Thị trường

Vận chuyển xanh 'lên ngôi', doanh nghiệp Việt cần đổi mới công nghệ

DNVN - Việc nhiều siêu thị lớn ở châu Âu chuyển từ vận tải hàng không sang đường biển để giảm phát thải carbon, buộc các nhà cung cấp nước ngoài phải đổi mới công nghệ để đáp ứng yêu cầu thương mại phát thải thấp.

Cách nào để tránh sập bẫy ‘lùa gà’, ‘thổi giá’ bất động sản? / Tiêu dùng phục hồi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025

Dần loại bỏ vận tải hàng không

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển (kiêm nhiệm Na Uy, Đan Mạch, Iceland, và Latvia), hiện một số nhà bán lẻ tại Nam Âu vẫn tiếp tục sử dụng vận tải hàng không cho các mặt hàng trái cây và rau quả tươi dễ hỏng.

Tuy nhiên, tại Bắc Âu, nhiều chuỗi bán lẻ lớn như Lidl (Đức), ICA (Thụy Điển) và Albert Heijn (Hà Lan) đã tuyên bố hạn chế tối đa hoặc ngừng hoàn toàn việc nhập khẩu sản phẩm tươi bằng đường hàng không. Điều này dẫn đến việc hạn chế khả năng tiếp cận sản phẩm từ một số quốc gia, đặc biệt là những nước không giáp biển, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế của nông dân ở các nước đang phát triển.

Một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Xúc tiến Nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) cho thấy, nhiều quốc gia sản xuất vẫn phụ thuộc vào vận chuyển bằng đường hàng không.

Tổ chức COLEAD cho rằng, vận tải hàng không đang hỗ trợ ít nhất 1,25 triệu việc làm nông nghiệp tại châu Phi. Các sản phẩm như đậu que tươi hoặc xoài chín cây, khó vận chuyển lâu ngày, vẫn chủ yếu đến châu Âu qua đường hàng không. Do đó, để duy trì một phần thị trường và hàng triệu việc làm, việc chuyển đổi công nghệ và hình thức vận tải là hết sức cần thiết.

Công nghệ là chìa khoá

Để thực hiện chuyển đổi này, theo Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển cần áp dụng đồng bộ các công nghệ sau thu hoạch và vận tải hiện đại. Trong đó, khí quyển điều khiển giúp điều chỉnh hàm lượng khí oxy và CO₂ trong container nhằm làm chậm quá trình chín của trái cây. Bao bì điều chỉnh khí tạo môi trường khí phù hợp trong bao bì để kéo dài thời hạn sử dụng và giảm hư hỏng.


Nhiều chuỗi bán lẻ lớn tại châu Âu tuyên bố hạn chế tối đa hoặc ngừng hoàn toàn việc nhập khẩu sản phẩm tươi bằng đường hàng không.

Hệ thống làm lạnh tiên tiến hiện đại giúp duy trì nhiệt độ và độ ẩm lý tưởng trong suốt quá trình vận chuyển. Công nghệ theo dõi hành trình giúp giám sát liên tục nhiệt độ, vị trí, độ ẩm… từ đó xử lý nhanh nếu có bất thường.

Trái cây được đóng gói và đưa trực tiếp vào container lạnh tại nơi sản xuất, giảm thiểu xử lý trung gian. Xử lý lạnh giữ nhiệt độ ổn định để kiểm soát sâu bệnh và bảo đảm chất lượng. Chất ức chế ethylene làm chậm quá trình chín tự nhiên, giúp kéo dài thời gian bảo quản (không áp dụng cho sản phẩm hữu cơ).

"Những công nghệ này không chỉ giúp trái cây giữ được độ tươi ngon trong hành trình dài mà còn mở rộng cơ hội tiếp cận các thị trường khó tính mà không cần đến vận tải hàng không", Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển nhấn mạnh.

Bên cạnh yếu tố kỹ thuật, sự phối hợp giữa các bên liên quan trong chuỗi cung ứng là điều kiện tiên quyết để chuyển đổi thành công. Một ví dụ thành công là chuyến thử nghiệm vận chuyển hoa hồng từ Kenya tới cảng Rotterdam (Hà Lan) bằng đường biển. Kết quả tích cực của chuyến hàng này cho thấy rằng: nếu có đầu tư, sự hợp tác và đổi mới, việc thay thế hàng không bằng đường biển hoàn toàn khả thi, ngay cả với các mặt hàng nhạy cảm như hoa tươi.

Với Việt Nam, quốc gia xuất khẩu mạnh các loại trái cây nhiệt đới như thanh long, xoài, vú sữa, chôm chôm, dừa… Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển đánh giá, xu hướng chuyển đổi này mở ra cả cơ hội và thách thức.

Để tận dụng được lợi thế, các doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ bảo quản sau thu hoạch, bao bì MAP và container lạnh đạt chuẩn quốc tế. Phối hợp chặt chẽ với các công ty logistics chuyên tuyến EU và nắm rõ quy trình xử lý lạnh, kiểm dịch thực vật. Xây dựng kế hoạch thu hoạch, đóng gói, vận chuyển đồng bộ, phù hợp với thời gian vận chuyển đường biển dài hơn.

Đồng thời sử dụng công cụ số để theo dõi lô hàng, bảo đảm độ minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc. Chủ động tìm hiểu và tuân thủ các quy định mới của EU về khí thải carbon, an toàn thực phẩm và ghi nhãn cũng là điều doanh nghiệp cần lưu tâm.

"Việc chuyển từ vận hàng không vốn thải ra nhiều khí carbon sang vận tải biển không chỉ giúp giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận thị trường châu Âu mà còn góp phần nâng cao hình ảnh trái cây Việt Nam trên thị trường quốc tế là sản phẩm "xanh", bền vững và chất lượng cao", Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển khẳng định.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm