Việt Nam thiếu các công trình mang tính biểu tượng quốc gia
DNVN - Theo các chuyên gia có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, kiến trúc, nội thất, các kiến trúc sư (KTS), Việt Nam nói chung và các KTS, nhà thiết kế Việt Nam nói riêng có nhiều thế mạnh. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có các công trình mang tính biểu tượng quốc gia.
Nhận diện cơ hội mới tiêu thụ nông sản, thực phẩm chế biến tại Ấn Độ / Giải cứu trứng gà: Chiêu trò của các thương lái?
Tận dụng thế mạnh
Tại tọa đàm “Đặt gạch xây thương hiệu cho kiến trúc sư Việt” do Tổ chức Giải thưởng châu Á (AAO) và Vietnam Design & Build Center tổ chức ngày 26/2 tại Hà Nội, KTS Tan Quee Peng - Giám đốc Green Mark, Tổng Giám đốc RSP Việt Nam chia sẻ, với sự phát triển của công nghệ, các KTS Việt Nam thích nghi rất nhanh với công nghệ và chuyển đổi số. Và đây là một trong những thế mạnh của KTS, nhà thiết kế Việt Nam. Thêm vào đó, người Việt Nam nói chung và các nhà thiết kế, KTS nói riêng rất cần cù, chăm chỉ, cống hiến hết sức cho công việc của mình.
Chia sẻ lý do chọn Việt Nam để phát triển sự nghiệp, ông Gianfranco Bianchi - CEO của Italian Atelier, đại lý cung cấp đồ nội thất cao cấp của các thương hiệu nội thất nổi tiếng toàn cầu cho biết, ông ấn tượng với Việt Nam ngay từ khi đặt chân tới vào năm 2000.
"Gần đây, những thay đổi tích cực ở Việt Nam dần chứng tỏ cho quyết định đúng đắn của tôi. Nền kinh tế Việt Nam đã có mức tăng trưởng GDP vượt trội trong đại dịch COVID-19 so với các quốc gia khác, trong khi các nền kinh tế mạnh khác trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề. Nhờ đó, đất nước xinh đẹp này trở thành điểm "nóng" để các ông lớn đặt nhà máy tại đây như Apple, Ralph Lauren, Lego. Từ những điểm nổi bật này và nhiều yếu tố ảnh hưởng khác, Việt Nam là một thị trường bùng nổ và năng động. Đó là lý do tôi quyết định đầu tư và ghi dấu ấn cho sự nghiệp của mình tại đây", ông Gianfranco Bianchi nói.
Theo ông Tan Quee Peng, vấn đề là làm thế nào để tận dụng thế mạnh của các KTS, nhà thiết kế Việt Nam?
KTS Tan Quee Peng - Giám đốc Green Mark (Tổng Giám đốc RSP Việt Nam) đánh giá cao thế mạnh của các KTS, nhà thiết kế Việt Nam.
"Chúng tôi tạo cơ hội cho họ. Chẳng hạn công ty của chúng tôi làm việc với các KTS Việt Nam và chúng ta cần làm việc, phối hợp, hợp tác với các KTS Việt Nam làm sao để họ phát triển được tài năng của mình và chính điều đó cũng phục vụ cho công ty của chúng tôi khi chúng tôi làm việc với họ", ôngTan Quee Pengnói.
Trong thời gian tới, chắc chắn Việt Nam sẽ ngày càng phát triển. Và trong tương lai, giá chi tiêu, giá nhà ở ngày càng tăng. Do đó, nghề KTS sẽ ngày càng đắt giá.
Các KTS Việt Nam ngày càng phải trau dồi hơn nữa để phát triển bản thân mình hơn bởi vì ngày nay có nhiều công nghệ mới. Để phát triển đất nước cũng như phát triển tài năng của mình, KTS phải cập nhật liên tục các kiến thức mới về công nghệ, về công nghệ số, để ngày càng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ, thiết kế tốt hơn, đẹp hơn. Nhu cầu, kỳ vọng của khách hàng, người dùng ngày càng cao, trong khi công nghệ cũng thay đổi rất nhanh.
Với thế mạnh của mình, việc các KTS và các nhà thiết kế Việt Nam liên tục cập nhật, trau dồi hơn nữa sẽ đưa đến nhiều thành công.
"Đầu những năm 2000, tôi phải dạy các KTS, nhà thiết kế Thượng Hải rất nhiều và họ phải học hỏi từ công ty tôi. Tuy nhiên, giờ quay trở lại thì chính tôi là người phải học hỏi từ những nhà thiết kế ở Thượng Hải. Và tôi nghĩ ở Việt Nam cũng vậy", KTSTan Quee Pengchia sẻ thêm.
Chưa có công trình mang tính biểu tượng
Đồng tình với những đánh giá về tiềm năng, thế mạnh của các KTS, nhà thiết kế Việt Nam, nhưng ông Dylan Yip - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Chiến lược AAO cho biết, hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều nhóm thiết kế tiềm năng nhưng vẫn có những người, nhóm hay khu vực chưa được phát triển đúng như kỳ vọng và tiềm năng của họ.
Với bề dày văn hóa lịch sử và nhân công tay nghề cao, ngành kiến trúc Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển, vươn ra khu vực và thế giới nếu khắc phục được những hạn chế đang tồn tại.
Tọa đàm có sự tham gia chia sẻ của những diễn giảvới bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, kiến trúc, nội thất, marketing.
Khi nói đến lĩnh vực thiết kế, khi so sánh với các nước trong khu vực, như Indonesia chẳng hạn, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng chưa được khám phá, tận dụng như ở Indonesia. Ở Thượng Hải, ở Malaysia có các công trình mang tính biểu tượng nhưng Việt Nam chưa có.
"Chúng ta có thể nhìn vào bài học của Trung Quốc. Trong 10 - 15 năm qua, Trung Quốc đã phát triển cực kỳ vượt trội. Nếu Việt Nam tận dụng được những tiềm năng như Trung Quốc thì Việt Nam còn phát triển nhanh hơn rất nhiều", ông Dylan Yip đánh giá.
Việt Nam có nhiều nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào nhiều ngành nghề khác nhau. GDP bình quân đầu người tăng rất mạnh và đang là Top 3 trong khu vực Đông Nam Á. Thực tế, Việt Nam không có quá nhiều tòa nhà cao chọc trời và không có những công trình mang tính biểu tượng của một quốc gia.
"Việt Nam chỉ có những tòa nhà bậc trung. Tôi nghĩ trong tương lai gần Việt Nam nên tận dụng nguồn lực, tiềm năng của mình để xây dựng những công trình mang tính biểu tượng của Việt Nam. Và chúng ta cần xây dựng được những giá trị về chất lượng cũng như về uy tín. Tôi hi vọng trong tương lai gần Việt Nam sẽ có thêm những công trình cao chọc trời hay những công trình mang tính biểu tượng", Phó Tổng Giám đốc phụ trách Chiến lược AAO bày tỏ.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo