Thị trường

Trồng bưởi da xanh tiêu chuẩn Vietgap, nông dân Đắk Lắk thu tiền tỷ mỗi năm

Nhờ áp dụng mô hình trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn Vietgap, nhiều nông hộ ở Ea Kar (Đắk Lắk) đã thoát nghèo vươn lên làm giàu, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Hà Nội: Lão nông thu 6 tỷ đồng/năm nhờ nuôi cá và trồng nhãn chín muộn / Hà Tĩnh: Thu hàng trăm triệu đồng/năm nhờ trồng bưởi Phúc Trạch

Là hộ đi tiên phong trong việc đưa 1.500 cây bưởi da xanh giống Bến Tre về trồng đại trà trên diện tích đất hơn 5 ha từ đầu năm 2014, đến nay, gia đình ông Trần Văn Đoan, buôn Vân Kiều, xã Cư Elang, huyện Ea Kar đã có thu nhập đều đặn từ 1 – 1,2 tỷ đồng/năm từ vườn bưởi.

Theo ông Trần Văn Đoan, mấu chốt để cây bưởi luôn xanh tốt và cho quả quanh năm nằm ở khâu lựa chọn giống tốt, khỏe; khi trồng phải đắp mô đất cao và tạo rãnh thoát nước chống úng. Phân bón cho cây chủ yếu sử dụng hữu cơ, hạn chế vô cơ; phòng trừ sâu bệnh cũng phải sử dụng các loại chế phẩm sinh học, hạn chế tối đa các loại thuốc hóa học. Ngoài ra, bắt buộc phải sử dụng kỹ thuật khoanh vỏ để hạn chế nước và dinh dưỡng trong các giai đoạn bưởi ra hoa trong năm.

Tại xã Cư Elang hiện đã có trên 100 ha bưởi.

"Cây bưởi muốn ra quả quanh năm thì phải bón đầy đủ phân hữu cơ cho cây đủ dinh dưỡng xung và khỏe. Phương pháp thứ hai là phải khoanh vỏ dưới gốc để hạn chế nước và dinh dưỡng để cây ra hoa đúng thời điểm; chú ý, khoanh vỏ không quá sâu, chỉ từ 1,5 – 2 cm và không quá 25 ngày cây liền vỏ lại để cây hồi phục và bắt đầu ra hoa đậu quả. Trong giai đoạn này thì cần bón thêm các loại Kali, Urê, NPK... nhưng chủ yếu vẫn là phân chuồng ủ mục”, ông Trần Văn Đoan chia sẻ.

Bà Hoàng Thị Mùi, ở buôn Ea Rớt, xã Cư Elang, huyện Ea Kar cho biết, thấy hộ ông Đoan trồng bưởi da xanh cho thu nhập cao nên gia đình cũng mạnh dạn chuyển đổi hơn 1 ha đất sang trồng 200 cây bưởi từ giữa năm 2016. Với sự hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn Vietgrap từ hộ ông Đoan, sau hơn 3 năm triển khai, vườn bưởi của gia đình đã bắt đầu cho thu.

 

Nhờ trồng bưởi da xanh, mỗi năm ông Đoan có thu nhập từ 1 - 1,2 tỷ đồng.

"Đất và khí hậu ở khu vực Cư Elang rất hợp với cây ăn quả có múi, trong đó có cây bưởi. Trồng xuống là cây lớn nhanh, phát triển mạnh và đều, cây cũng ít bị sâu bệnh. Sau 3 năm, gia đình đã thu bói vụ đầu tiên được gần tấn quả. Dù mới trồng nhưng tôi thấy hiệu quả từ cây bưởi là khá rõ rệt. Tôi đang dự định vay thêm vốn ngân hàng để trồng thêm 1 – 2 ha nữa để sau này tăng thu nhập", bà Hoàng Thị Mùi nói.

 

Bà Trần Thị Thu Thủy - một thương lái chuyên thu mua trái cây ở khu vực huyện Ea Kar đánh giá, các loại trái cây trong đó có mặt hàng bưởi da xanh của các nhà vườn ở các xã Cư Elang, Ea Ô, Cư Ni... có chất lượng khá tốt với quả to, múi mọng với nhiều nước, vị ngọt thanh. Sản phẩm được khách hàng ở các thị trường lớn trong cả nước rất ưa chuộng.

"Tôi thu mua bưởi ở đây được hơn 2 năm nay. Tôi thường xuất bưởi ở đây đi Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa... Các siêu thị ở đó họ chỉ nhập hàng đủ tiêu chuẩn Vietgap, mà hàng ở đây thì đủ nên họ nhập ngay. Bưởi Cư Elang to với da nhẵn, múi to tôm mọng và nhiều nước, ngọt dịu không bị khé... Tất cả các nhà vườn ở đây đều sử dụng phân chuồng và gần như không dùng phân hóa họ nên quả không có nhiều hàm lượng độc tố”, bà Trần Thị Thu Thủy cho hay.

Bưởi da xanh ở Cư Elang được khách hàng đánh giá chất lượng khá cao.

 

Theo ra soát của UBND xã Cư Elang, toàn xã hiện có khoảng 400 ha cây ăn quả có múi như: Cam, quýt, mít, bưởi.... trong đó, cây bưởi chiếm diện tích lớn nhất với trên 100 ha. Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Cư Elang cho biết, cây bưởi da xanh được người dân đưa về trồng tự phát tại địa phương từ 5 – 7 năm trước. Dù trồng tự phát nhưng cây bưởi lại cho hiệu quả kinh tế khá cao. Nhờ cây bưởi mà nhiều nông hộ đã thoát nghèo, xây được nhà khang trang, nuôi con em ăn học hay thậm chí mua được xe hơi tiền tỷ. UBND xã đang phối hợp với cơ quan chức năng hỗ trợ người dân phát triển cây bưởi theo tiêu chuẩn chuẩn Vietgap để nâng cao hơn nữa giá trị mặt hàng này.

"UBND xã đã và đang tiến hành mời các chuyên gia nông nghiệp đầu ngành ở tỉnh cũng như các chuyên viên thuộc phòng nông nghiệp huyện về mở các lớp tư vấn hỗ trợ kỹ thuật theo hướng Vietgap cho bà con. Thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật này, người dân sẽ tiếp thu và áp dụng để phát triển vườn cây đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nữa. Xã cũng đã chỉ đạo các hội đoàn thể như: Đoàn hanh niên, phụ nữ, nông dân xây dựng mô hình hay HTX xã để hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm bưởi giúp bà con...", ông Đặng Quốc Tuấn cho biết thêm.

Thực tế cho thấy, với nhận thức từ người nông dân và sự định hướng từ ngành chức năng địa phương, thời gian tới, không chỉ trên địa bàn xã Cư Elang mà nhiều xã lân cận ở huyện Ea Kar sẽ xuất hiện thêm nhiều mô hình trồng cây ăn quả trong đó có cây bưởi theo hướng hữu cơ bền vững (tiêu chuẩn Vietgap). Từ đó, sẽ giúp người dân nâng cao hơn nữa thu nhập và quan trọng hơn là người tiêu dùng sẽ có thêm những sản phẩm sạch đảm bảo chất lượng để sử dụng.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm