TS Nguyễn Đình Cung: “Không nên đuổi Grab mà nên làm sao để có những Grab của Việt Nam”
Ngày Black Friday có doanh số giảm so với mọi năm vì ảnh hưởng xu thế mua hàng online / Quy định mới, vay ngoại tệ theo ba khung thời gian
Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tại buổi hội thảo “Phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh mới: Yêu cầu và bước đi của Việt Nam” được tổ chức vào sáng nay (28/11).
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế và đại diện cơ quan Nhà nước liên quan cũng đã bàn luận về thực trạng, hướng đi và giải pháp của thương mại điện tử tại Việt Nam.
Theo đó, ông Cung cho rằng, nếu cấm Grab có nghĩa là cấm một phương thức kinh doanh, như vậy là DN Việt Nam cũng bị hạn chế theo. Trong khi Việt Nam nên khuyến khích DN trong nước làm sao để có mảng DN công nghệ như Grab nổi lên. Đó mới là việc cần làm chứ không phải cấm đoán.
“Có thể hạn chế mấy ông như Uber, Grab nhưng không phải là triệt tiêu mà phải tạo ra cơ hội để DN trong nước phát triển cùng với đó, đặc biệt là DN tư nhân. Mình không thể đuổi họ được vì nhu cầu của người dân là hoàn toàn có”, ông Cung nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bàn về chuyện “con trâu kiện cái máy cày” gần đây giữa hãng taxi truyền thống Vinasun và Grab, ông Cung cho rằng, dịch chuyển nguồn lãi, người tiêu dùng từ DN kém sang DN tốt hơn là điều đương nhiên, phải khuyến khích.
“Dịch chuyển vốn từ DN làm ăn kém hiệu quả sang DN làm ăn hiệu quả hơn cũng như vậy và đó chính là phân bổ nguồn lực. Không thể coi đó là thiệt hại của DN được. Nếu tư duy như vậy thì tất cả các nhà kinh tế phải đi học lại hết kiến thức cơ bản”, ông Cung cho hay.
Do đó, theo Viện trưởng CIEM, cuộc cách mạng công nghệ trước hết là cách mạng về tư duy rồi sau đó mới đến công nghệ. “30 năm cải cách đã khiến chúng ta rất thấm thía về điều này”, ông Cung nói.
Đồng tình với đó, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM cũng cho rằng: “Thương mại điện tử cần đổi mới tư duy và coi đó là sự khác biệt, nên khuyến khích. Nếu cứ giữ tư duy cũ thì không thể gia nhập vào nền kinh tế số được”.
Theo ông Cung, Việt Nam nên khoan nghĩ đến chuyện thương mại điện tử “khỏe” mà nên để nó tự phát triển, chỉ nên quan sát thôi chứ đừng tác động vội.
“Cứ để cho nó tự phát triển và đừng can thiệp gì cả. Sau khi quan sát kỹ rồi, rút ra được kinh nghiệm, bài học rồi thì mới can thiệp bằng những công cụ mang lại hiệu quả thực sự. Lúc đó, cứ làm đi rồi vừa làm vừa sửa”, ông Cung nói.
Theo đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, để làm được điều này, yêu cầu số một của Việt Nam là sắp xếp và ban hành lại thể chế về thương mại điện tử thay cho một mớ luật cũ chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn nhau.
“Chúng ta cố gắng mất 1-2 năm để cho ra đời một luật mới hoàn toàn chứ không thể dùng được hệ thống văn bản từ năm 2005 đến nay vẫn còn hiệu lực dù có sửa thế nào đi chăng nữa”, bà Lan khẳng định.
Theo đó, chuyên gia kinh tế này cho rằng, luật về thương mại điện tử mới phải đề cập được một cách toàn diện và bao gồm cả những thỏa thuận, cam kết của chúng ta trong các hiệp định thương mại tự do mới ký kết.
“Nếu có hệ thống pháp luật tương thích thì sẽ giúp chúng ta biến việc mở cửa với thế giới thành cơ hội, còn nếu không thì việc bắt kịp các nước khác cũng là rất khó khăn rồi”, bà Lan nói thêm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo