Đau lòng chim yến có nguy cơ bị tận diệt khi bị đánh bẫy, bắt để ăn hoặc thả chim phóng sinh
Yến ngoại kém chất lượng “đội lốt” hàng Việt tuồn vào thị trường, kéo giá yến sào Việt Nam rớt thê thảm / Hiệp hội Yến sào Việt Nam lên tiếng sau khi Bộ Nội vụ xem xét giải thể: Do lục đục nội bộ hay lợi ích nhóm bên ngoài công kích?
Chim yến bị đánh bẫy và bán rong trên đường phố. Ảnh do Hội Yến sào Phú Yên cung cấp.
Theo ông Phạm Duy Khiêm, Chủ tịch Hội Yến sào Phú Yên, vào ngày 9/9/2020, Ban Bảo vệ chim yến thuộc Hội Yến sào Phú Yên đã ngăn chặn thành công 1 vụ bẫy chim chuyên nghiệp tại cánh đồng trống dưới Bệnh viện sản nhi Phú Yên. Ngay khi nhận được tin báo của người dân tới số hotline của Hội Yến sào Phú Yên, Ban Bảo vệ đã tới hiện trường vụ bắt trộm. Chỉ trong vòng 30 phút, các đối tượng giăng lưới bắt chim yến đã phải thu lưới và rời khỏi hiện trường.
Trước đó ngày 13/5/2020 tại Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TP.HCM vùng nuôi yến hàng đầu Việt Nam, chim yến bị mắc lưới hàng loạt tại đầm nuôi tôm của ông C. Mỗi ngày có cả ngàn con yến bị mắc lưới và bị ăn thịt. Khi công an tới thì cũng chỉ mang tính vận động, thuyết phục, thậm chí năn nỉ chủ đầm tôm hạ lưới xuống chứ cũng không xử lý chế tài được người ta.
Ông chủ đầm tôm bắt chim yến còn lý sự “đất của tui thì tui giăng lưới kệ tui, chim yến bay lại và dính vào lưới thì kệ chim”.
Ban bảo vệ chim yến thuộc Hội Yến sào Phú Yên đã ngăn chặn thành công vụ giăng lưới bắt chim yến ngày 9/9/2020. (nguồn ảnh: Hội Yến sào Phú Yên cung cấp)
Ông Phạm Duy Khiêm cho biết, tình trạng người dân nhiều vùng đã bắt, giết chim yến để ăn thịt hoặc để phóng thả chim cầu may làm chúng sợ hãi bỏ đi diễn ra ở nhiều tỉnh, thành. Điều này làm giảm đáng kể sản lượng khai thác yến của các nhà nuôi yến. Một nguyên nhân nữa là số lượng côn trùng - thức ăn của chim cũng bị giảm sút do môi trường thiên nhiên và cơ cấu nông nghiệp bị biến động nhiều không phù hợp với điều kiện sinh thái chim và côn trùng.
Hiệp hội Yến sào Việt Nam là tổ chức đại diện cho những người nuôi yến hiện nay lại đang gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý, dẫn đến bị Bộ Nội vụ yêu cầu giải thể. Điều này dẫn đến khó khăn lớn cho nghề nuôi yến hiện nay. Hiệp hội yến Sào Việt Nam có vai trò hỗ trợ các nhà chăn nuôi nhỏ lẻ, kết nối trao đổi kỹ thuật và góp phần giải quyết các bất cập xảy ra trong nghề này
Theo anh Nguyễn Tất Hữu - một chủ thành công trong nghề nuôi yến cho biết, nghề nuôi yến trong nhà đang gặp phải nhiều thử thách lớn, nặng nề nhất là môi trường thay đổi mạnh làm cơ cấu nông nghiệp thay đổi, không đủ côn trùng cho chim yến, rất nhiều nhà yến sẽ thất bại. Nhưng một thử thách lớn khác đó là Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho nghề nuôi và khai thác tổ yến. Nói cách khác là pháp luật chưa thừa nhận, hoặc thừa nhận chưa đủ về nghề này.
Với hiện trạng thiếu hành lang pháp lý để quản lý thị trường yến như vậy thì nghề nuôi và khai thác tổ yến của Việt Nam rất khó để tiến xa, sẽ ít có triệu phú sinh ra từ nghề này và đương nhiên, Chính phủ sẽ sẽ mất đi cơ hội thu ngân sách từ nghề này.
“Các hiệp hội, các đội nhóm thời gian qua đều rất quan tâm đến vấn nạn săn, bẫy chim yến là điều đáng trân trọng nhưng hầu như chỉ mang tính tự phát, nhất thời, nhỏ lẻ và kém hiệu quả. Khi chưa có hành lang pháp lý thì có yêu chim yến đến đâu đi nữa chúng ta cũng rất khó xử lý những vụ việc tương tự như vầy. Danh không chính thì ngôn khó thuận”, anh Nguyễn Tất Hữu cho biết.
Trong đơn khiếu nại gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân mới đây, Hiệp hội Yến sào Việt Nam cho biết, từ sau ngày 15/01/2020, sau khi nhận được thông báo 279 của Bộ Nội vụ, Hiệp hội Yến sào Việt Nam đã phải hạn chế hoạt động để chờ kết quả giải quyết đối với Thông báo kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hội và thực hiện Điều lệ của Hiệp hội Yến sào Việt Nam số 279/TB-TCPCP ngày 15/01/2020 của Bộ Nội vụ.
Hiệp hội đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc phối hợp với các ngành và địa phương bảo vệ đàn chim yến trước nạn săn bắt nghiêm trọng tại nhiều địa phương trong một khoảng thời gian khá dài làm thiệt hại rất lớn đến quần thể bầy đàn chim yến, gây giảm sút sản lượng tổ yến, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho người nuôi yến và lợi ích quốc gia.
Ngoài ra, Hiệp hội còn gặp khó khăn khi triển khai kế hoạch thực hiện các chương trình hướng dẫn kỹ thuật, kiến thức cho bà con chăn nuôi yến và đóng góp trách nhiệm xã hội trên nhiều mặt trận đồng thời cũng bị hạn chế việc kết nối, dẫn dắt Hội viên và người nuôi yến tiếp cận kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước. Điều này dẫn đến tình trạng không kịp thời hạn chế và khắc phục nhà yến kém hiệu quả gây thiệt hại cho bà con nuôi yến.
Cũng trong giai đoạn này, trong khi Hiệp hội mất đi tiếng nói và khó khăn trong việc triển khai các hoạt động theo đúng vai trò của mình thi yến ngoại lai kém chất lượng nhập lậu ngày càng nhiều trà trộn vào Yến Việt dẫn đến giảm uy tín chất lượng của Yến Việt đồng thời làm ảnh hưởng đến sự cân bằng giữa cung, cầu trong nước làm tổ yến rớt giá ngày càng nghiêm trọng gây thiệt hại về uy tín và kinh tế rất lớn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo