Vì sao xuất khẩu nhân điều liên tục sụt giảm?
Vì sao nhiều đại lý bỏ xăng E5 để bán xăng khoáng? / Tù mù Quỹ Bình ổn xăng dầu, có nên bỏ để... "cong ăn cong, thẳng ăn thẳng"
Tuy vẫn ở ngôi số 1, song năm 2018 xuất khẩu nhân điều đã giảm 3,9% so với năm 2017. Qua quý 1/2019, hiện tượng trên lặp lại, song tỷ lệ giảm tới 17,2% so với quý 1/2018. Đến tháng 4/2019 giảm lên tới 21,1% so với tháng 4/2018, rút cuộc 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu nhân điều giảm 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Do nguồn điều thô trong nước quá thiếu, cung ứng chưa tới 30% năng lực chế biến, nên Việt Nam buộc phải nhập khẩu hạt điều thô.
Đáng ngại là ở các mốc thời gian nói trên, kim ngạch đều giảm song lượng vẫn tăng đều. Sụ sụt giảm nói trên diễn ra khi cầu về nhân điều của thị trường thế giới ổn định, tăng nhẹ.
Thử đi tìm nguyên nhân
Trước hết là bất cập bắt nguồn từ sự khập khễnh giữa khả năng trồng trọt với năng lực chế biến của ngành điều trong chặng đường vừa qua. Thất thường trong trồng trọt là căn bệnh mãn tính của nông nghiệp nước nhà nói chung và cây điều nói riêng. Có quy hoạch nhưng sẵn sàng phá vỡ quy hoạch, chạy theo tâm lý đám đông, cuốn theo cơn lốc thương trường.
Cây điều phơi phới đơm hoa, kết trái là đấy nhưng rồi bị chặt hạ không thương tiếc bởi bàn tay của những người từng chăm bẵm nó - cùng cảnh ngộ như cây tiêu, cà phê... Hệ lụy là vườn điều bị thu hẹp, phần lớn trồng ở vùng sâu, vùng xa, không đủ sức đầu tư, thâm canh, tưới tắm, phòng chống sâu bệnh, bón phân, liên kết sản xuất, chế biến sâu.
Diện tích trồng điều cả nước khoảng 300 nghìn ha, tập trung ở 5 tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận. Sản lượng năm 2018 đạt 260,3 nghìn tấn hạt điều thô, tăng 20% so với 2017 song vẫn không đủ nguyên liệu chế biến. Hiện nay có chừng 1.000 cơ sở chế biến, tổng công suất 1 triệu tấn nguyên liệu/ năm, cùng gần 400 doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều thô.
Điều này đã lãng phí đầu tư, kém hiệu quả trong khai thác, chế biến, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp khi thu mua hạt điều thô nội địa và nhập khẩu hạt điều thô cũng như khi xuất khẩu nhân điều. Doanh nghiệp đuối sức phải thu hẹp sản xuất hoặc phá sản.
Do nguồn điều thô trong nước quá thiếu, cung ứng chưa tới 30% năng lực chế biến, nên buộc phải nhập khẩu hạt điều thô. Muốn tăng xuất khẩu nhân điều càng phải nhập khẩu nhiều hạt điều thô thành thử cứ phân vân về hiệu quả xuất khẩu mặt hàng này.
Năm 2018, nhập khẩu 1.198 nghìn tấn hạt điều thô, tốn gần 2,3 tỷ USD (69,3% kim ngạch xuất khẩu nhân điều). Ba con số tương tự của 4 tháng đầu năm 2019 là: 272 nghìn tấn - 462 triệu USD - 52,2%. Hạt điều thô phần lớn nhập khẩu từ châu Phi, trong đó riêng Bờ Biển Ngà chiếm 35% tổng lượng hạt điều thô nhập về Việt Nam.
Đáng buồn là "chơi" với đối tác châu Phi bị nhiều rủi ro, chuốc lắm cách chịu trận. Vấn nạn doanh nghiệp Việt Nam đặt cọc mua nguyên liệu nhưng hàng nhận được phẩm cấp không như hợp đồng, thậm chí xù luôn mất trắng tiền cọc, không còn là chuyện hy hữu. Nghe nói tiến tới nhiều nước sẽ giữ lại hạt điều thô để trong nhà chế biến. Nếu Bờ Biển Ngà thực hiện tuyên bố đến năm 2020 sẽ để lại toàn bộ hạt điều thô để chế biến trong nước thì không đầy một năm nữa ta sẽ hụt hẫng nguyên liệu.
Thêm vào đó, lênh đênh biển trời xa cách, cước phí cao, nhiều nước lại tăng thuế nhập khẩu hợp sức đẩy giá nhập khẩu cao. Song nguy hiểm hơn do hạt điều thô nhập khẩu từ nhiều nguồn, chất lượng khó kiểm soát, không đồng đều kích cỡ, phẩm cấp.
Đáng ngại hơn là đang phải đối mặt với nạn mọt cứng (mọt Trogoderma grannadium - TG) theo chân hạt điều thô "nhập cảnh hợp pháp" vào ta. Trừ diệt loại mọt này khó vì chúng có thể sống trong môi trường mà không có thức ăn trong thời gian dài, thích ứng nơi khô, thực phẩm có độ ẩm thấp, khả năng kháng nhiều loại thuốc trừ sâu. Các nước đều đưa loại sinh vật cứng cổ này vào diện tầm soát nghiêm ngặt.
Đồn rằng từ mấy năm nay đã phát hiện trong một số lô hàng hạt điều thô nhập khẩu lẩn quất loại mọt ngoại lai này, song do chưa thấy tác hại nên chưa ra tay ngăn chặn. Nay tình hình đã trở nên cấp bách, phải đồng loạt kiểm tra ít nhiều sẽ làm chậm trễ đưa hạt điều thô về sản xuất. Nhưng nếu không tận khử e rằng chúng sẽ lây lan sang các lô nguyên liệu khác, ảnh hưởng đến chất lượng thành phẩm, khó qua mắt tinh tường của cơ quan kiểm dịch của nước nhập khẩu nhân điều.
Đề xuất ba giải pháp lớn
Một là, phải sớm tìm lời giải về nguồn cung nguyên liệu an toàn, ổn định bằng kết hợp hài hòa hai mặt. Một mặt, phát huy thành tựu nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đổi mới trồng, chăm sóc cây điều theo quy trình tiên tiến, chống dịch bệnh, năng sất cao, cho hạt điều thô chất lượng, đồng đều. Mặt khác, đẩy mạnh hợp tác thực hiện Chương trình trồng điều quy mô lớn ở Campuchia.
Theo đó, phía Việt Nam sẽ hỗ trợ Campuchia tuyển chọn giống và đưa giống sang, chuyển giao quy trình trồng trọt và bao tiêu đầu ra. Hiện Campuchia chiếm 7% thị phần nhập khẩu hạt điều thô của Việt Nam, nếu đề án trồng điều của bạn diễn ra đúng kịch bản hợp tác với ta thì sẽ giảm áp lực về nhập khẩu điều nguyên liệu cả về lượng, chất và giá thành.
Hai là, đổi mới kỹ thuật chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm. Đa dạng hóa các sản phẩm từ nhân điều. Tận thu phụ phẩm từ chế biến. Quy hoạch các doanh nghiệp điều, giảm đầu mối nhưng không để xáo trộn, không kèn cựa nhau. Với những cơ sở làm ăn có hiệu quả nên khuyến khích, tạo điều kiện để họ đầu tư, đổi mới sản xuất thành con chim đầu đàn trong ngành điều.
Ba là tận dụng ưu đãi về thuế quan của các đối tác đã ký Hiệp định thương mại tư do (FTA); đổi mới và nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại thị trường mua nhân điều, cũng như đối tác bán hạt điều thô ổn định, hiệu quả, hạn chế rủi ro.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao