Trái cây Trung Quốc chiếm 15% chợ đầu mối Thủ Đức
Doanh nghiệp cần giúp sức, thay vì đặt mục tiêu / Chứng khoán Mỹ tiến sát mức cao nhất trong 1 tháng
Trái cây Trung Quốc chiếm 15% chợ đầu mối Thủ Đức. (Ảnh minh hoạ) |
Theo ông Nhu, có 15% sản phẩm nông sản tại chợ là có xuất xứ từ Trung Quốc, dưới 10% nông sản đạt các chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Chợ có một khu vực riêng để bán các loại trái cây nhập ngoại và hàng Trung Quốc.
“Nguồn gốc và trái cây ngoại nhập thì chúng tôi phải kiểm tra đầu vào. Những chuyến hàng này, các lô hàng, container trước khi bốc xuống thì chúng tôi phải kiểm tra nếu có giấy tờ thì mới cho nhập chợ bỏ xuống để kinh doanh” - ông Nhu nói.
Tuy nhiên, ông Nhu cũng cho biết, nhiều thương nhân ý thức còn kém, chưa thực hiện đầy đủ trong việc ghi chép sổ nguồn gốc hàng hóa, chưa khám sức khỏe hàng năm và tham gia tập huấn an toàn thực phẩm định kỳ. Thậm chí, Ban quản lý chợ nhiều khi phải sử dụng biện pháp cắt nguồn điện sạp kinh doanh, thì tiểu thương mới tham gia tập huấn. Qua công tác kiểm tra, ban quản lý chợ đã lập 120 biên bản nhắc nhở các trường hợp không khám sức khỏe theo yêu cầu, không tập huấn xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, kinh doanh không đóng gói hàng hóa vào bao bì, chế biến, xay sả, hành, tỏi, ớt tại ô vựa không đảm bảo an toàn thực phẩm.
“Từ bên đó qua đây là có giấy tờ có thuế các thứ hết. Người thương lái đến đây mua hàng cũng không hỏi gì hết, cứ mua rồi đi. Ở đây mình bán món hàng nào ra món đó, không có trà trộn gì hết. Còn tiểu thương về trà trộn gì thì là quyền người ta. Còn ở đây mình bán là quyền của mình” - một tiểu thương tại khu vực trái cây Trung Quốc nói.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý an toàn thực phẩm TPHCM cho biết, số lượng rau, củ, quả hàng đêm nhập về chợ đầu mối Thủ Đức gần 4.000 tấn, cung ứng cho nhiều chợ, siêu thị… Mặc dù việc kiểm soát chặt chẽ nhưng khi số lượng rau củ quả tập trung quá lớn dễ dẫn đến việc trà trộn hàng kém chất lượng. Đặc biệt nguy cơ về mất kiểm soát an toàn thực phẩm luôn rình rập khi mà còn tình trạng nhiều những mặt hàng rau, củ, quả vẫn có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón bừa bãi.
Hàng năm, Ban quản lý có lấy mẫu đánh giá nguy cơ, tất cả quầy, sạp đều ghi chép đầy đủ để chứng minh được nguồn gốc của lô hàng. Nếu phát hiện thực phẩm có dư thừa chất bảo vệ thực vật thì có thể truy xuất ngược, thu giữ lô hàng để xử lý.
Việc test rau củ quả rất phức tạp vì mỗi loại rau củ quả có sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật chuyên biệt, không phải như thịt heo có thể test chung về hàn the, chất cấm, vi sinh.
“Lấy mẫu kiểm nghiệm thì cũng phải đợi mấy ngày. Trong thời gian đó, nếu chúng ta giữ lô hàng mà khi có kết quả kiểm nghiệm không có chất độc hại, thì chúng ta phải đền bù cho người dân. Còn nếu không giam hàng, cứ để bán thì kiểm nghiệm để làm gì. Đây chính là cái khó đối với vấn đề rau củ quả. Vấn đề tận gốc là phải nuôi trồng ra sao cho nó sạch” - bà Lan nói.
Hiện nay, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM cũng đang tăng cường lực lượng, phối hợp với ban quản lý các chợ đầu mối đẩy mạnh việc kiểm soát tình hình an toàn thực phẩm tại các khu vực này. Việc vi phạm về an toàn thực phẩm cũng sẽ bị xử phạt nặng theo quy định của pháp luật./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương