Tìm đường xuất khẩu mắc ca
Sống chết với cây tỷ đô
Ông Lê Văn Trường sinh ra tại một làng quê ở tỉnh Hà Tĩnh. Khoảng gần 30 năm trước, vợ chồng ông lên cao nguyên và chọn xã Đinh Lạc (huyện Di Linh, Lâm Đồng) để lập nghiệp.
Nhờ tính cần cù, chăm chỉ làm ăn nên từ người làm thuê, vợ chồng ông mua được rẫy. Ông chia sẻ, dù đã có đất, có cà phê trong vườn nhưng cuộc sống thời đó cũng chỉ là đủ ăn, đủ mặc, không dư giả. Mãi đến bây giờ, khi hạt mắc ca cho nguồn thu thì mới có phần khấm khá hơn.
Đưa chúng tôi thăm vườn, ông Trường không giấu được niềm vui sướng khi thấy những cây mắc ca sừng sững đầy rẫy những chuỗi hoa thơm ngát. Thế mà đã có lần ông buồn, chán và hoài nghi tất cả, kể cả cán bộ nông nghiệp vì nghĩ tương lai với cây tỷ đô quá xa vời, mờ mịt.
“Đúng 10 năm trước, nghe cán bộ nói cây mắc ca phù hợp với đất Lâm Đồng và có cơ hội phát triển kinh tế nên tôi đã lặn lội sang tận Đắk Lắk mua giống về trồng. Trong diện tích 3,5ha, cùng với cà phê, 750 cây tỷ đô cứ thế lớn lên. Suốt 5 năm sau đó, những cây mắc ca cũng chỉ là kẻ vô hồn, tồng ngồng giữa nương rẫy. Nhiều gia đình làm cùng lúc với tôi đã quyết định chặt bỏ để lấy lại vườn cho cà phê nên có lần tôixuýt làm theo”, lão nông tâm sự.
Đến năm thứ 7, trong lúc đang buồn chán thì ông nhận thấy cây ra hoa và cho những chùm quả bói đầu tiên. Từ đây, niềm tin về cây có trái nhen nhóm trong người nông dân hơn bao giờ hết và ông lại củng cố tinh thần, làm việc bất chấp để mong tìm thấy sự thành công.
Năm thứ 8, ông thu hoạch cả khu vườn được vẻn vẹn 400kg trái tươi và mang về sơ chế rồi chia sẻ niềm vui cùng gia đình, hàng xóm. Những người từng chặt bỏ cây ngày nào giờ đây lại tiếc nuối khi đã không vững niềm tin để cùng ông đi đến cùng.
Lần mò "xuất ngoại"
Niềm vui vì cây cho trái chưa được bao lâu thì gia đình ông Trường phải đối đầu bài toán đầu ra cho sản phẩm. Ông chia sẻ, cây cho thu hoạch mỗi ngày một nhiều nhưng người mua lại không phổ biến như mua hạt cà phê. Do vậy, việc bán được một kg hạt mắc ca vô cùng khó khăn. Không chịu đầu hàng, ông tiếp tục chăm bón để cây cho năng suất cao nhất. Cùng với việc làm vườn, ông liên hệ khắp các mối hàng, doanh nghiệp trong nước để giải quyết đầu ra.
Ông Trườngthổ lộ: “Tôi liên hệ được các nguồn tiêu thụ tự do ở TP.HCM và lần đầu tiên bán được 120kg hạt tươi. Những năm sau đó, tôi lại mon men tìm mối và bán cho các thương lái, bán cho các trạm dừng chân trên quốc lộ 20. Cứ thế, vừa chăm cây, vừa tìm kiếm thị trường tiêu thụ và đến nay, mắc ca của gia đình đã vào được một số hệ thống siêu thị trong nước với giá 240.000 đồng/kg vỏ cứng”. Theo ông Trường, hiện nay, ông xây dựng Hợp tác xã mắc ca Di Linh và liên kết sản xuất với 33 hộ dân trong, ngoài huyện với diện tích 85ha.
Năm 2018, nhờ nỗ lực tìm kiếm thị trường, HTX đã bán ra thị trường trong nước khoảng 100 tấn. Đặc biệt, HTX kết nối được với một doanh nghiệp ở Hàn Quốc và xuất khẩu nhân tách vỏ cứng với giá 600.000 đồng/kg.
“Cơ hội xuất khẩu đã mở ra rồi. Bây giờ, mình cần đẩy mạnh sản xuất, chế biến để đáp ứng nguồn hàng. Mỗi tháng, họ cần 7 tấn nhân nên nguyên liệu sẽ rất lớn”, ông Trường cho biết. Cùng với việc xuất khẩu sang Hàn Quốc, HTX của ông Trường cũng bắt đầu thâm nhập thị trường Úc để năm 2020 có thể xuất khẩu sang thị trường này.
Ông Lê Văn Trường, Giám đốc Hợp tác xã mắc ca Di Linh là người khởi xướng phong trào sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP để đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu.
Thời gian qua, HTX đã đầu tư hệ thống máy chế biến mắc ca để làm hạt sấy đóng gói cung cấp cho siêu thị, hạt tách vỏ cứng xuất khẩu qua Hàn Quốc và sản xuất tinh dầu mắc ca. Tất cả các mặt hàng đều được đăng ký thương hiệu, mã truy xuất nguồn gốc…
Theo ông Trường, mắc ca phát triển tốt trên đất Di Linh và cho thu hoạch mỗi năm 2 vụ chính. Trong đó, mỗi cây cho thu hoạch khoảng từ 40 - 50kg trái/vụ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo