Triển vọng tăng trưởng từ một thế giới biến động - Bài 4: Xu hướng lên ngôi của chủ nghĩa bảo hộ và phi toàn cầu hóa
Triển vọng tăng trưởng từ một thế giới biến động - Bài 1: Cuộc đua chính trị và vận mệnh kinh tế toàn cầu / Triển vọng tăng trưởng từ một thế giới biến động - Bài 2 : Những yếu tố định hình kỷ nguyên mới
Theo bà Pauline Wibaux, chuyên gia kinh tế tại Viện nghiên cứu triển vọng và thông tin kinh tế quốc tế của Pháp (CEPII), chính sách "America First" (Nước Mỹ trước tiên) không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu chính trị mà đã trở thành một chiến lược kinh tế toàn diện. Từ nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump đến nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden, thế giới chứng kiến sự trở lại của chủ nghĩa dân tộc kinh tế tại cường quốc số một thế giới, bằng một khuôn mẫu bảo hộ mới dựa trên logic an ninh.
Phi toàn cầu hóa - cuộc đua bảo hộ thương mại
Xu hướng này được thể hiện qua việc Mỹ duy trì thuế quan cao với hàng hóa Trung Quốc, ban hành đạo luật như Đạo luật CHIPS và Khoa học, có mục đích được nêu là để tái công nghiệp hóa và nỗ lực kiểm soát công nghệ then chốt. Liên minh châu Âu (EU) cũng không nằm ngoài xu hướng này với chính sách tự chủ chiến lược dựa trên công cụ Thỏa thuận Xanh châu Âu và các biện pháp bảo hộ thị trường nội khối. Ấn Độ cũng đã áp thuế quan đối với sản phẩm tấm pin Mặt trời nhập khẩu, kể từ năm 2018, nhằm ngăn chặn sự tràn lan của các sản phẩm cùng loại đến từ Trung Quốc.
Các biện pháp phi thuế quan, hay rào cản kỹ thuật, như các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật, ngày càng trở nên phổ biến. Từ năm 2022, hơn 70% thương mại thế giới chịu rào cản kỹ thuật. Bằng cách áp đặt quy định cụ thể về bản chất của sản phẩm hoặc phương thức sản xuất, những biện pháp này trên thực tế tạo ra rào cản đối với việc nhập khẩu các sản phẩm không tuân thủ các quy định mới. EU đã áp dụng mạnh mẽ chính sách như vậy để bảo vệ ngành nông nghiệp nội khối, 90% trao đổi nông nghiệp buộc phải tuân thủ các điều kiện này. Các biện pháp khắt khe tạo thành ngoại lệ đối với nguyên tắc tối huệ quốc và đi ngược lại với chủ nghĩa đa phương mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ủng hộ.
Trong sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, Trung Quốc là quốc gia đặc biệt bị ảnh hưởng. Việc Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001 đồng nghĩa với sự tăng trưởng xuất khẩu, vì khi tham gia tổ chức này, Trung Quốc được hưởng lợi từ việc giảm đáng kể thuế quan áp dụng cho các sản phẩm xuất khẩu (theo điều khoản tối huệ quốc). Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cường quốc châu Á đã trở thành mục tiêu chính của các nước thành viên WTO. Vào năm 2019, 45% giá trị nhập khẩu toàn cầu bị ảnh hưởng bởi biện pháp bảo hộ tạm thời liên quan đến Trung Quốc, con số cao hơn hẳn so với mức 14% của năm 2001. Tỷ lệ này tiếp tục gia tăng do căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, vốn đã leo thang kể từ nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump (giai đoạn 2017-2021).
Thập kỷ vừa qua cũng đánh dấu sự thay đổi trong việc sử dụng chính sách thương mại. Các lý do cổ điển để bảo vệ công nghiệp trong nước giờ đây đã được thay thế bằng các lập luận chính trị và rộng hơn nữa là địa chính trị. Nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Trump là một ví dụ điển hình, minh họa cho mối liên hệ chặt chẽ giữa chính sách thương mại và cương lĩnh bầu cử. Chính ông là người đã xây dựng chiến dịch truyền thông dựa trên khẩu hiệu “America First” để giành thắng lợi trong cuộc đua vào Nhà Trắng, nhiệm kỳ 2017-2021, và tiếp tục đắc cử trong chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua với khẩu hiệu "Make America Great Again" (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại).
Cuối cùng, người ta nhận thấy rằng các quốc gia ngày càng sử dụng nhiều công cụ phi truyền thống mà thoạt nhìn không thể hiện ý định bảo hộ, nhưng lại có tác động bảo hộ rất lớn. Ví dụ như Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) được Chính phủ Mỹ thông qua vào tháng 7/2022. Đạo luật này cho phép các hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ được hưởng trợ cấp cho tiêu dùng và sản xuất xe điện. Nhưng dưới vỏ bọc thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô xanh, luật này đưa ra các khoản trợ cấp công với điều khoản ưu tiên trong nước. Tương tự, EU cũng trang bị cho mình các công cụ thương mại mới, cho phép áp dụng các biện pháp tăng cường chính sách bảo hộ nội khối để đáp lại các áp lực bên ngoài.
Cơ hội và thách thức đan xen
Các chính sách bảo hộ đã dẫn đến sự tái cấu trúc toàn diện của chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp đang chuyển từ tối ưu hóa chi phí sang đảm bảo an toàn. Ba xu hướng chuyển dịch chính đang diễn ra trên thế giới, đó là chuyển sản xuất sang các nước đồng minh tin cậy (friendshoring), đưa sản xuất về gần thị trường tiêu thụ (nearshoring) và đưa các dây chuyền sản xuất về nước (re-shoring).
Việc tái cấu trúc có chủ ý các giao dịch thương mại vì mục đích an ninh này ngày càng áp đặt logic về sự gần gũi, trên cả khía cạnh địa lý và giá trị - một cách để tạo nội dung cho các khái niệm nearshoring hoặc friendshoring. Trên thực tế, Mỹ muốn xích lại gần và xây dựng chuỗi giá trị trên lục địa Mỹ trong khuôn khổ Hiệp định Mỹ-Canada-Mexico (USMCA). Ở châu Á, phù hợp với ý tưởng toàn cầu hóa giữa bạn bè, Mỹ ưu tiên thương mại với các đồng minh của mình - Nhật Bản, Hàn Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) - đặc biệt là trong trao đổi công nghệ then chốt như chip thế hệ mới nhất.
Xu hướng phi toàn cầu hóa mang lại cả cơ hội và thách thức. Về mặt tích cực, nó giúp tăng cường an ninh chuỗi cung ứng, thúc đẩy phát triển công nghiệp nội địa, và giảm phụ thuộc vào nguồn cung đơn lẻ. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận những tác động tiêu cực: chi phí sản xuất tăng, lạm phát cao hơn, và hiệu quả kinh tế giảm sút do mất đi lợi thế của chuyên môn hóa và quy mô.
Theo chuyên gia Isabelle Job-Bazille, Giám đốc Nghiên cứu Kinh tế tại Crédit Agricole của Pháp, mặc dù các sự kiện gần đây cho thấy xu hướng bảo hộ mạnh hơn trước, việc thực hiện các biện pháp bảo hộ dường như cũng trở nên khó khăn và không chắc chắn hơn đối với các chính phủ, do sự đan xen của chuỗi giá trị quốc tế. Do đó, khó có thể biết liệu nền kinh tế áp dụng chính sách bảo hộ cuối cùng có phải trả chi phí phụ thêm nhiều hơn so với các nền kinh tế ban đầu bị nhắm đến hay không.
Ví dụ, một nghiên cứu gần đây của các chuyên gia kinh tế Mỹ Mary Amiti, Stephen Redding và David Weinstein cho thấy năm 2018, trong thời gian chính quyền Tổng thống Trump thực hiện các biện pháp bảo hộ, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ không thay đổi do toàn bộ việc tăng thuế hải quan đã chuyển sang giá bán. Do đó, chính người tiêu dùng Mỹ và các công ty Mỹ nhập khẩu hàng hóa cần thiết cho hoạt động sản xuất của họ lại là những người phải trả thuế bảo hộ, ước tính lên đến 4 tỷ USD mỗi tháng.
Như vậy, các biện pháp bảo hộ bằng hàng rào thuế quan được thực hiện dưới thời Tổng thống Trump đã khiến giá hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ tăng lên và đối tượng phải trả giá cho sự gia tăng này lại là người tiêu dùng bản địa và doanh nghiệp nhập khẩu chứ không phải là doanh nghiệp hay nước xuất khẩu. Điều này nhấn mạnh sự không tương thích có thể có giữa mục tiêu của chính phủ và mục tiêu của doanh nghiệp. Địa chính trị thuộc về chính phủ, nhưng việc truyền tải nó vào quan hệ kinh tế phụ thuộc vào hành vi của các doanh nghiệp, thường là các công ty đa quốc gia.
Nhìn về tương lai, xu hướng bảo hộ dự báo sẽ còn tiếp tục và sâu sắc hơn trong những năm tới. Giai đoạn 2024-2025 sẽ chứng kiến sự tiếp tục của các chính sách bảo hộ và tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Đến giai đoạn 2026-2030, chúng ta có thể thấy sự hình thành rõ nét của một trật tự thương mại đa cực, với các chuỗi cung ứng khu vực và sự cân bằng mới trong quan hệ kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh này, các quốc gia cần xây dựng chiến lược công nghiệp quốc gia phù hợp, đa dạng hóa quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và nguồn nhân lực.
Điều quan trọng là tìm được điểm cân bằng giữa bảo hộ và mở cửa, giữa an ninh và hiệu quả. Đối với doanh nghiệp, đây là thời điểm then chốt để điều chỉnh chiến lược. Cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đẩy mạnh số hóa và tự động hóa, đồng thời phát triển thị trường nội địa như một phòng tuyến trước biến động bên ngoài.
Xu hướng phi toàn cầu hóa, bảo hộ thương mại không đồng nghĩa với sự kết thúc của hợp tác quốc tế. Thay vào đó, thế giới đang chứng kiến sự chuyển đổi sang một mô hình mới - một mô hình cân bằng hơn giữa hội nhập và tự chủ, giữa hiệu quả và an ninh. Thách thức đặt ra cho cộng đồng quốc tế là làm sao để quản lý sự chuyển đổi này một cách hiệu quả, tránh những xung đột không cần thiết và đảm bảo một trật tự kinh tế thế giới công bằng, bền vững cho tất cả các bên.
Bài cuối: Khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường toàn cầu
End of content
Không có tin nào tiếp theo