Từ 12/10/2021, Liên minh kinh tế Á - Âu dừng ưu đãi GSP cho Việt Nam
DNVN - Cục Xúc tiến thương mại dẫn thông tin từ Vụ Chính sách thương mại Ủy ban Kinh tế Á - Âu cho biết, kể từ ngày 12/10/2021, Việt Nam sẽ chính thức không còn được hưởng ưu đãi GSP của Liên minh kinh tế Á – Âu.
Thương mại song phương Việt Nam - Chile tăng trưởng trung bình 6,5% / Kinh tế thế giới có triển vọng tăng 5,4% trong năm 2021
Cụ thể, ngày 15/3/2021, Hội đồng Ủy ban Kinh tế Á – Âu đã thông qua Quyết định 17 về việc điều chỉnh danh sách các nước đang phát triển và các nước kém phát triển nhất được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hệ thống GSP của EAEU. Liên minh này gồm 5 nước là Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan.
Đây là hệ thống ưu đãi thuế nhập khẩu mà EAEU đơn phương dành cho một số quốc gia đang và kém phát triển, trong đó có Việt Nam. Sự thay đổi này dự kiến sẽ có tác động mạnh đến các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu hàng hóa đang được hưởng ưu đãi GSP sang thị trường các nước EAEU, đặc biệt là thị trường Nga.
Liên minh kinh tế Á - Âu rút Việt Nam ra khỏi danh sách các nước được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hệ thống GSP.
Theo Quyết định này, EAEU đã đưa 75 nước đang phát triển và 2 nước kém phát triển nhất ra khỏi danh sách các nước được hưởng ưu đãi GSP vì không còn phù hợp với tiêu chí được hưởng hỗ trợ kinh tế từ EAEU được quy định tại Quyết định số 47 ngày 06/04/2016 của Hội đồng Ủy ban Kinh tế Á – Âu. Ngoài Việt Nam, EAEU còn loại trừ một số nước khác khỏi danh sách này như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Brunei… Việc thay đổi sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 12/10/2021.
Đối với Việt Nam, cơ chế ưu đãi thuế GSP của EAEU đáng lẽ đã chấm dứt ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEU có hiệu lực từ năm 2016. Tuy nhiên, EAEU đã chấp thuận cho Việt Nam tiếp tục hưởng GSP thêm 5 năm nữa sau khi Hiệp định này có hiệu lực.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường EAEU, đặc biệt là thị trường Nga – đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam trong EAEU, cần chú ý đến thời hạn này để điều chỉnh hoạt động xuất khẩu của mình cho phù hợp. Doanh nghiệp được khuyến nghị tìm hiểu về mức thuế ưu đãi và quy tắc xuất xứ tương ứng để tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Việt Nam – EAEU FTA thay thế cho cơ chế GSP sẽ chấm dứt trong thời gian tới.
Thống kê cho thấy, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kim ngạch thương mại giữa EAEU và các đối tác thương mại chính đã giảm đáng kể. Đặc biệt, thương mại song phương Việt Nam - EAEU năm 2020 đạt 5,2 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019; trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang EAEU đạt khoảng 3,1 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2019, nhập khẩu từ EAEU khoảng 2,1 tỷ USD, tăng 5,5% so với năm 2019.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU - bao gồm các nước Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan) được ký kết ngày 29/5/2015, và có hiệu lực từ ngày 05/10/2016. Đây cũng là FTA đầu tiên của EAEU do đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế khi xuất khẩu sang khu vực thị trường này. |
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Xăng giảm giá
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo