Thị trường

Tìm lối thoát cho con tôm

Nhiều năm nay, tôm nuôi của Việt Nam dù thành hay bại thì vẫn 'vấp' phải bài toán giá và điệp khúc 'được mùa mất giá' luôn tái diễn. Câu chuyện giảm giá thành nuôi tôm được nhắc đến liên tục, vậy nhưng, thực hiện như thế nào và từ đâu thì lại chưa có câu trả lời.

Bất lợi vì giá

Liên tiếp 2 năm nay, giá tôm đều xuống thấp trong những tháng đầu năm và chỉ thật sự tăng nhẹ trở lại trong khoảng 4 - 5 tháng cuối năm, khiến không ít người nuôi tôm thua lỗ, lâm vào cảnh khó khăn. Tương tự người nuôi tôm, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm trong nước cũng thường xuyên bị khách hàng phàn nàn tôm Việt Nam khó cạnh tranh do giá còn khá cao so với một số nước. Vì vậy, vấn đề giảm giá thành sản xuất tôm là một trong những yêu cầu bắt buộc, nhằm tăng sức cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới; nhất là trong thời điểm, ngành thủy sản Việt Nam nói chung, con tôm nói riêng đang tham gia ngày một sâu rộng vào sân chơi toàn cầu, thì giá là yếu tố quan trọng, quyết định quy mô sản xuất, an toàn, bền vững của nghề nuôi tôm.

Theo phân tích của các chuyên gia thủy sản, có 4 yếu tố tác động đến giá thành nuôi tôm tại Việt Nam đó là chất lượng con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản và các loại chế phẩm, tâm lý và nhận thức của người nuôi. Theo đó, người nuôi tôm phải thay đổi tâm lý sản xuất, giảm giá thành là nâng cao hiệu quả sản xuất tối ưu hóa các vật tư đầu vào; tuy nhiên, sẽ có nghịch lý là giảm giá thành sẽ giảm đầu tư; điều này sẽ tăng nguy cơ trong quá trình nuôi. Do đó, người nuôi phải sử dụng sao cho hiệu quả cao nhất các yếu tố đầu vào như ao hồ, máy móc trang thiết bị; có quy trình nuôi rõ ràng để có thể quản lý tốt, chủ động phòng tránh những rủi ro trong sản xuất; tham gia và phát triển các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất, đầu mối liên kết đơn vị cung ứng vật tư đầu vào cũng như tiêu thụ, giảm khâu trung gian. Một yếu tố quan trọng khác nữa đó là nâng cao nâng suất nuôi tôm bằng khoa học công nghệ, tối ưu hóa quá trình sản xuất; áp dụng công nghệ vi sinh sẽ giúp ổn định môi trường ao nuôi, đáy ao sạch, chất lượng nước tốt, không ảnh hưởng đến chất lượng tôm, không gây ô nhiễm môi trường, theo đó, con tôm sẽ mau lớn, rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí thức ăn.

Giảm giá thành sản xuất tôm giúp tăng sức cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới

Nâng cao hiệu quả sản xuất

Thực tế cho thấy, thay vì chờ đợi các doanh nghiệp giảm giá bán các vật tư thiết yếu đầu vào, người nuôi tôm đã chủ động giảm giá thành tôm nuôi bằng con đường tăng năng suất và kích cỡ tôm nuôi.

Ông Nguyễn Thanh Vũ ở xã Ngọc Tố huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, nhận xét: “Hiện tại, tôi vừa thu hoạch 3 ao tôm đạt sản lượng khoảng 28 tấn, kích cỡ tôm thu đợt cuối từ 21 - 21,6 con/kg, bán với giá 213.000 - 218.000 đồng/kg, nên tính chung cả vụ của 3 ao này tôi lời gần 3 tỷ đồng”. Còn ông Tạ Thanh Tròn ở huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu cũng nhận định: “Nếu tôm nuôi đạt tỷ lệ sống cao và kích cỡ lớn (dưới 30 con/kg), thì mức lợi nhuận so với vốn đầu tư gần như là 1:1, thậm chí nếu tôm được giá, mức lợi nhuận còn cao hơn nữa”.

Đối với những hộ nuôi TTCT theo hình thức thâm canh như ông Vũ, Ông Tròn, việc tăng tỷ lệ thành công cũng như năng suất, kích cỡ tôm nuôi gần như là không khó, nhưng đối với những hộ nuôi nhỏ lẻ, nguồn lực tài chính yếu là không hề đơn giản. Đây cũng là lý do mà ông Dương Thành Quang ở xã Hòa Tú I, huyện Mỹ Xuyên lựa chọn mô hình nuôi tôm sú với mật độ thưa để thu tôm đạt kích cỡ lớn và giảm chi phí, nhằm giảm giá thành tôm nuôi. Ông Quang chia sẻ: “Những tháng đầu năm nay, giá tôm sú giảm mạnh, nên thay vì thả nuôi mật độ 9 con/m2 như mọi năm, tôi chỉ thả 3 con/m2. Vì vậy mà tôm lớn rất nhanh, dù chi phí thức ăn bổ sung cho tôm đến giờ không đáng kể. Với tốc độ phát triển như hiện nay, theo tôi khoảng 5 tháng nuôi tôm sẽ đạt cỡ 15 - 20 con/kg, giá bán khi đó ít gì cũng 300.000 đồng/kg, trong khi giá thành chỉ khoảng vài chục ngàn đồng/kg, nên dù sản lượng không cao, nhưng tính ra lợi nhuận trên vốn đầu tư là rất lớn”.

Tuy nhiên, để tăng tỷ lệ tôm nuôi thành công, nhằm tăng năng suất, kích cỡ tôm, đòi hỏi người nuôi phải đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ một cách bài bản. TS Nguyễn Duy Hòa chia sẻ: “Một trong những vấn đề quan trọng làm cho tỷ lệ tôm nuôi có tỷ lệ thành công không cao là do dịch bệnh. Ngay cả một số mô hình ao nuôi lót bạt hoàn toàn, hay nuôi ao nổi có xi phông đáy, nhưng nếu đầu tư không bài bản, dịch bệnh vẫn có thể phát sinh và gây thiệt hại nặng cho người nuôi. Do đó, để nuôi đạt tỷ lệ thành công cao, đầu tư cho ao nuôi thôi là chưa đủ, mà phải chọn con giống sạch bệnh, khỏe mạnh, phải đảm bảo rằng ao nuôi luôn sạch, mật độ hợp lý và ôxy hòa tan luôn ở mức cao”.

Theo các doanh nghiệp, muốn giảm giá thành trong nuôi tôm cần tháo gỡ được các thách thức về con giống, vốn, giải pháp kỹ thuật. Chính phủ cần có chính sách linh hoạt gỡ điểm thắt về vốn nhằm giúp người nuôi giảm thiểu chi phí; cùng đó là những giải pháp về kỹ thuật cho tiết giảm điện, khoáng hóa chất thông qua quy trình nuôi nhiều giai đoạn; Và cố gắng nuôi tôm thu ở cỡ con càng lớn càng hiệu quả.

Powered by

Theo Xuân Trường/Thủy sản Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo