Tìm giải pháp mang lại lợi nhuận lâu dài từ cây lúa
Xuất khẩu gạo tiếp tục khởi sắc trong những tháng cuối năm? / Giá gạo Việt Nam tăng quá cao chưa hẳn là lợi thế
Giá lúa tăng nhưng vẫn còn nỗi lo
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên, tỉnh Hậu Giang nằm trong vùng ĐBSCL, hằng năm, diện tích gieo trồng lúa đạt khoảng 180.000 ha, sản lượng đạt khoảng 1,2 triệu tấn. Với tiềm năng nông nghiệp sẵn có, tỉnh Hậu Giang xác định tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Ngay từ khi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Ðộ có hiệu lực, giá gạo xuất khẩu tăng đẩy giá lúa gạo tại Hậu Giang và các tỉnh ĐBSCL liên tục tăng theo. Đây cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp cơ cấu lại ngành sản xuất lúa gạo theo hướng ổn định diện tích và sản lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng và giá trị hạt gạo.
Ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại hội thảo.
Giá lúa tăng, nông dân trồng lúa tại Hậu Giang phấn khởi nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo vì chi phí phân bón, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất cũng tăng đáng kể, đồng thời tác động xấu của biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và sản lượng lúa trong thời gian qua.
“Nếu tình hình vật tư nông nghiệp và các khoản chi phí khác tiếp tục gia tăng như hiện nay thì dù giá lúa gạo có tăng thì lợi nhuận thực sự của người nông dân vẫn tăng không đáng kể. Về lâu dài, khả năng người hưởng lợi từ thời cơ tăng giá lúa chưa hẳn đã là người nông dân”, ông Tuyên nhấn mạnh
Trên cánh đồng lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL.
Thực hiện Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 03/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh tập trung duy trì diện tích sản xuất lúa hàng năm, đồng thời vận động người dân tăng cường mở rộng sản xuất diện tích vụ Thu Đông tại những khu vực có điều kiện thuận lợi để gia tăng sản lượng lúa của tỉnh.
Tập trung xây dựng và phát triển các vùng trồng đạt tiêu chuẩn an toàn đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường giàu tiềm năng như: Châu Âu, Trung Quốc,… Hiện Hậu Giang đã xây dựng được 07 vùng trồng lúa được sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn được cấp mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường các nước với diện tích 282,12 ha/161 hộ, sản lượng trong năm khoảng 3.635,5 tấn.
Ngành nông nghiệp Hậu Giang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, mở rộng diện tích sản xuất áp dụng kỹ thuật canh tác cải tiến như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, tăng tỷ lệ diện tích lúa được chứng nhận các tiêu chuẩn SRP, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… theo nhu cầu thực tế của thị trường, phấn đấu đến năm 2025 có trên 95% diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, giá thành sản xuất thấp.
Sản xuất lúa gạo những tháng cuối năm 2023 được đánh giá là “được mùa, được giá” làm cho người nông dân phấn khởi, tạo động lực để người dân tiếp tục gia tăng sản xuất, nâng cao giá trị xuất khẩu. Đồng thời, ngành nông nghiệp và các địa phương sẽ tiếp tục có những giải pháp để giúp nông dân trồng lúa có lợi nhuận ổn định, bền vững.
Thực hiện mô hình "1 phải 5 giảm" tăng lợi nhuận
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia đã tập trung phân tích, thảo luận về cơ cấu giá thành sản xuất và tiêu thụ như thế nào để nông dân trồng lúa có lãi; so sánh chi phí sản xuất và giá lúa tiêu thụ, xuất khẩu từ đó chuẩn định mức giá thành sản xuất để người nông dân có lãi cao; tìm kiếm các giải pháp nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn giúp người nông dân nâng cao lợi nhuận, gắn bó lâu dài với nghề trồng lúa.
Chuyên gia Bùi Bá Bổng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định, ưu thế của ngành lúa gạo Việt Nam là có vùng sản xuất tập trung, đặc biệt là ở vùng ĐBSCL; có hệ thống thủy lợi phát triển, tỷ lệ diện tích lúa có tưới của Việt Nam lên đến 85%, cao nhất trong khu vực; có bộ giống lúa chất lượng cao và kỹ thuật canh tác tiên tiến, năng suất lúa thì vượt trội so với khu vực, giá trị xuất khẩu cao.
Tuy nhiên, ngành lúa gạo Việt Nam còn hạn chế do quy mô nông hộ trồng lúa nhỏ; chưa hình thành chuỗi giá trị hiệu quả, nhất là mối liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tiêu thụ lúa chưa bền vững, nông dân bán lúa trực tiếp cho doanh nghiệp chỉ chiếm 12,1% tổng sản lượng lúa, trong khi số lượng lúa bán cho thương lái chiếm tới gần 50%, Ngoài ra, việc sản xuất còn lạm dụng tài nguyên tự nhiên và vật tư có nguồn gốc hóa chất, gây phát thải khí nhà kính ...
Từ đó, chuyên gia kiến nghị, để nâng cao lợi nhuận, giảm chi phí sản xuất lúa cần đẩy mạnh áp dụng thực hành sản xuất tốt như "1 phải 5 giảm" (1 phải là sử dụng giống xác nhận và 5 giảm là giảm lượng giống gieo sạ, phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm lượng nước tưới và thất thoát sau thu hoạch), nếu nông dân thực hiện đúng sẽ giảm khoảng 30% chi phí.
Bàn về hiện trạng liên kết sản xuất và kinh doanh lúa gạo ĐBSCL, TS. Đặng Kiều Nhân - Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển ĐBSCL thuộc Trường Đại học Cần Thơ cho biết, nông dân lạm dụng phân và thuốc bảo vệ thực vật làm tăng giá thành sản xuất và chi phí tăng dẫn đến lợi nhuận giảm. Trong khi đó, doanh nghiệp hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nhưng nông dân/hợp tác xã hay bẻ kèo do biến động giá thị trường; sản xuất không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện xuất khẩu.
Chuyên gia này gợi ý giải pháp có thể khắc phục hiện trạng này là doanh nghiệp nên ký hợp đồng liên kết dài hạn (3 năm) với nông dân và hợp tác xã, đồng thời ứng trước 10 triệu đồng/ha không lãi suất và trả vào năm cuối của hợp đồng; mua sản phẩm theo giá thị trường...
Để thúc đẩy sản xuất lúa gạo phát triển bền vững, Bà Nguyễn Thị Giang - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang đề xuất, các cấp ngành địa phương cần tăng cường kết nối thị trường, thu hút đơn vị thu mua, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và trang thiết bị giúp người nông dân tăng cường cơ giới hóa.
Đồng thời, xây dựng hoặc nhân rộng các mô hình phụ trợ như trồng nấm rơm, chế biến và thu mua rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi, giảm áp lực quản lý rơm rạ sau thu hoạch khi không thể đốt và vùi rơm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam