Việt Nam đứng thứ 2 về cung cấp rau quả vào Trung Quốc
Rau quả Việt được mùa xuất khẩu / Giá trị xuất khẩu rau quả 6 tháng gần bằng cả năm 2022
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), hàng rau quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh trong tháng 1/2024, đạt 306 triệu USD, tăng 20,1% so với tháng 12/2023 và tăng 103,9% so với tháng 1 năm ngoái.
Trong năm 2023, Trung Quốc là nước xuất khẩu rau quả lớn, song cũng chi tới 24,4 tỷ USD để nhập khẩu rau quả và sản phẩm chế biến của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa cho hơn 1,4 tỷ dân.
Theo đó, Thái Lan tiếp tục dẫn đầu với kim ngạch 8,6 tỷ USD, chiếm 36% thị phần tại thị trường Trung Quốc. So với năm 2022, thị phần của Thái Lan giảm gần 2%.
Đứng thứ 2 là Việt Nam với kim ngạch 3,4 tỷ USD. Thị phần của rau quả Việt Nam tại thị trường Trung Quốc tăng mạnh từ 8% năm 2022 lên 14% năm 2023. Điều này khiến Việt Nam nổi lên như một hiện tượng và vượt Chile - quốc gia nhiều năm liền đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc.
Bà Nguyễn Thị Hà - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật vùng VII, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, hiện xuất khẩu rau quả từ Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu đường bộ thuộc tỉnh Lạng Sơn nhiều nhất là thanh long, mít, xoài và sầu riêng. Các cơ quan chức năng kỳ vọng sau khi Việt Nam ký nghị định thư với Trung Quốc về việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh chính ngạch sang thị trường này thì xuất khẩu sầu riêng sẽ tiếp tục khả quan trong thời gian tới.
Hiện nhu cầu hàng rau quả tại thị trường Trung Quốc ở mức cao. Việt Nam cũng đang đàm phán với phía Trung Quốc để có thêm mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Ngoài sầu riêng đông lạnh còn có bơ, chanh leo…
Lý giải về cú bứt phá và trở thành hiện tượng cung cấp rau quả vào thị trường Trung Quốc, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, do kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng đột biến nên Việt Nam vượt Chile để trở thành nhà cung cấp rau quả lớn thứ 2 cho Trung Quốc.
Cùng với đó, Trung Quốc gia tăng nhập rau quả chế biến từ Việt Nam trong năm vừa qua nên kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này tăng vọt, lập kỷ lục lịch sử. Hiện Việt Nam là đối thủ cạnh tranh khiến Thái Lan cũng phải dè chừng.
Ông Nguyễn Thái Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam khẳng định, nhu cầu rau quả của thị trường Trung Quốc vẫn còn lớn. Việc vận chuyển sang thị trường Trung Quốc chủ yếu bằng đường bộ nên không bị ảnh hưởng tiêu cực từ đợt tăng cước tàu tuyến châu Âu, Mỹ gần đây như một số mặt hàng khác.
Với đà duy trì đà tăng trưởng mạnh từ năm ngoái đến nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc sẽ đóng một vai trò quan trọng giúp ngành rau quả Việt đạt mục tiêu xuất khẩu được khoảng 6,5 tỷ USD năm 2024.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam