Thị trường

Tìm kiếm giải pháp tiêu thụ sản phẩm OCOP trong thời điểm dịch bệnh

DNVN - Tại buổi Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn, các chuyên gia và đại diện ban ngành đã đưa ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP trong thời điểm dịch bệnh.

Hà Nội: Khai mạc Hội chợ nông sản, thực phẩm, sản phẩm OCOP / Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP

Vào sáng 1/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hà Nội đã phối hợp cùng Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT), Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức “Diễn đàn trực tuyến Hà Nội 2021 – Kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản, thực phẩm an toàn”.

Diễn đàn là hoạt động tiếp nối chuỗi các hoạt động thiết thực bao gồm: tập huấn kỹ năng tiếp thị và bán hàng trên môi trường số, hoạt động truyền thông, tiếp thị “Ngày hội livestream” và hoạt động xúc tiến thương mại thí điểm mô hình “Chợ đêm trên mây”. Tất cả đều hướng tới giúp các chủ thể sản xuất chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, tiếp thị, quảng bá tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Thời gian qua, rất nhiều hoạt động thiết thực giúp quảng bá tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp đã được tổ chức. Ảnh: Tư liệu

Thời gian qua, rất nhiều hoạt động thiết thực giúp quảng bá tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp đã được tổ chức. Ảnh: Tư liệu

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội cho biết, hiện nay TP có khoảng trên 1.000 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Khoảng 70 - 80% sản lượng nông sản của nhiều quận, huyện trên địa bàn TP. Hà Nội đang được tiêu thụ tại thị trường tự do. Việc các đơn vị doanh nghiệp, các nhà phân phối kết nối ký kết hợp đồng tiêu thụ theo tiêu chuẩn chất lượng để nông dân yên tâm sản xuất; nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm; thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp Thủ đô, xây dựng nông thôn mới, thực hiện hiệu quả Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy.

 

Trong khuôn khổ Diễn đàn, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, ban ngành đã đưa ra những giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm sản phẩm OCOP nông sản, thực phẩm an toàn. Trong số các giải pháp, việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử đã nhận được nhiều ý kiến quan tâm.

Bà Vũ Thị Hậu – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, để có thể tham gia thị trường trên tất cả các kênh bán lẻ hiện đại, sản phẩm phải tuân thủ các điều kiện chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá thành sản phẩm. Cụ thể như, sản phẩm phải tuân thủ theo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm với các giấy phép về VietGAP, GlobolGAP... Phải tạo được uy tín thì sản phẩm mới có thể đứng vững trên thị trường. Các doanh nghiệp phải duy trì thời hạn chứng nhận sản phẩm an toàn thì sản phẩm mới vào được hệ thống bán lẻ. Ngoài ra, phải vận hành bộ máy quản lý đồng bộ từ khâu sản xuất, giới thiệu sản phẩm, phân phối để sản phẩm tham gia vào thị trường một cách tốt nhất.

Các sản phẩm OCOP đều rất có tiềm năng nhờ chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng, nguồn cung ổn định. Ảnh: Tư liệu

Các sản phẩm OCOP đều rất có tiềm năng nhờ chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng, nguồn cung ổn định. Ảnh: Tư liệu

PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhận định, thực tế của việc tham gia sàn thương mại điện tử hiện nay còn hạn chế về mặt số lượng, số sàn ít, nhà sản xuất tham gia cũng rất ít. Đã tham gia sàn thương mại điện tử thì phải cung cấp rất nhiều thông tin như mã VietGAP, mã vùng trồng, các điều kiện về an toàn thực phẩm. Trong tương lai, để các sản phẩm nông nghiệp phát triển tốt, khai thác tốt nền tảng số để bán hàng thì các nhà sản xuất phải chuyển dần sang sản xuất bền vững, minh bạch thông tin. Không chỉ chuyển đổi số trong kết nối bán hàng mà còn chuyển đổi số trong cả khâu quản lý sản xuất để minh bạch thông tin.

 

Có thể nói, trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay thì thương mại điện tử sẽ là một cách an toàn để giải quyết vấn đề chuỗi đứt gãy về thị trường nông sản, phát triển ổn định kinh tế trong tương lai.

PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm