Triển vọng tăng trưởng từ một thế giới biến động - Bài 1: Cuộc đua chính trị và vận mệnh kinh tế toàn cầu
Ngành dệt may đón cơ hội dịp cuối năm / Giá vàng thế giới ngày 4/12: Tăng nhẹ nhưng mức tăng chậm lại
Tuy nhiên, kinh tế thế giới vẫn cho thấy khả năng phục hồi đáng kể. Năm 2025, kinh tế thế giới dự báo sẽ bước vào một kỷ nguyên mới, với nhiều yếu tố phức tạp và khó đoán hơn. Giữa “làn sóng” của những thách thức và khó khăn đó, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc liên tục điều chỉnh chiến lược kinh tế để bảo vệ lợi ích quốc gia. Không nằm ngoài xu thế này, Việt Nam đang thúc đẩy sự chuyển mình trong các ngành sản xuất, để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để có thêm góc nhìn tổng quát về các vấn đề nói trên, bức tranh kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng, Ban Biên tập tin Kinh tế trân trọng giới thiệu chùm bài gồm 5 bài với tựa đề “Triển vọng tăng trưởng từ một thế giới biến động".
Bài 1: Cuộc đua chính trị và vận mệnh kinh tế thế giới
Năm 2024 là một năm "siêu bầu cử", với khoảng 60 quốc gia và vùng lãnh thổ tổ chức các cuộc bầu cử quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cục diện chính trị và kinh tế toàn cầu. Từ cuộc bầu cử Mỹ, Nghị viện châu Âu, cho đến các cuộc bầu cử tại các nền kinh tế lớn và mới nổi như Nga,Ấn Độ, Anh, Nhật Bản, Indonesia, Mexico…, những thay đổi chính trị đặt ra thách thức mới cho sự ổn định và tăng trưởng kinh tế thế giới trong thời gian tới, đặc biệt giữa bối cảnh hậu đại dịch COVID-19, căng thẳng địa chính trị gia tăng và lạm phát cao.
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy có thể kéo chậm đà tăng trưởng
Chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy mạnh mẽ trên toàn cầu. Theo một nghiên cứu của Viện Dân chủ Quốc tế (NDI) công bố tháng 9/2024, tỷ lệ ủng hộ các đảng phái dân túy đã tăng lên trên hai chữ số ở nhiều quốc gia, đặc biệt tại châu Âu và Mỹ Latinh. Sự trỗi dậy này dẫn đến những thay đổi lớn trong chính sách kinh tế. Xu hướng này đặc biệt rõ nét ở châu Âu, nơi bế tắc chính trị tại Pháp và sự mất uy tín của chính phủ liên minh Đức - hai nền kinh tế trụ cột của Liên minh châu Âu (EU) - đã kìm hãm các cải cách cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng.
Tại châu Á, chiến thắng áp đảo của Thủ tướng Narendra Modi ở Ấn Độ, khẳng định hơn nữa những thành tựu chính trị - kinh tế mà ông đã đạt được trong hơn 10 năm qua. Trong khi đó, tại Indonesia, sự thay đổi lãnh đạo dự báo sẽ tác động mạnh đến chính sách khai khoáng, dẫn đến sự không chắc chắn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nickel, vốn đóng góp 2% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.
Bầu cử Mỹ và nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại mới
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là một trong những tâm điểm thu hút sự chú ý nhiều nhất trong năm 2024, bởi những thay đổi trong chính sách kinh tế-thương mại của chính quyền mới sẽ không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ mà còn tới kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy, ngay từ trong giai đoạn tranh cử, những tuyên bố chính sách của hai ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa và Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ đã khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu trải qua các phiên tăng cũng như giảm ở mức kỷ lục, còn giá vàng - tài sản phòng tránh rủi ro ưa thích của các nhà đầu tư - liên tục đạt đỉnh mới.
Nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump thực hiện những đề xuất chính sách mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử, đặc biệt là các chính sách về thuế quan, tác động đối với kinh tế thế giới, các thị trường toàn cầu được dự báo sẽ khá sâu rộng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cũng lên tiếng cảnh báo rằng chiến tranh thương mại, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gây tổn thất lớn cho kinh tế thế giới, nhất là tại châu Á, khu vực chiếm 60% tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tổng thống đắc cử Trump đã đe dọa sẽ nâng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác như Canada, Mexico, Trung Quốc... Theo phân tích chung của chuyên gia Wendy Edelberg thuộc Viện Brookings và chuyên gia Maurice Obstfeld thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, một động thái như vậy, nếu được thực hiện, sẽ gây hỗn loạn cho hoạt động kinh doanh không chỉ đối với các đối tác xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ, mà còn ảnh hưởng tới chính người tiêu dùng và nền kinh tế Mỹ.
Bloomberg Economics dự báo, nếu Trung Quốc trả đũa bằng cách áp thuế quan, GDP của Mỹ có thể giảm 0,8% vào năm 2028. Và khi đó châu Âu cũng sẽ phải đối mặt với những thiệt hại nặng nề nếu hàng hóa Trung Quốc tràn vào thị trường khối này do chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Kinh tế toàn cầu kiên cường giữa bão táp
Mặc dù đối mặt với những thách thức chính trị lớn, nền kinh tế thế giới vẫn cho thấy khả năng phục hồi trong năm 2024. Lạm phát toàn cầu ước giảm xuống còn 2,8% vào cuối năm nay, thấp hơn đáng kể so với mức 4% của năm 2023, góp phần hỗ trợ chi tiêu hộ gia đình.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, công bố tháng 10/2024, các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, khoảng cách tăng trưởng giữa các nền kinh tế đang dần thu hẹp so với thời điểm đầu năm 2024 và hoạt động kinh tế tiếp tục phục hồi. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2024 ở mức 3,2%, không đổi so với dự báo đã đưa ra vào tháng 7/2024.
Tương tự, báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất của các tổ chức quốc tế, như Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Liên hợp quốc (LHQ), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Fitch Ratings, cũng đều đưa ra các con số lạc quan, nhưng đa phần thấp hơn so với dự báo của IMF.
Mỹ vẫn là "điểm sáng" chính, bất chấp tăng trưởng chậm lại trong quý III/2024. Nhà kinh tế trưởng thuộc tập đoàn ING, Carsten Brzeski, nhận định nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump sẽ mang lại tin tốt cho kinh tế Mỹ trong ngắn hạn. Cắt giảm thuế và bãi bỏ các quy định ít nhất là trong thời gian tới sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng triển vọng kinh tế Mỹ trong 4 năm tới dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump sẽ mang cả hai gam màu sáng-tối, nếu ông Trump quyết thúc đẩy cuộc chiến thuế quan.
Tại Trung Quốc, tiêu dùng trong nước có dấu hiệu phục hồi, nhưng sự trì trệ của lĩnh vực bất động sản và tài chính vẫn gây ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ước đạt 4,8% cho cả năm 2024, thấp hơn 0,2% so với mục tiêu của Chính phủ nước này.
Kinh tế EU có dấu hiệu phục hồi với tăng trưởng ước đạt 1,5% cho cả năm 2024. Trong khi đó, Ấn Độ nổi lên như một "ngôi sao sáng" với mức tăng trưởng dự kiến 7%. Các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển cũng có triển vọng tăng trưởng ổn định, khoảng 4,2% cho cả năm 2024.
Tuy nhiên, Nhật Bản đối mặt với nguy cơ tăng trưởng âm 0,2%. Nguyên nhân là do gián đoạn nguồn cung tạm thời, liên quan đến việc đóng cửa một nhà máy ô tô lớn vào đầu năm 2024 và biến động chính trị trong những tháng cuối năm nay.
Nhiều thách thức chờ đợi năm 2025
Nhìn về năm 2025, bức tranh kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những biến động chính trị từ năm 2024. Sự không chắc chắn về chính sách thương mại của Mỹ, cùng với những căng thẳng địa chính trị âm ỉ, có thể tạo ra rủi ro đáng kể cho tăng trưởng toàn cầu.
Bầu cử, chủ nghĩa dân túy, căng thẳng địa chính trị, và những di sản của đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến cục diện kinh tế toàn cầu. Sự phục hồi kinh tế vẫn mong manh và dễ bị tổn thương trước những cú sốc bất ngờ. Việc tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy thương mại tự do và đa phương hóa, cùng với những chính sách kinh tế linh hoạt và thích ứng, sẽ là chìa khóa để vượt qua những thách thức này và hướng tới một tương lai kinh tế ổn định và bền vững hơn.
Bài 2: Những yếu tố định hình kỷ nguyên mới
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 11/1/2025: SJC chính thức vượt mốc 86 triệu đồng
Giá ngoại tệ ngày 11/1/2025: USD tăng mạnh, Index gần chạm mốc 110
Danh tiếng 'vua sầu riêng' thế giới gọi tên Việt Nam
Chống lãng phí đất đai - Bài 1: Bờ xôi ruộng mật bị bỏ hoang
Kinh doanh online hết thời trốn thuế
Giá heo hơi ngày 11/1/2025: Miền Bắc vươn lên dẫn đầu với mức 69.000 đồng/kg