Thị trường

TP.HCM: Tạo quỹ đất để thu hút đầu tư sản xuất

DNVN - TP.HCM vừa giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố (HEPZA), Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận - huyện liên quan rà soát lại quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất báo cáo đề xuất trình UBND thành phố giải pháp nhằm tạo quỹ đất thu hút đầu tư.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Nuôi tôm trên ruộng muối mang lại hiệu quả kinh tế cao / Hà Nội: Đột kích phố cổ, phát hiện gần 2.400 sản phẩm nhái hàng hiệu

Đồng thời, khẩn trương rà soát lại ý kiến của các Bộ ngành liên quan và chủ động làm việc với các Bộ ngành, trường hợp cần thiết đề xuất trình UBND thành phố có văn bản gửi các bộ ngành liên quan đề nghị sớm có ý kiến hỗ trợ TP.HCM để xây dựng Khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao (280,8ha tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) có chất lượng và có tính cạnh tranh cao phù hợp với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Mặt khác, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp làm việc với HEPZA và thống nhất hướng xử lý đối với các trường hợp doanh nghiệp hoạt động không đúng mục tiêu đăng ký đầu tư, ngành nghề đầu tư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Tạo quỹ đất thu hút đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Tạo quỹ đất thu hút đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, giao HEPZA có văn bản báo cáo cụ thể các vướng mắc liên quan (đơn giá đất, hình thức đóng tiền thuê đất…) đối với KCN Hiệp Phước, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, cũng như báo cáo UBND thành phố. Rà soát, báo cáo cụ thể về quỹ đất sạch có thể thu hút đầu tư ngay (đặc biệt các quỹ đất sạch liền kề với các khu đất mà các chủ đầu tư đang hoạt động để khuyến khích mở rộng nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất) đề xuất trình UBND thành phố.

Đồng thời, chủ động phối hợp các sở ngành chức năng tăng cường công tác hậu kiểm để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vi phạm nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước. Trường hợp vượt thẩm quyền, tổng hợp báo cáo, đề xuất trình UBND thành phố chỉ đạo xử lý. Rà soát, tổng hợp có báo cáo riêng về những khó khăn vướng mắc của các khu công nghiệp, khu chế xuất đề xuất hướng xử lý trình UBND thành phố.

Nhằm tạo quỹ đất phục vụ cho thu hút đầu tư vào các KCX và KCN, ông Nguyễn Hoàng Năng - Trưởng Ban Quản lý KCX-KCN TP.HCM kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích Quận 2 tiếp tục đầu tư hạ tầng KCN Cát Lái, đầu tư nâng cấp nhà máy xử lý nước thải tập trung để phục vụ cho các dự án đầu tư mới và mở rộng tại KCN.

Đồng thời chỉ đạo UBND các quận huyện đẩy nhanh tiến độ đền bù tại các KCN để các công ty phát triển hạ tầng sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên diện tích đó. Hiện còn 130,46 ha chưa đền bù tại các KCN-KCX trên địa bàn 7 quận huyện.

 

Theo ông Năng, một số KCN hiện vướng thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư khu dân cư liền kề KCN, dẫn đến chủ đầu tư hạ tầng, KCN không có nền tái định cư cho người dân, chậm tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng KCN, các hạ tầng xã hội phục vụ KCN chậm triển khai.

Do đó, Ban Quản lý KCN-KCN đề nghị Sở Xây dựng tham mưu UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu việc giao các chủ đầu tư phát triển hạ tầng KCN được làm chủ đầu tư khu dân cư liền kề KCN để các KCN có nền tái định cư, đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng và triển khai các hạ tầng xã hội phục vụ KCN.

Để thu hút đầu tư vào các KCN hiện hữu, ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM đề nghị các KCN cần tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình mới để tăng khả năng thu hút đầu tư theo chiều sâu, phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế. Đó là ưu tiên doanh nghiệp có công nghệ sản xuất hiện đại, giá trị gia tăng cao; tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa vùng ngoại thành.

Trước đó, TP.HCM có đề nghị Chính phủ cho phép xóa quy hoạch 3 dự án khu công nghiệp (KCN) gồm KCN Bàu Đưng (200 ha), KCN Phước Hiệp (175 ha) đều nằm tại huyện Củ Chi và KCN Xuân Thới Thượng (300 ha) ở huyện Hóc Môn. Những dự án này thuộc diện quy hoạch “treo” do vị trí địa lý không thuận lợi, không kêu gọi được chủ đầu tư hạ tầng; kéo dài nhiều năm cũng làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt người dân.

TP.HCM hiện có khoảng 17 khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động, với diện tích cho thuê đạt gần 1.720 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 68%. Giá chào thuê khoảng 300 USD/m2, cao nhất cả nước và cao hơn các khu vực lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm