Việt Nam nhập siêu trở lại trong 2019?
BẢN TIN TÀI CHÍNH - KINH DOANH: Xuất khẩu dầu thô giảm, nhà vườn mai tất bật vào Tết / HTX bưởi Hữu Văn: Hiệu quả ứng dụng công nghệ
Xuất siêu vào thị trường khắt khe
Theo thông tin được công bố tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Công Thương ngày 17/1, hoạt động XNK năm 2018 của Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước, qua đó góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và cải thiện cán cân thanh toán.
Cụ thể, quy mô các mặt hàng XK tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch XK từ 1 tỷ USD trở lên tới 29 mặt hàng (trong đó có 8 mặt hàng XK trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng XK trên 10 tỷ USD), chiếm 91,67% tổng kim ngạch XK.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay: Thị trường XK, NK được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng. Kim ngạch XK sang các khu vực thị trường đều đạt mức tăng trưởng dương, đặc biệt tăng cao ở những thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam như ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand. Đặc biệt, Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe đối với hàng hóa NK như Hoa Kỳ (năm 2017 xuất siêu 32,24 tỷ USD thì tới năm 2018 đã xuất siêu 34,7 tỷ USD); EU (năm 2017 xuất siêu 26,14 tỷ USD đã tăng lên 28,7 tỷ USD vào năm 2018).
Nói tới XK hàng hoá năm 2018 sẽ là thiếu sót nếu không đề cập tới việc XK của khối DN trong nước tiếp tục tăng trưởng tốt. “Nếu như những năm trước đây, XK của khối DN FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối DN trong nước thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối trong nước đã cao hơn khối FDI. Năm 2018, khối DN trong nước XK khoảng 69,2 tỷ USD, tăng 15,9%, cao hơn mức tăng trưởng XK chung và cao hơn mức tăng trưởng của khối DN FDI (kể cả dầu thô) là 12,9%”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói.
Dù đạt được những kết quả XK rực rỡ, tuy nhiên nhìn kỹ vào “bức tranh” XK hàng hoá của Việt Nam, không khó để nhận ra vẫn tồn tại không ít bất cập. Đó là các mặt hàng nông, thủy sản XK còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Phần lớn các mặt hàng XK đều chưa xây dựng được thương hiệu riêng và vững chắc. Bên cạnh đó, tỷ lệ NK lớn về nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất thể hiện tính gia công trong ngành còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở bên ngoài. Điều này khiến cho nền kinh tế gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động tăng, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa XK.
Sẽ nhập siêu trong 2019
Năm 2019, Bộ Công Thương đưa ra dự kiến, XK đạt khoảng 265 tỷ USD, tăng khoảng 8 - 10% so với năm 2018; NK khoảng 268 tỷ USD, tăng khoảng 11,7%. Như vậy, thay vì xuất siêu liên tiếp như vài năm trở lại đây, 2019 ước tính Việt Nam sẽ nhập siêu khoảng 3 tỷ USD... Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch XK tiếp tục duy trì ở mức dưới 2%.
Phân tích sâu hơn về tình hình XNK trong năm 2019, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho hay: XK năm 2019 tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức như nguồn cung toàn cầu tiếp tục tăng, ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản, trong khi nhiều nước đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch thúc đẩy sản xuất, hướng tới giảm dần phụ thuộc vào nguồn NK dẫn đến cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong XK hàng hóa nông sản, thủy sản.
Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, đặc biệt là sau khi Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp tăng thuế NK đối với hàng hóa NK của các nước. Ngoài ra, các nước tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe như Ủy ban châu Âu (EC) siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản NK, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT); nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc...
Một số chuyên gia đưa ra nhận định: Dự báo năm 2019, giá XK nông sản khó có khả năng tăng như năm 2017 và có xu hướng ổn định như năm 2018, do vậy, đây không còn là yếu tố thuận lợi tác động đến tăng trưởng XK. Bên cạnh đó, các năng lực sản xuất mới đến từ đầu tư công nghệ chế biến nông sản chưa tạo ra nhiều kỳ vọng tăng trưởng về giá và nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa.
Trả lời cho câu hỏi tại sao đang “hăm hở” xuất siêu, 2019 Việt Nam lại nhập siêu, Bộ Công Thương nêu rõ: Nhu cầu NK dự kiến tăng cao bởi XK được dự báo tiếp tục duy trì tăng trưởng, đặc biệt là ở những ngành hàng mà nước ta còn phụ thuộc vào nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, linh kiện phụ tùng của nước ngoài. Do vậy, dự báo NK nhóm hàng này (nhóm cần NK) tiếp tục tăng trưởng cao.
“Dự báo năm 2019 và các năm tiếp theo, với việc thực thi các FTA như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Việt Nam - EU sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam của các DN trong và ngoài nước để tận dụng cơ hội từ 2 thị trường lớn này. Việc NK công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ cho các dự án và mua nguyên vật liệu cho sản xuất sẽ gia tăng. Điều này dẫn tới cán cân thương mại có thể sẽ đảo chiều từ đang xuất siêu sang nhập siêu”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng phân tích.
Đứng từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Đức Chung-Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nêu quan điểm: Năm 2018, XK hàng hoá của Hà Nội đã tăng 21% so với năm 2017. Hà Nội đánh giá cao sự phối hợp của Bộ Công Thương trong XNK, tiếp thị mặt hàng thế mạnh của Hà Nội với một số thị trường như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, từ đó nâng cao tỷ trọng XK.
“Trong tiếp cận thị trường, thúc đẩy XK hàng hoá, hiện nay Bộ Công Thương có nhân viên ở Đại sứ quán các nước, bởi vậy thời gian tới đề nghị Bộ Công Thương tăng cường xúc tiến thương mại theo hướng liên kết với các chuỗi và hãng phân phối bán lẻ tại các nước, đồng thời phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng hệ thống chợ truyền thống, đạt tiêu chuẩn của các nước để khi hàng hoá vào được chợ là đương nhiên có thể XK đi các nước”, ông Chung nói.
Nông, thuỷ sản là một trong những nhóm ngành hàng XK chủ lực của Việt Nam, dự báo đối mặt nhiều khó khăn trong hội nhập sâu. Nhìn từ góc độ này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT ở cả khâu mở cửa, phát triển thị trường và ở khâu đào tạo nội dung, kỹ năng bảo vệ thị trường.
“Năm 2019 là năm đầu tiên Hiệp định CPTPP có hiệu lực, nông nghiệp sẽ là lĩnh vực chịu tổn thương rất lớn…, đề nghị Bộ Công Thương có chương trình phối hợp với ngành nông nghiệp chặt chẽ hơn. Tôi mong Bộ Công Thương và hệ thống ngành dọc phối hợp chặt với ngành nông nghiệp thực hiện tốt những chủ trương của Quốc hội, Chính phủ đặt ra, năm nay phấn đấu đạt kết quả cao hơn năm trước, biến thách thức thành cơ hội”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh