Từ UKVFTA đến cánh cửa lớn thâm nhập thị trường châu Âu
'Hồi sinh' sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở vùng đất cỏ bàng / Hà Nội thu hút 3,72 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, Vương quốc Anh là một trong những thị trườngxuất khẩu (XK)lớn mà Việt Nam cần tận dụng hiệu quả trong việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA).
“Chơi” với thị trường lớn
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Dũng cho biết, việc thực thi UKVFTA dưới góc độ của các nhà XK của Việt Nam sang châu Âu là rất đáng mừng. Bởi, Vương quốc Anh được xem như một đại diện tiêu biểu cho thị trường châu Âu.
UKVFTA sẽ góp phần nâng tầm giá trị XK nông sản Việt vào thị trường châu Âu. |
Điều này, theo ông Dũng, cần liên hệ với bối cảnh mới trong năm mới 2021 khi dư địa XK của Việt Nam còn rất lớn, đặc biệt là dư địa XK những sản phẩm thế mạnh từ Việt Nam đi Vương quốc Anh phải kể đến nông lâm thuỷ sản.
“Khi hàng hoá của Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường Anh thông qua UKVFTA sẽ tạo một chuỗi kết nối cực kỳ tốt. Nếu “thắng” được ở thị trường chủ lực này thì việc thâm nhập sâu thị trường EU thông qua FTA Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ càng thêm dễ dàng hơn”, ông Dũng nói.
Nguyên nhân là bởi, một khi thị trường Vương quốc Anh (đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu, sau Đức và Hà Lan) đã chấp nhận và rộng cửa cho hàng Việt thì các quốc gia khác của châu Âu cũng sẽ không phải tốn nhiều công sức để "sàng lọc" hàng hóa XK từ Việt Nam.
Hơn nữa, số liệu thống kê gần đây cũng cho thấy triển vọng tăng trưởng XK ở thị trường chủ lực này. Theo đó, trong giai đoạn 2011-2019, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt - Anh tăng trung bình 12,1%/năm, cao hơn mức trung bình chung của Việt Nam là 10%/năm.
“Như vậy, từ thị trường Vương quốc Anh rõ ràng là sẽ có sự đột phá lớn và giảm bớt về thời gian, về cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) XK của Việt Nam qua những quốc gia trong khối EU. Và khi thâm nhập được thị trường Anh và EU thì đẳng cấp, thương hiệu của hàng Việt sẽ nâng lên trên thị trường toàn cầu”, chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng nhấn mạnh.
Cũng từ UKVFTA, có thể nói chưa lúc nào như lúc này khi hàng hoá Việt Nam trên thị trường thế giới lại cần đến sự phát triển lớn mạnh của thương hiệu đến như vậy. Nhất là chuỗi liên kết ở trong nước đã lớn mạnh thì rất cần có sự công nhận của những thị trường lớn (như thị trường Anh) về giá trị thương hiệu Việt.
Theo đó, thông qua UKVFTA có thể tạo cơ hội để nâng tầm thương hiệu Việt. Đặc biệt là các DN lớn hoặc có tiềm năng lớn thì việc thực thi hiệp định này là cơ hội lớn để quảng bá, phát triển thương hiệu.
Nâng tầm giá trị xuất khẩu
Đáng chú ý, các DN trong nhóm ngành thủy hải sản, gạo, dệt may, gỗ, rau quả, da giày… của Việt Nam rất cần khẳng định thương hiệu ở thị trường Anh. Theo Bộ Công Thương, các nhóm ngành hàng này được hưởng lợi lớn từ UKVFTA.
Điển hình như thuỷ sản. Nhiều DN trong ngành hàng thuỷ sản bày tỏ kỳ vọng với UKVFTA sẽ tốt hơn cho thủy sản Việt XK vào thị trường Anh sau khi dịch Covid-19 chấm dứt, bởi quốc gia này hiện đã triển khai tiêm chủng đại trà vắc xin.
Theo đó, từ tháng 2/2020 khi chính thức ra khỏi EU thì nước Anhđã trở thành thị trường tiềm năng với thủy sản Việt Nam. Trong khi XK thủy sản của Việt Nam sang các nước thành viên EU đều giảm mạnh do tác động của dịch Covid thì riêng XK sang thị trường Anh vẫn tăng trưởng cao.
Tại thị trường Anh, cá tra Việt Nam phải cạnh tranh với các sản phẩm cá thịt trắng khác như cá tuyết đông lạnh, cá minh thái đông lạnh. Tuy nhiên, giá cá tra Việt Nam cạnh tranh hơn các loại cá này nên trong thời gian tới, thị trường Anh được đánh giá là có nhiều tiềm năng cho các DN XK cá tra Việt Nam.
Mặc dù vậy, để phát triển sản phẩm bền vững ở thị trường Anh, các DN thuỷ sản Việt Nam cần có chiến lược dài hạn, tập trung xây dựng thương hiệu, đầu tư nhãn mác và sản phẩm mới.
Cùng với cá tra, XK tôm sang Anh cũng đạt kết quả tốt, Vương quốc Anh hiện là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 tại EU của Việt Nam. Thị trường này có nhu cầu cao đối với tôm chân trắng, nhờ giá cả phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng.
Hoặc như mặt hàng rau quả, UKVFTA khi có hiệu lực sẽ xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như: vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa…
Cần nhắc lại, cách đây 5 năm, những thông tin về việc nước Anh rời EU khiến cho các nhà XK của Việt Nam sang thị trường EU lo sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, từ việc tích cực đàm phán thương mại song phương có tính chất linh hoạt giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland với đích đến cuối cùng là ký kết UKVFTA vào cuối tháng 12/2020, được cho là sẽ tạo ra những thuận lợi mới cho XK Việt Nam vào thị trường châu Âu.
Tuy vậy, theo chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng, thị trường Anh vốn đòi hỏi các tiêu chuẩn cao do sự thống trị của hệ thống siêu thị, cũng đặt ra một số thách thức cho các nhà cung cấp Việt.
Cho nên, để chinh phục thị trường lớn này, các nhà XK của Việt Nam cần nâng tầm giá trị XK, phải đầu tư để có những sản phẩm XK phù hợp nhất với các tiêu chuẩn cao nhất trong chuỗi kinh doanh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng