Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu trái cây
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Các vấn đề nông thôn Trung Quốc, cho thấy, trong nửa đầu năm 2019, xuất khẩu trái cây của Trung Quốc giảm 21,3% so với cùng kỳ năm 2018 xuống còn 2,47 tỷ USD. Trong khi đó, nhập khẩu trái cây tăng 27,4%, lên 5,98 tỷ USD.
5 nhóm trái cây nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc theo giá trị trong nửa đầu năm 2019 gồm: Sầu riêng, cherry, nho, chuối và trái cây có múi.
Trong nửa đầu năm 2019, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc đạt 358.000 tấn, trị giá 963 triệu USD, tăng 54,2% về lượng và tăng 53,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Sầu riêng Thái Lan chiếm hơn 98% tổng giá trị nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc. Nhập khẩu cherry của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2019 đạt 133.000 tấn, trị giá 917 triệu USD, giảm 6,1% về lượng và giảm 3,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Nhập khẩu cherry của Chile đạt 873 triệu USD, giảm 0,96% so; nhập khẩu cherry của Mỹ đạt 1.685 tấn, trị giá 14,2 triệu USD, giảm 65,2% về lượng và giảm 67,6% về trị giá.
Nhập khẩu chery từ Mỹ giảm do Trung Quốc đã tăng thuế nhập khẩu cherry Mỹ từ 10% lên 50%.
Trong nửa đầu năm 2019, lần đầu tiên Trung Quốc nhập khẩu cherry từ Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù lượng nhập khẩu ở mức thấp.
Nhập khẩu nho tươi của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2019 tăng 13,6% về lượng lên 247.000 tấn, trị giá tăng 15%, lên 625 triệu USD. Chile tiếp tục là thị trường cung cấp nho tươi lớn nhất cho thị trường Trung Quốc, đạt 107.000 tấn.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu nho từ Peru tăng 52,1% lên 6.340 tấn, đưa nước này vượt qua Úc trở thành nước cung cấp nho lớn thứ 2 cho Trung Quốc về lượng.
Nhập khẩu chuối trong nửa đầu năm 2019 của Trung Quốc duy trì xu hướng tăng, lên hơn 1 triệu tấn, trị giá 608 triệu USD, tăng 46,2% về lượng và tăng 44,4% về giá trị. Philippines là thị trường cung cấp chuối lớn nhất cho Trung Quốc, đạt 563.000 tấn; lượng chuối từ Ecuador nhập khẩu vào Trung Quốc tăng 137% lên 219.000 tấn.
Đặc biệt, nhập khẩu chuối từ Việt Nam tăng 150% lên 163.000 tấn.
Nhập khẩu trái cây có múi của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2019 tăng 30% về lượng, lên 281.000 tấn và tăng 3,5% về trị giá, lên 253 triệu USD. Trong nhóm trái cây có múi, sản phẩm nhập khẩu lớn nhất về lượng là cam Ai Cập, đạt 172.000 tấn, trị giá 114 triệu USD, tăng 92,3% về lượng và tăng 76,4% về trị giá.
Nhập khẩu cam của Hoa Kỳ giảm 52,6% về lượng và giảm 55,7% về trị giá; nhập khẩu bưởi của Nam Phi tăng 64,2% về lượng lên 16.700 tấn và tăng 47,1% về trị giá, đạt 17 triệu USD.
Theo Bộ Công Thương, thực tế cho thấy, xuất khẩu rau quả của Trung Quốc có xu hướng giảm trong nửa đầu năm 2019 trong khi nhập khẩu lại có xu hướng tăng. Dự kiến xu hướng này sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm 2019 và có khả năng vẫn diễn ra trong thời gian tới, khi nhu cầu tiêu thụ các loại trái cây nhiệt đới của người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng cao, đặc biệt là từ tầng lớp tiêu dùng trung lưu tại các tỉnh, thành lớn.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chú trọng hơn đến vấn đề chất lượng hàng hóa, truy xuất nguồn gốc và bao bì, mẫu mã để đảm bảo phù hợp với thị hiếu tiêu dùng cũng như các yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường này.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2019 xuất khẩu hàng rau quả đạt 269,9 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 8/2019, xuất khẩu hàng rau quả đạt 2,54 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2019. Nhưng tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang Trung Quốc đã giảm xuống còn 68,8% so với mức 75,1% trong 8 tháng đầu năm 2018.
Theo Thanh Sơn/Nguyễn Thủy/Nông nghiệp Việt Nam
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam