Tiêu dùng

Bỏ nghề vì thấy “cắn rứt lương tâm” sau khi làm tư vấn bán thuốc Đông y giả

DNVN – Vì luôn cảm thấy cắn rứt lương tâm vì những gì mình đang làm, nhiều người tư vấn bán thuốc đông y giả đã phải bỏ nghề. Đây là những loại thuốc chưa được kiểm định chất lượng, không có giá trị ngày càng được bán tràn lan trên các kênh online như Facebook, YouTube...

Tuyên Quang: Đề nghị công an điều tra vụ 13 tấn nguyên liệu thuốc đông y nhập lậu / Chờ đợi 'sức bật' mới của xuất khẩu nông sản hữu cơ

Những ngày gần đây, YouTube tràn lan các quảng cáo về các sản phẩm thuốc đông y với những câu từ có cánh được lặp đi lặp lại khiến người xem thuộc nằm lòng như: “nhà tôi 3 đời nhận chữa”, “tôi đã chữa khỏi cho rất nhiều người”, “chỉ cần để lại số điện thoại chúng tôi sẽ tư vấn tận tình miễn phí”… Với tần suất xuất hiện dầy đặc và liên tục những quảng cáo này làm nhiều người xem cảm thấy ức chế và khó chịu.

Tuy nhiên, ít người biết rằng đằng sau những lời quảng cáo hoa mĩ đó đa số là của những cơ sở làm ăn chụp giật, bị lợi nhuận làm mờ mắt vẫn đang lừa dối người bệnh, lừa dối người tiêu dùng. Những người gọi điện tư vấn tự xưng là bác sĩ, y sĩ thực chất chỉ là những nhân viên tư vấn với thời gian đào tạo cấp tốc chưa đầy 2 ngày đã có thể học được thuộc kịch bản, học được hết những mánh khóe, chiêu trò và có thể tự tin gọi điện tư vấn cho cả trăm khách hàng dựa theo kịch bản tư vấn có sẵn.

Chỉ cần học thuộc kịch bản có sẵn là người không có kinh nghiệm cũng có thể tự xưng y sĩ, bác sĩ gọi điện tư vấn khách hàng (Ảnh internet).

Chỉ cần học thuộc kịch bản có sẵn là người không có kinh nghiệm cũng có thể tự xưng y sĩ, bác sĩ gọi điện tư vấn khách hàng (Ảnh internet).

Chị Hoài Thu, 21 tuổi chia sẻ, vốn không có điều kiện học đại học, trước đây mình bán hàng thuê, mới ứng tuyển và được nhận vào làm telesales (tư vấn bán hàng qua điện thoại) cho một công ty trong lĩnh vực đông y chuyên bán các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị các bệnh phổ biến như yếu sinh lý, viêm họng, tiểu đường, tăng cân, giảm cân…Nếu làm chăm chỉ, thì thu nhập nghề này cũng khá cao, mỗi tháng làm tốt cả hoa hồng số tiền lương có thể lên đến 11 đến 14 triệu đồng/1 tháng.

Nhưng chỉ có thực sự là nhân viên, người làm lâu năm mới biết được với các công ty bán hàng đông y online thì có đến hơn 80% là bán “rác” (sản phẩm kém chất lượng). Những thứ gọi là thuốc điều trị kia thực tế không hề có công dụng như những gì được quảng cáo. Chị Thu cho biết, mình đã từng chứng kiến nhân viên ngồi đóng gói thủ công chứ không có dây chuyền sản xuất hay một thứ gì đó tương tự. Một loại bột mịn đựng trong bao dứa được các nhân viên dùng tay chia ra và đóng vào từng gói nhỏ….

Khi vào làm việc ở đây, Thu gặp rất nhiều trường hợp khách hàng gọi điện đến phàn nàn, phản ánh về việc dùng thuốc không hiệu quả. Thay vì việc tìm nguyên nhân, xử lý hỗ trợ khách hàng câu trả lời khách hàng nhận được chỉ là do cơ địa từng người. Cứ 10 cuộc gọi phản hồi về chất lượng sản phẩm thì có đến 5 hoặc 6 cuộc nói bệnh tình không tiến triển và vài cuộc báo bệnh nặng thêm. Thậm chí, khi làm việc ở đây, Thu được nghe các nhân viên lâu năm kể lại, nhiều trường hợp gọi đến bắt đền vì dùng thuốc làm cho người nhà của họ bệnh tình nặng thêm, thậm chí còn tử vong.

Nhiều sản phẩm kém chất lượng đang được quảng cáo tràn lan trên các kênh mạng xã hội.

Nhiều sản phẩm kém chất lượng đang được quảng cáo tràn lan trên các kênh mạng xã hội.

Đỉnh điểm, những trường hợp khách hàng gọi điện đến phản ánh chất lượng sản phẩm không tốt đòi bồi thường thì quản lý yêu cầu chặn số và block số điện thoại đó ra khỏi danh sách mà không hề có ý định chịu trách nhiệm với chất lượng sản phẩm của mình.

Sau khi biết được chân tướng sự thật, vì quá ám ảnh với những hậu quả nhãn tiền mà mình đang gián tiếp tiếp tay, chỉ chưa đầu 3 tháng, chịThu đã quyết định nghỉ làm công việc gian dối này. Thu cho biết: "Mình thấy công việc này quá thất đức và lương tâm mình không cho phép mình làm điều đó".

Theo ông Thân Đức Công - Tổng Cục Quản lý Thị trường cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn lực lượng đã kiểm tra và xử lý trên 1.600 vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực trên. Trong đó, số vụ vi phạm về thuốc đông y khoảng 729 vụ, số vụ vi phạm về thực phẩm chức năng khoảng 911 vụ. Số tiền phạt hành chính ước hơn 35 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm 78 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện nay trong quá trình phát hiện, xử lý phía cơ quan chức năng còn gặp khó khăn về nguồn lực, các dụng cụ để kiểm tra, xét nghiệm, chưa có sự phối hợp nhiều và chặt chẽ của các ngành như hải quan, y tế, công an…

Bên cạnh đó, Tổng cục Quản lý thị trường khuyến cáo người tiêu dùng cần lựa chọn và mua sản phẩm thực phẩm thuốc đông y, thực phẩm chức năng đã được cơ quan chức năng xác nhận cho phép lưu hành.

Đặc biệt, người tiêu dùng cần tránh mua các sản phẩm được tư vấn qua điện thoại, sử dụng hình ảnh bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo về tác dụng chữa được bệnh, điều trị bệnh hay được quảng cáo dưới các hình thức thư cảm ơn của người bệnh, diễn viên, người nổi tiếng về sản phẩm.

Thiên An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm