Thị trường

Việt Nam được dự báo tiếp tục đứng thứ hai về xuất khẩu gạo

DNVN - Theo báo cáo về thị trường gạo của Việt Nam do Việt Nam Biz thực hiện, nếu dịch COVID-19 diễn ra phức tạp thì có thể buộc nhiều quốc gia phải tăng cường dự trữ lương thực, đặc biệt là gạo, từ đó thúc đẩy giá gạo phục hồi và tăng.

Du lịch toàn cầu đã sẵn sàng để trở lại / Điểm danh 4 nhóm hàng xuất khẩu 10 tỷ USD

Theo báo cáo về thị trường gạo của Việt Nam do Việt Nam Biz thực hiện, nếu dịch COVID-19 diễn ra phức tạp thì có thể buộc nhiều quốc gia phải tăng cường dự trữ lương thực, đặc biệt là gạo, từ đó thúc đẩy giá gạo phục hồi và tăng.

Sản lượng sản xuất gạo thế giới tháng 4 đạt 42,8 triệu tấn, tăng 2,02% so với cùng kỳ, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc FAO.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng sản xuất gạo toàn cầu tháng 4 ước khoảng 58 triệu tấn, tăng 1,05% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) ước tính sản xuất gạo toàn cầu tháng 4 đạt 56,4 triệu tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2020. Theo tính toán của FAO, sản lượng tiêu thụ gạo toàn cầu tháng 4 đạt 42,8 triệu tấn, tăng 1,94% so với cùng kỳ 2020.

Còn theo IGC, về xuất khẩu gạo, giá gạo Ấn Độ và Thái Lan đều giảm mạnh vào cuối tháng trước ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo Reuters, vào cuối tháng 4, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giảm xuống còn 374 - 379 USD/tấn, từ mức 386 - 390 USD của tuần trước đó. Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh, miền Nam nước này cho biết nguồn cung đã tăng lên khi Tập đoàn Thực phẩm Ấn Độ đang giải phóng gạo dự trữ khỏi các nhà kho.

Giá gạo Thái Lan đạt mức 494 USD/tấn và giảm xuống 485 USD/tấn vào cuối tháng. Trong tháng hoạt động thương mại tại Thái Lan diễn ra khá chậm chạp khi nước này trong dịp đón lễ hội năm mới Songkran.

Tờ Bangkok Post ngày 5/5 cho biết những yếu tố đằng sau giá gạo của Thái Lan cao bao gồm đồng baht mạnh, chi phí vận chuyển cao hơn và nguồn cung nội địa giảm do hạn hán kéo dài hai năm liên tiếp. Trong khi đó, Trung Quốc, quốc gia có thỏa thuận với các nước xuất khẩu gạo như Pakistan và Campuchia, đã mua nhiều gạo hơn từ các nước này. Trong tháng 3/2021, Thái Lan chỉ xuất khẩu được 87.305 tấn gạo trắng, giảm 49,2% so với tháng 2, sang các thị trường xuất khẩu chính của nước này bao gồm Cameroon (Ca-mơ-run), Nhật Bản, Mozambique, Guinea và Malaysia. Xuất khẩu gạo của Thái Lan cũng giảm 9,6% so với tháng Hai, xuống còn 90.508 tấn.

Ngoài ra, xuất khẩu gạo đồ giảm 22,3% so với tháng Hai xuống còn 60.803 tấn. Giá gạo đồ của Thái Lan đứng ở mức 557 USD/tấn, trong khi gạo đồ của Ấn Độ là 383-387 USD và gạo Pakistan ở mức 457-461 USD/tấn. Tổng cộng, xuất khẩu gạo của Thái Lan trong tháng Ba giảm 25,8%, xuống 302.668 tấn, với giá trị giảm 18,8% xuống còn 6,26 tỷ baht so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường chính của gạo Thái Lan là Mỹ, Trung Quốc và Canada.

Trong tháng 4/2021, chỉ số giá gạo FAO trung bình đạt 110,5 điểm, giảm 2,9% so với tháng trước (tại 2002 - 2004 là 100 điểm), thấp nhất trong vòng 5 tháng qua. Trong đó, gạo nếp giảm 4,1% xuống 93,2 điểm.

g


Đối với việc sản xuất, tiêu thụ gạo Việt Nam, theo báo cáo tổng hợp từ thống kê số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), khối lượng gạo xuất khẩu tháng 4/2021 ước đạt 700 nghìn tấn với giá trị đạt 362 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2021 đạt 1,9 triệu tấn với giá trị 1,01 tỷ USD, giảm 10,8% về khối lượng nhưng tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Tính trong 3 tháng đầu năm 2021, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 36,3% thị phần, khối lượng và giá trị đạt 411,58 nghìn tấn và 219,96 triệu USD, giảm 30,7% về khối lượng và giảm 14,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Bờ Biển Ngà (gấp 2,7 lần) và Australia (tăng 66%). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm nhiều là Mozambique (giảm 53,5%). Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2021 đạt 547,8 USD/tấn, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Về chủng loại xuất khẩu, trong 3 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 39,3% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 36,0%; gạo nếp chiếm 22,0%; gạo Japonica và gạo giống Nhật chiếm 2,6%, còn các loại gạo khác chiếm 0,1%. Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippines (chiếm 63,1%), Cuba (chiếm 12,6%) và Malaysia (chiếm 5,7%). Với gạo jasmine và gạo thơm,thị trường xuất khẩu lớn nhất là Philippines (chiếm 21,9%), Ghana (19,8%) và Bờ Biển Ngà (chiếm 16,8%). Với gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc (chiếm 82,5%), Malaysia (chiếm 6,7%) và Philippines (chiếm 4,3%). Với gạo japonica và gạo giống Nhật, thị trường xuất khẩu lớn nhất và nhì của Việt Nam là Đảo quốc Solomon (chiếm 11,8%) và Campuchia (chiếm 11,8%), tiếp theo là Saudi Arabia (chiếm 8,7%).

g


Về giá gạo, trong tháng 4/2021, giá gạo Việt Nam đạt 508 USD/tấn vào đầu tháng và đã giảm xuống còn 488 USD/tấn vào cuối tháng, do vụ Đông Xuân đã thu hoạch xong nên nhu cầu mua nguyên liệu giảm, chờ đợi vụ Hè Thu sắp tới. Trong khi đó tại thị trường trong nước, giá lúa Đông Xuân tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giảm trong tháng 4/2021 do các địa phương đã hoàn tất thu hoạch, chất lượng lúa cuối vụ giảm.

Trong khi đó tại thị trường trong nước, giá lúa Đông Xuân tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giảm trong tháng 4/2021 do các địa phương đã hoàn tất thu hoạch, chất lượng lúa cuối vụ giảm. Cụ thể, tại An Giang, lúa IR50404 giảm 400 đồng/kg, từ 6.400 đồng/kg xuống 6.000 đồng/kg; lúa OM 2514 giảm 400 đồng/kg xuống 6.000 đồng/kg; gạo thường có giá 11.000 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 15.000 đồng/kg.

Tại Kiên Giang, giá lúa IR50404 giảm 100 đồng/kg, từ 6.700 – 6.900 đồng/kg xuống 6.700 – 6.800 đồng/kg; lúa OM 6976 ổn định ở mức 6.800 – 7.000 đồng/kg; lúa OM 5451 giảm 200 đồng/kg, từ 6.900 – 7.100 đồng/kg xuống 6.800 – 6.900 đồng/kg. Tại Vĩnh Long, lúa tươi IR50404 đứng ở mức 6.600 đồng/kg, lúa khô IR50404 đứng ở mức 9.000 đồng/kg; lúa khô hạt dài tăng 100 đồng/kg lên 9.500 đồng/kg. Tại Bạc Liêu, lúa Đài thơm 8 giảm 100 đồng/kg, từ 6.700 – 6.800 đồng/kg xuống 6.600 - 6.700 đồng/kg, lúa OM5451 ổn định ở mức 6.500 - 6.600 đồng/kg.

g


Trong báo cáo đầu tháng 5/2021, USDA dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục đứng thứ hai về xuất khẩu gạo trong năm 2021, giữa bối cảnh nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực trên thế giới năm 2021 vẫn ở mức cao. Theo USDA, sản lượng gạo nhập khẩu toàn cầu dự kiến vào khoảng 44,79 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020. Một số thị trường dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu gạo là Philippines với mức tăng 13%, Ivory Coast (Bờ Biển Ngà) tăng 9,1%, Ghana tăng 5,6% và Liên minh châu Âu (EU) tăng 2,1%. Trung Quốc sẽ vẫn là nước nhập khẩu gạo nhiều nhất trong năm 2021 với 2,9 triệu tấn, đứng thứ hai là EU với 2,45 triệu tấn và thứ ba là Philippines với 2,2 triệu tấn. Đây đều là những thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam.

Phân tích về các nước xuất khẩu gạo, USDA dự báo Ấn Độ tiếp tục là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, dự kiến xuất 15,5 triệu tấn, tăng 940.000 tấn so với năm 2020; Việt Nam duy trì giữ vị trí thứ hai với 6,4 triệu tấn, tăng 233.000 tấn. Đứng thứ ba là Thái Lan dự kiến đạt 6,1 triệu tấn, tăng gần 400.000 tấn.

Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 6,15 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 3,07 tỷ USD, giảm 3,5% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so với năm 2019. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2021 điều kiện thời tiết không thuận lợi tại nhiều nơi trên thế giới nên sản lượng lương thực giảm ở nhiều quốc gia, và nhu cầu nhập khẩu gạo sẽ tăng. Thị trường châu Âu được dự báo sẽ sôi động hơn khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực và Việt Nam là một đối tác thương mại gạo quan trọng.

Theo Báo cáo ngành nông nghiệp của VNDirect vào đầu tháng 5, đại dịch Covid-19 đã buộc nhiều quốc gia phải tăng cường dự trữ lương thực, đặc biệt là gạo. Do vậy, nguồn cung đang có dấu hiệu thắt chặt ở các nước xuất khẩu gạo và các nước nhập khẩu cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu để dự phòng, từ đó đẩy giá gạo lên cao. Theo đó, gạo có thể tiếp tục tăng sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong ngành gạo được hưởng lợi với hàng tồn kho giá thấp.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm