Thị trường

Việt Nam có thể phải nhập khẩu đến 50% năng lượng vào 2035

Theo tính toán, xu hướng nhập khẩu năng lượng của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên trong dài hạn và tỷ lệ phụ thuộc nhập khẩu năng lượng của nước ta sẽ khoảng 33 - 37% vào năm 2025 và lên đến 50 - 58% vào năm 2035.

TP.HCM: Nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch y tế / Xuất khẩu rau quả sang Thái Lan tăng ấn tượng

Nhìn vào thực trạng phát triển năng lượng của Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Văn Bình,Uỷ viên Bộ Chính trị,Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, nước ta đã chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu tịnh năng lượng từ năm 2015 với mức độ nhập khẩu đã tăng khá nhanh.

Nhập khẩu năng lượng đang gia tăng

Theo ông Bình, hiện các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Trữ lượng dầu khí vùng gần bờ đã dần cạn kiệt, hầu hết các mỏ đã được khai thác trong thời gian dài và đang ở giai đoạn cuối với sản lượng giảm tự nhiên từ 15 - 30% hàng năm. Như vậy, khai thác dầu thô đang và sẽ giảm nhanh trong thời gian tới trong bối cảnh gia tăng trữ lượng ngày càng khó khăn.

Nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn (Ảnh: TL)

Nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn (Ảnh: TL)

Than có trữ lượng và tài nguyên còn lớn nhưng điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, làm gia tăng giá thành nên khó cạnh tranh với các nguồn than nhập khẩu. Mức độ tăng than và khí nhập khẩu trong thời gian tới sẽ là một sức ép đối với tỷ lệ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu trong cung cấp năng lượng sơ cấp.

Về cung cấp xăng dầu, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động sẽ làm giảm lượng xăng dầu nhập khẩu nhưng lại tăng sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu thô. Về cung cấp điện, nguy cơ thiếu hụt cung cấp điện vẫn còn cao trong trung và dài hạn. Việc đảm bảo cung ứng điện toàn quốc trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn do một số nguồn điện tuy đã được khởi công xây dựng nhưng đưa vào vận hành chậm, công suất dự kiến ở mức khá thấp so với quy hoạch.

Theo tính toán, xu hướng nhập khẩu năng lượng sẽ tiếp tục tăng lên trong dài hạn và tỷ lệ phụ thuộc nhập khẩu năng lượng của nước ta sẽ khoảng 33 - 37% vào năm 2025 và lên đến 50 - 58% vào năm 2035.

Trong khi đó, chính sách khuyến khích đầu tư ra nước ngoài để tìm kiếm những nguồn năng lượng bổ sung, ổn định còn chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; chưa xây dựng được chiến lược về công tác nhập khẩu năng lượng trong dài hạn và đầu tư tài nguyên năng lượng ở nước ngoài…

 

"Những diễn biến này đang có phần tác động tới mục tiêu về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước", ông Bình nhấn mạnh.

Đáng lo ngại, tiêu thụ năng lượng trên đầu người ở Việt Nam còn rất thấp so với thế giới nhưng cường độ năng lượng (tiêu thụ năng lượng trên GDP tính theo USD 2010) của nước ta gần gấp đôi so với chỉ số chung của thế giới và APEC, hệ số đàn hồi năng lượng (tỷ lệ tăng trưởng tiêu thụ năng lượng/tăng trưởng GDP) cũng ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.

Việc sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng hiện nay còn nhiều bất cập, chưa đặt ra mục tiêu cụ thể đối với các ngành sản xuất, các lĩnh vực phải tiết kiệm năng lượng. Một số ngành như sản xuất thép và xi măng tiêu thụ nhiều năng lượng, nhất là điện, nhưng do giá điện còn thấp so với khu vực và thế giới nên dẫn đến thiếu động lực để đổi mới công nghệ, nâng cấp thiết bị nhằm tiết kiệm năng lượng.

Một số không nhỏ các nhà đầu tư FDI vẫn xem Việt Nam là điểm đến với giá năng lượng thấp, nhiều sản phẩm xuất khẩu có mức tiêu tốn năng lượng cao đã gây áp lực cho việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực năng lượng

 

Trước thực trạng trên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam đã xây dựng được kịch bản rất chi tiết cho chiến lược phát triển năng lượng đặt trong bối cảnh quốc tế có tính cạnh tranh quyết liệt và thực thi chiến lược tăng trưởng xanh trong việc cắt giảm khí nhà kính, phát huy mạnh mẽ công cụ thị trường và tiềm năng sẵn có, nhất là nguồn lực trong nước để có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước và tiến tới không lệ thuộc vào những nguồn năng lượng nhập khẩu mà nước ta có tiềm năng phát triển.

Trước đó, ngày 11/02/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Qua nắm bắt tình hình cho thấy, Nghị quyết 55 được các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao; việc triển khai thực hiện tốt Nghị quyết này kỳ vọng sẽ tạo ra những phát triển đột phá cho ngành năng lượng Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Davis Lewis, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư và quản lý Quỹ Energy Capital Việt Nam, nhìn nhận, Nghị quyết 55 thật sự đem đến những điều kiện vô cùng thuận lợi cho tư nhân trong việc phát triển thị trường điện tại Việt Nam, đặc biệt những thuận lợi trong việc thu xếp vốn nước ngoài cho các dự án điện tại Việt Nam thông qua việc tạo hành lang cho dòng đầu tư nước ngoài tham gia ngành sản xuất điện.

Ngoài ra, Nghị quyết tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả nhằm tạo ra giá điện cạnh tranh. Điều này vô cùng quan trọng trong việc đạt được tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế nhằm đem tới những dự án có chất lượng cao.

 

Theo PGS. TS. Bùi Xuân Hồi, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Nghị quyết 55 như là chiếc chìa khoá để mở ra thị trường đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, nó là cơ hội để cho nguồn cung về vốn từ khu vực kinh tế tư nhân và nguồn cầu về vốn nó gặp nhau. Và với sự tham gia của nguồn vốn tư nhân, nó sẽ làm giảm bớt gánh nặng cho vốn ngân sách.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm