Thị trường

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét hồ sơ phê chuẩn EVFTA tại phiên họp tháng 4/2020

DNVN - Ngày 1/4/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện Bộ hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp lần thứ 44 dự kiến diễn ra vào giữa tháng 4 năm 2020.

EVFTA thêm cơ hội cho xuất khẩu nông sản / Ủy ban Thương mại Quốc tế EU thông qua khuyến nghị phê chuẩn EVFTA

Theo dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu sẽ được trình Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua vào những ngày đầu kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội Việt Nam luôn khẳng định quyết tâm phê chuẩn Hiệp định EVFTA trong thời gian sớm nhất. Trong chuyến thăm làm việc tại châu Âu vào tháng 3/2019, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định với lãnh đạo Nghị viện châu Âu: Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài và châu Âu; mong muốn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) sớm được ký kết, phê chuẩn vì phù hợp với lợi ích thương mại, đầu tư với những lợi ích chiến lược mang lại cho cả hai bên.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch EP Antonio Tajani tại Trụ sở EP (Brussels, Bỉ), ngày 4-4-2019. (Ảnh: Trọng Đức/VNA)
Ngày 12/2/2020 vừa qua, Hiệp định EVFTA và EVIPA đã được Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu thông qua. Ngày 30/3/2020, Hội đồng châu Âu đã quyết định phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Đây là quyết định quan trọng, đánh dấu việc hoàn thành toàn bộ tiến trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA về phía Liên minh châu Âu. Theo quy trình, Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực thực thi sau khi được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và sau 30 ngày kể từ khi hai bên hoàn thành các thủ tục thông báo cho nhau.
EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên. Hiệp định này được khởi động và kết thúc đàm phán trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam-EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại. Hiện nay, EU là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2019 đạt 41,48 tỉ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỉ USD.
Sau khi được Quốc hội phê chuẩn và đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, Hiệp định EVFTA vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.
PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm