Vì sao nhiều doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng xuất khẩu sang thị trường Anh?
Lãi suất tiết kiệm ồ ạt tăng / Xuất khẩu tăng, người nuôi cá tra vẫn thua lỗ
Nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chưa sẵn sàng
Thương mại Việt Nam – Anh trong năm 2021 đã ghi nhận nhiều bước chuyển rất tích cực. Với việc Hiệp định UKVFTA đi vào thực thi, thương mại hai nước vẫn tăng trưởng ấn tượng bất chấp việc chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy do đai dịch COVID-19.
Theo thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều trong 10 tháng đầu năm 2021 đạt mốc 5,4 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ, bất chấp khó khăn đứt gãy thương mại toàn cầu do đại dịch. Trong đó xuất khẩu đạt 4,7 tỷ USD, tăng 14,5%; nhập khẩu đạt hơn 700 triệu USD, tăng 25,69%.
Tại hội thảo “Triển vọng thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh hậu Brexit và COVID-19” diễn ra mới đây, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, đối với Việt Nam, Anh là đối tác quan trọng hàng đầu, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 trong số các nước trên thế giới, thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 trong số các nước châu Âu - châu Mỹ.
Anh là nhà nhập khẩu lớn thứ 5 thế giới, tuy nhiên thị phần hàng hóa Việt Nam tại khu vực này chỉ chiếm 1% kim ngạch nhập khẩu của UK. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể thâm nhập cũng như gia tăng thị phần tại thị trường này.
Bên cạnh đó, hiện nay, chính sách của Anh hậu Brexit và trong đại dịch COVID-19 là chiến lược “nước Anh toàn cầu trong kỷ nguyên cạnh tranh” và tăng cường hợp tác khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dòng vốn đầu tư từ UK sẽ gia tăng đáng kể trong thời gian tới.Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng nắm bắt được cơ hội này.
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh, sở dĩ những doanh nghiệp chưa thâm nhập vào thị trường Anh chủ yếu là chưa sẵn sàng. Kể cả có cơ hội rồi, mà doanh nghiệp chưa sẵn sàng, cơ hội cũng không thể biến thành đơn hàng, không thể mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
“Đơn cử năm 2020, Thương vụ đã tìm kiếm một số đầu mối nhập khẩu vật tư y tế và đồ máy móc thiết bị phục vụ cho phòng dịch của Anh, giới thiệu cho doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng rất tiếc là hầu như các doanh nghiệp Việt Nam không chuẩn bị sẵn sàng tận dụng cơ hội này. Một số doanh nghiệp đã gửi sản phẩm chào sang Anh, tuy nhiên lại không có đủ giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn Anh, hoặc có một số doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn thì báo giá quá cao, thời gian giao hàng lâu, không cạnh tranh được với giá cả của Trung Quốc”, ông Nguyễn Cảnh Cường dẫn chứng.
Nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chưa sẵn sàng xuất khẩu sang Vương quốc Anh.
Mặc dù là thị trường khá khó tính, nhưng theo ông Nguyễn Cảnh Cường, các tiêu chuẩn của UK thực ra về mặt kỹ thuật tương tự như các tiêu chuẩn của EU. Thậm chí, tiêu chuẩn của UK lại có yếu tố thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Việt Nam, vì tiêu chuẩn UK công bố bằng tiếng Anh. ông Nguyễn Cảnh Cường chia sẻ và cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam không nên quá lo lắng, cần vượt qua rào cản tâm lý về việc thị trường này khó tính, tiêu chuẩn cao, mà dũng cảm tiến vào thị trường.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có thể bán hàng sang Anh, bà Nguyễn Thúy Hạnh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, cho biết, hiện nay, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam có chuyên gia sẵn sàng giúp doanh nghiệp Việt Nam và Anh đầu tư về vốn thị trường. Nếu doanh nghiệp có quy mô đủ lớn, muốn bán hàng sang Anh nhiều hơn nữa, có thể cân nhắc mua lại chuỗi phân phối ở thị trường. Đây cũng là giải pháp cho doanh nghiệp tăng trưởng một cách nhanh hơn.
Doanh nghiệp cần thay đổi để nắm bắt cơ hội
Theo Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ, để thâm nhập thị trường Anh, doanh nghiệp Việt cần nắm bắt thông tin thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh bài bản để đảm bảo năng lực sản xuất, duy trì thị phần, làm cơ sở đẩy mạnh sản xuất trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Cùng với đó, tìm nguồn hàng có chất lượng, đảm bảo các quy định, tiêu chuẩn công nghệ, đầu tư gia tăng giá trị sản phẩm, chú trọng xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải thay đổi chính mình, thích nghi linh hoạt trong bối cảnh mới.
Ngoài ra, rủi ro thanh toán trong hoạt động xuất khẩu cũng là vấn đề doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý. Thời gian qua, tại khu vực châu Âu đã có một số trường hợp lừa đảo, các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện đơn hàng, nhưng không nhận được tiền thanh toán vì nhiều lý do đối tác không đủ khả năng thanh toán hoặc cố tình lẩn tránh, trì hoãn thanh toán.
Cùng đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần phải quan tâm nghiên cứu kỹ về những quy định về tiêu chuẩn của Anh. Cụ thể hơn, thủ tục về chấp thuận các loại giấy chứng nhận, thủ tục kiểm soát hải quan, động thực vật, khai báo thuế, nộp thuế, tất cả những quy định này sẽ phải theo hướng dẫn mới từ phía Anh.
Ông Nguyễn Hữu Hùng Cường, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn FPT tại sự kiện cũng nhận định Anh là thị trường công nghệ thông tin lớn bậc nhất châu Âu, tiềm năng song cũng vô cùng khắt khe và bảo thủ. Do đó, để thâm nhập vào thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ thị trường, hiểu rõ người tiêu dùng cũng như hiểu rõ văn hóa của nước bạn.
Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần có sự sẵn sàng cao về mặt công nghệ hiện đại, áp dụng chuyển đổi số để tìm hiểu nhu cầu khách hàng, qua đó thiết lập hệ thống dữ liệu, nền tảng kết nối người mua và người bán, kết nối doanh nghiệp, cũng như tạo ra dòng chảy thương mại nhanh chóng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cổ phiếu của Land Central do ông Nguyễn Kháng Chiến làm chủ tịch vào diện bị đình chỉ giao dịch
Kiên quyết không để xảy ra găm hàng, đẩy giá sau bão
Hệ thống điện chịu thiệt hại nặng bởi bão Yagi
Cần đánh thuế hiệu quả để kiềm chế giá nhà đất
Miền Bắc bảo đảm nguồn cung hàng hoá sau bão số 3
Hải Phòng: 80% khách hàng được cấp lại điện từ 21h ngày 8/9