Tín hiệu mới từ thị trường Trung Quốc
Với việc mở cửa thêm 3 loại thủy sản, đã có 48 loài thủy sản các loại được cập nhật vào Danh mục các sản phẩm thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu (XK) vào Trung Quốc để làm thực phẩm và 36 loài được phép nhập khẩu làm động vật cảnh, 1 loài làm giống nuôi.
Trung Quốc cho rằng các sản phẩm này của Việt Nam đã được phía Trung Quốc tiến hành đánh giá hệ thống kiểm soát thủy sản, danh mục hiện cũng đã có các sản phẩm ngao, ốc khác và nguồn gốc của 3 sản phẩm thủy sản này được khai thác tự nhiên, được phía Việt Nam quản lý và chứng nhận với quy trình tương đồng.
Thị trường quan trọng
Thông báo của phía Trung Quốc cũng đề nghị Việt Nam triển khai việc kiểm nghiệm kiểm dịch và cấp Chứng thư theo mẫu đã được hai bên thống nhất để các sản phẩm thủy sản của Việt Nam XK vào Trung Quốc được triển khai thuận lợi.
Thực tế, Trung Quốc đang là thị trường XK quan trọng với nhiều loại hàng hóa của Việt Nam, trong đó có thủy sản. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 9 tháng năm 2019, tổng kim ngạch XK hàng thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 831,81 triệu USD, tăng 14,19% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, đồng hành cùng sức tiêu thụ lớn là yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của Trung Quốc về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm với thủy sản Việt Nam. Do đó, thời gian qua, Trung Quốc đã siết chặt thương mại biên mậu và kiểm soát chất lượng, khiến XK thủy sản của Việt Nam bị ảnh hưởng.
Cụ thể, từ 1/6/2019, Trung Quốc chuyển từ nhiều hình thức xuất nhập khẩu thành hình thức duy nhất là xuất nhập khẩu chính ngạch, đồng thời cơ quan quản lý đầu mối dồn hết vào Tổng cục Hải quan.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ vốn quen XK tiểu ngạch và thiếu thông tin về những quy định XK chính ngạch, dẫn đến bị bất ngờ, thụ động trước tình huống bị cấm XK tiểu ngạch.
Thủy sản XK sang Trung Quốc phải đáp ứng 2 điều kiện: một là, sản phẩm thủy sản phải được sản xuất tại cơ sở có tên trong danh sách được phép XK do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) công nhận; hai là, từng lô hàng thủy sản khi XK phải kèm theo Chứng thư an toàn thực phẩm do Nafiqad cấp.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cả hai nước sẽ cập nhật thường xuyên các cơ sở sản xuất chế biến thủy sản XK, thủy hải sản XK của Việt Nam phải nằm trong danh mục 120 loài đã được đánh giá và cho phép nhập khẩu vào Trung Quốc...
Do đó, trong 6 tháng đầu năm, XK thủy sản sang Trung Quốc giảm nhẹ 2,3%, đạt 572 triệu USD. Trong đó, XK tôm giảm gần 5%, cá tra tăng gần 2%, cá ngừ tăng mạnh 183%. Cá tra đã vượt tôm, chiếm tỷ trọng cao nhất trong XK sang thị trường này với 44%, trong khi tôm chiếm 40%.
Tuy nhiên, mọi khó khăn cũng qua đi khi trong khoảng 2 tháng trở lại đây, XK tăng trở lại do thị trường Trung Quốc đã có sự điều chỉnh tốt hơn khi nhu cầu tăng. Dự báo XK sẽ tiếp tục tăng mạnh lên trong nửa cuối năm và đạt mức 1,2 tỷ USD trong cả năm.
Nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng
Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), sản lượng thủy sản chế biến tại Trung Quốc đã tăng từ 20,5 triệu tấn năm 2014 lên 21,5 triệu tấn năm 2018. Thủy sản chế biến đông lạnh tăng từ 13,17 triệu tấn (chiếm 67,7% tổng sản lượng chế biến năm 2017) lên 15,1 triệu tấn (chiếm 70,2% tổng sản lượng thủy sản chế biến năm 2018).
Thủy sản chế biến khô năm 2018 đạt mức 3 triệu tấn, chiếm 14% tổng sản lượng thủy sản Trung Quốc. Tổng sản lượng thủy sản tăng từ 59,7 triệu tấn năm 2014 lên 64,5 triệu tấn năm 2018.
Thu nhập khả dụng tăng và tốc độ đô thị hóa nhanh ở Trung Quốc là những yếu tố chính góp phần tăng trưởng của các chuỗi cửa hàng ăn uống tiện lợi, tiêu biểu là các chuỗi tiêu thụ cá tra.
Theo dự đoán của McKinsey, khoảng 850 triệu người dân Trung Quốc, tương đương với 60% tổng dân số, sẽ sống ở khu vực thành thị vào năm 2020. Tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc tăng hơn 50% trong giai đoạn 2007- 2017, đạt mức 62 triệu tấn trong năm 2017.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) dự báo Trung Quốc sẽ trở thành nước nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới với kim ngạch nhập khẩu khoảng 2,3 – 2,5 tỷ USD. Tiêu thụ bình quân đầu người cũng gia tăng, trong đó tiêu thụ thủy sản tươi (cá, tôm, mực và bạch tuộc) dự kiến tăng bình quân 4,8%/năm đến năm 2020.
Đặc biệt, theo lãnh đạo của VASEP, hiện các tỉnh lớn của Trung Quốc đang quan tâm đến vấn đề tiếp cận, mở rộng hoạt động thủy sản buôn bán với Việt Nam thay vì mua qua các đầu mối trung gian trước đây.
Thương mại điện tử tại Trung Quốc đang phát triển rất nhanh, nhiều loại thủy sản của Việt Nam đang được giới thiệu rộng rãi. Đến nay, Trung Quốc đã công nhận danh sách 655 cơ sở chế biến thủy sản của Việt Nam được XK vào thị trường này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Giá cà phê thiết lập mức đỉnh mới
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc dự báo đạt kỷ lục
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh