Thị trường

TP.HCM: triển khai đề án giảm ùn tắc tại cảng Cát Lái

DNVN - Đề án giảm ùn tắc tại cảng Cát Lái (quận 2) nhằm xây dựng hệ thống dịch vụ tiện ích về hải quan, hiện thực hóa mục tiêu giảm 70% thời gian thông quan hàng hóa, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội ước tính 5.000 tỷ đồng/năm.

Lâm Đồng: Thu 2 tỷ đồng/năm nhờ mô hình trồng rau củ ‘tí hon’ sạch / Giá xăng, dầu đồng loạt giảm từ 11/9/2020

Cục Hải quan TP.HCM và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức cuộc họp báo cáo kết quả sơ bộ khảo sát Đề án giảm ùn tắc tại cảng Cát Lái (quận 2, TP.HCM).

Theo đó, Cảng Cát Lái là cảng biển xếp hạng thứ 34 thế giới về quy mô khai thác với công suất đạt hơn 5 triệu TEUs vào năm 2019, chiếm 50% tổng sản lượng khai thác tại miền Nam và 77% tổng sản lượng khai thác tại TP.HCM, phục vụ trung bình từ 13-14.000 containers/ngày.

Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng tại cảng Cát Lái tăng hơn 10%/năm. Tuy nhiên các chính sách kiểm tra chuyên ngành, thủ tục liên quan đến giao nhận hàng hóa gặp nhiều hạn chế, cơ sở hạ tầng giao thông, kho, bãi, cảng chưa đáp ứng được công suất lưu thông hàng hóa, từ đó thường xuyên xảy ra tình trạng ách tắc, làm chậm quá trình xuất nhập hàng của các doanh nghiệp.

Đồng chí Đinh Ngọc Thắng,  Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM phát biểu.

Đồng chí Đinh Ngọc Thắng - Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM phát biểu.

Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM - Đinh Ngọc Thắng cho biết, nhận định tầm quan trọng của công tác tạo thuận lợi thương mại đối với nền kinh tế cũng như quyết tâm của Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan trong hoạt động tạo thuận lợi thương mại nhằm giải quyết tình trạng ách tắc hàng hoá tại Cảng Cát Lái.

Năm 2019, Cục Hải quan TP.HCM thực hiện chương trình đột phá trong công tác tạo thuận lợi thương mại, chủ trì xây dựng và triển khai “Đề án tạo thuận lợi thương mại: Thủ tục hải quan trong hoạt động Logistics và chống ùn tắc tại cảng Cát Lái”.

Đề án nhằm cắt giảm thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian làm thủ tục, giảm chi phí đi lại cho doanh nghiệp; Giảm ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái và giao thông xung quanh cảng.

Qua đó, nâng cao mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với quá trình thực hiện thủ tục hải quan; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo nguồn thu ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời giúp nâng cao thứ bậc về chỉ số hiệu quả logistics, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam.

Theo ông Đinh Ngọc Thắng, với những ưu điểm trên, đề án thực sự là bước đột phá mới thể hiện sự quyết tâm của tập thể lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM, cụ thể hóa chỉ đạo của lãnh đạo các cấp trong việc cải cách nhanh, hiện đại hóa mạnh, xây dựng hệ thống dịch vụ tiện ích về hải quan, hiện thực hóa mục tiêu giảm 70% thời gian thông quan hàng hóa, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội ước tính 5.000 ngàn tỷ đồng/năm; nâng cao khả năng liên kết vùng, gia tăng khả năng lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu từ cảng Cát Lái đến khu vực vành đai và các tỉnh lân cận.

Theo lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM, sau một thời gian phối hợp triển khai, đã khảo sát được góc nhìn khách quan từ các chuyên gia trong và ngoài nước đối với dự án nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái.

Với tinh thần cầu thị, luôn luôn lắng nghe và liên tục cải tiến, Cục Hải quan TP.HCM sẽ củng cố thêm các luận chứng mang tính khoa học để phục vụ cải cách hành chính, tạo thuận lợi thương mại một cách triệt để, mạnh mẽ hơn nữa.

Tình trạng kẹt xe hàng ngày từ hướng Xa lộ Hà Nội đến cầu vượt Cát Lái kéo dài đến Cảng Cát Lái.

Tình trạng kẹt xe hàng ngày từ hướng Xa lộ Hà Nội đến cầu vượt Cát Lái kéo dài đến Cảng Cát Lái.

Ghi nhận nỗ lực của Cục Hải quan TP.HCM qua việc triển khai đề án giảm ùn tắc tại cảng Cát Lái, ông Michael Greene - Giám đốc USAID Việt Nam hy vọng đề án sẽ được triển khai nhân rộng. Đồng thời cam kết sẽ hợp tác và hỗ trợ với Cục Hải quan TP.HCM thực hiện đề án, góp phần nâng cao tăng trưởng thương mại của Việt Nam.

Ngoài ra, USAID cam kết phối hợp cùng các bên liên quan thuộc Chính phủ Việt Nam hoàn thành khảo sát và xây dựng các giải pháp chiến lược nhằm giảm bớt thời gian và chi phí thương mại, từ đó đẩy mạnh hơn nữa thương mại song phương lành mạnh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Được biết, khu vực cảng Cát Lái, quận 2, TP.HCM hiện là điểm “nóng” kẹt xe, ùn tắc giao thông kéo dài, gây bức xúc, thiệt hại về kinh tế cho người dân, doanh nghiệp tham gia giao thông qua khu vực này.

Theo quan sát của phóng viên, hiện nay, hàng hóa vận chuyển đi và đến cảng này chủ yếu bằng đường bộ, không có đường chuyên dùng. Mặc dù thời gian qua thành phố đã đầu tư, đưa vào khai thác một số công trình, như: cầu vượt và hầm chui tại nút giao Mỹ Thủy, cầu Bà Cua mới trên đường Võ Chí Công, cầu qua đảo Kim Cương, song hệ thống hạ tầng giao thông khu vực cảng này chưa được đầu tư đồng bộ. Tất cả các loại xe lưu thông ra vào khu vực cảng đều đi trên các tuyến đường Đồng Văn Cống, Võ Chí Công. Lưu lượng xe ra vào cảng đã vượt quá năng lực của các tuyến đường này.

Trong khi đó, hệ thống hạ tầng xung quanh khu vực vẫn chưa được đầu tư theo quy hoạch đã khiến khu vực này thường xuyên ùn tắc. Điều này tái diễn thường xuyên ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển cũng như thiệt hại kinh tế của các doanh nghiệp.

Anh Nguyễn Văn Lành, tài xế xe container cho biết thời gian qua, anh lỗ nặng bởi vướng kẹt xe liên miên ở các cung đường ra vào cảng Cát Lái. "Chạy ít chuyến thù lao hạ, còn bị chủ cằn nhằn suốt", anh Lành nói. Tuy nhiên, theo anh Lành, dù bị chủ doanh nghiệp cằn nhằn nhưng anh không trách họ bởi họ mới là người thiệt hại và thường xuyên phải ngồi trên đống lửa khi anh điện thoại báo kẹt xe đang diễn ra.

Một thành viên của Hiệp hội Hàng hóa TP.HCM cho rằng, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên tại khu vực xung quanh cảng Cát Lái đã gây thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp thành viên. Nếu các cung đường vào Cát Lái thông thoáng thì mỗi ngày có thể tiết kiệm đến cả chục tỉ đồng."Nhắc đến đường vào Cát Lái, giờ tài xế, doanh nghiệp nào cũng ngán nhưng buộc phải chui đầu vào. Khổ hơn cả là cảnh "ngồi trên đống lửa" của nhiều tài xế, chủ hàng đông lạnh”, vị này cho hay.

Phạm Văn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm