao trong thời gian tới nếu tình hình không cải thiện.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), nguyên nhân khiến giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng liên tục giảm trong thời gian qua là do xuất khẩu giảm mạnh, lượng hàng tồn kho lớn nhưng chưa có đơn hàng mới, công ty chế biến tôm xuất khẩu thu mua cầm chừng...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc