Tín dụng cho sản xuất tăng nhanh
Xăng dầu tăng giá mạnh / Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng trên 79%
Điểm tựa của doanh nghiệp
Dòng tín dụng chảy đúng và trúng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng với bán lẻ... sẽ tạo động lực; không chỉ giúp cho nền kinh tế tăng trưởng hiệu quả, bền vững; mà bản thân dòng tín dụng đó cũng an toàn, tránh được nguy cơ tạo nợ xấu, nợ khó đòi.
Là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng việc được tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi ngay từ những ngày đầu của năm cho sản xuất, kinh doanh đã giúp doanh nghiệp này kỳ vọng, sẽ lấy lại được đà tăng trưởng cao sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và suy thoái kinh tế thế giới.
Bà Nguyễn Minh Tâm - Tổng Giám đốc Công ty CP Paris Gâteaux Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đã mạnh dạn tìm, tiếp cận các nguồn vốn của các tổ chức tín dụng uy tín, là điểm tựa rất là quan trọng cho sự phát triển và phục hồi của doanh nghiệp chúng tôi trong thời gian tới".
Cả nước hiện có gần một triệu doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp tới 45% GDP và trên 30% tổng thu ngân sách… Do vậy, việc tăng tín dụng với lãi suất ưu đãi cho khối doanh nghiệp này sẽ tạo động lực lớn cho sự tăng trưởng kinh tế trong năm nay.
"Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã có gói 160.000 tỷ để cho vay trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mà chúng tôi xác định là có thế mạnh và động lực phát triển cho nền kinh tế năm nay với mức lãi suất mà Vietcombank đưa ra là một trong những mức lãi suất cạnh tranh nhất trên thị trường, xuống tới 5%. Trong năm 2024, chúng tôi cũng xác định là tín dụng bán lẻ sẽ giữ vai trò đóng góp khoảng 50% việc tăng trưởng tín dụng", bà Đoàn Hồng Nhung - Giám đốc Khối Bán lẻ Vietcombank cho biết.
Nói về vấn đề này, GS.TS. Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chia sẻ: "Việc công bố ngay chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2024 là 15% và phân bổ thẳng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm, nó thể hiện rất rõ sự quyết tâm của hệ thống tín dụng, của các ngân hàng trong việc dành nguồn lực đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Với sự hỗ trợ đó thì tôi nghĩ rằng nguồn lực từ tổ chức tín dụng sẽ là nguồn lực quan trọng để góp phần tăng trưởng kinh tế của năm 2024".
Theo Ngân hàng nhà nước, năm nay với mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%, cùng với sự vào cuộc ngay từ đầu năm của các ngân hàng, ước tính sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế, qua đó giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động.
Thời điểm này đang là tháng cao điểm về nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, dịch vụ; kéo theo nhu cầu về tín dụng cũng tăng cao. Hiện mặt bằng lãi suất tương đối thấp; nguồn vốn cũng được nhiều ngân hàng rộng mở ngay từ đầu năm. Đây là những yếu tố tích cực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Là doanh nghiệp chuyên kinh doanh về các mặt hàng điện gia dụng, Công ty Benny Electronic Việt Nam được nhiều ngân hàng mời chào các gói tín dụng với lãi suất khá hấp dẫn, thậm chí thấp hơn cả thời kì dịch bệnh.
Ông Trần Trung Kiên - Tổng Giám đốc Công ty Benny Electronic Việt Nam cho biết: "Có một vài ngân hàng có ngỏ ý hỗ trợ cho chúng tôi với mức lãi suất là 5,2%/năm. Trong khi đó, thời COVID-19 chúng tôi vay mức lãi suất thấp nhất cũng phải 6,8%".
Nhiều chương trình tín dụng cũng đã được các ngân hàng tập trung đưa ra dịp đầu năm để giải ngân, trong đó các lĩnh vực ưu tiên như: xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp phụ trợ và tín dụng xanh... được các ngân hàng tập trung phân bổ tín dụng.
"Chúng tôi cũng phát triển một chiến lược đầu tư cho nhóm ngành công nghệ và công nghiệp xanh để hậu thuẫn cho việc tăng trưởng bền vững của quốc gia. Một lĩnh vực nữa mà chúng tôi cũng đặc biệt dành room tín dụng là cho vay tiêu dùng, cho vay nhu cầu thiết yếu của người dân", ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quân đội chia sẻ.
Thay vì chờ đợi sự xét, duyệt trong phân bổ tín dụng đối với từng ngân hàng như trước thì nay, sự chủ động của các ngân hàng trong việc cho vay ngay từ đầu năm cũng là một yếu tố khiến cho dòng vốn có được sự linh hoạt và thông suốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Hoạt - Giám đốc Chi nhánh Sài gòn, Công ty Chứng khoán MBS cho rằng, các ngân hàng sẽ có kế hoạch trong việc phân bổ room tín dụng và tăng trưởng tín dụng đồng thời gửi lên cho Ngân hàng Nhà nước. Từ đó, các ngân hàng thương mại được tự chủ và điều đó sẽ làm cho các ngân hàng linh động hơn.
Tuy nhiên, dù nguồn vốn đã rẻ hơn, các ngân hàng cũng chủ động và linh hoạt hơn trong việc cho vay. Nhưng sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn là yếu tố quyết định cho sự tăng trưởng tín dụng. Bởi vậy, ngoài kích thích về tín dụng, lãi suất thì doanh nghiệp vẫn cần thêm những hỗ trợ khác như về thị trường đầu ra, sức tiêu thụ sản phẩm... để tạo sự đồng bộ và phát triển bền vững.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dấu ấn 2024: Thúc đẩy hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới
Giá nông sản ngày 21/1/2025: Cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu tiếp tục ổn định
Tạp chí The Global Economics vinh danh Home Credit
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 21/1: Ngân hàng điều chỉnh giảm giá bán USD, tỷ giá NDT tăng nhẹ
Giá vàng nhích nhẹ sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump
Bình Dương 'khát' chung cư cao cấp