Triển vọng xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang EU
DNVN - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, trong năm 2018 các nước EU có xu hướng tìm nguồn cung cá ngừ thay thế từ các nước châu Á như Trung Quốc hay Việt Nam, và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong những tháng đầu năm 2019...
2 tháng đầu năm 2019: Chưa có doanh nghiệp nào thoái vốn / Giám đốc WB tại Việt Nam: Kinh tế số mang lại cơ hội cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ
Theo thống kê của VASEP, năm 2018, giá cá ngừ nói chung đã giảm hơn so với năm 2017, tuy nhiên điều này không có bất kỳ tác động nào tới nhu cầu tại thị trường EU. Năm qua, lượng tồn kho tại thị trường EU ở mức cao và nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá ngừ đóng hộp thông thường đang ở mức bão hòa nên có tác động tới xu hướng NK tại thị trường này.
Trong 11 tháng đầu năm 2018, tổng NK cá ngừ của EU giảm 5%, xuống còn 923 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, xét về giá trị, NK cá ngừ của EU vẫn tăng 11% so với năm 2017, đạt hơn 5 tỷ USD.
Tây Ban Nha, Italy, Pháp và Anh là các nước NK cá ngừ nhiều nhất trong khối EU. Trong đó, NK cá ngừ của Tây Ban Nha chiếm 34% tổng NK cá ngừ của EU; Italy chiếm 17%, Pháp chiếm 11% và Anh chiếm 10%.
Cùng với xu hướng đó, năm qua Tây Ban Nha đang tăng NK cá ngừ của Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, Tây Ban Nha đã vượt lên trở thành thị trường NK cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong khối EU.
Với sản phẩm xuất khẩu chủ lực là thăn cá ngừ đông lạnh mã HS0304, Việt Nam hiện đang là nguồn cung lớn thứ 2 cho thị trường EU, sau Hàn Quốc. Năm qua, XK dòng sản phẩm này của Việt Nam sang EU tăng 30% so với năm 2017. Hà Lan, Italy và Bỉ là 3 thị trường NK nhiều nhất thăn cá ngừ đông lạnh mã HS0304 của Việt Nam trong khối EU.
Hiện Việt Nam đang là nguồn cung các sản phẩm cá ngừ chế biến, đóng hộp lớp thứ 14 cho thị trường EU.
VASEP cho biết: Năm 2018, do giá cá ngừ tại Manta cao, sản lượng khai thác tại khu vực này lại giảm khiến nguồn cung bị hạn chế. Nên các nước EU có xu hướng tìm nguồn cung cá ngừ thay thế từ các nước châu Á như Trung Quốc hay Việt Nam.
Dự kiến, xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong những tháng đầu năm 2019 do sản lượng khai thác tại các vùng biển vẫn thấp.
Bên cạnh đó, đầu năm EU vẫn áp dụng hạn ngạch miễn thuế NK cho 25.000 tấn thăn/philê cá ngừ hấp chín từ các nước thứ 3 – không có thỏa thuận thương mại với EU như Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc, nên các nước EU vẫn tăng cường NK cá ngừ từ Việt Nam nhất là trong bối cảnh 2 bên sắp tiến tới ký kết chính thức Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU.
Tuy nhiên, VASEP cho rằng do những vướng mắc về thủ tục trong khâu NK cá ngừ nguyên liệu như hiện nay thì khó có thể tăng XK cá ngừ sang thị trường EU trong năm 2019.
PV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo