Vượt qua khó khăn, xuất khẩu cá tra sang nhiều thị trường tăng mạnh
Đồng Tháp: Lực lượng hải quan bắt giữ 1.400 bao thuốc lá vô chủ / Cục QLTT Đồng Tháp: Tổ chức đánh giá chuyên môn nghiệp vụ bằng hình thức thi trực tuyến
Chiều 16/12, tại TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị Tổng kết ngành hàng cá tra năm 2022 và nhiệm vụ giải pháp năm 2023.
Công nhân đang chế biến cá tra tại nhà máy Hùng Cá (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp).
Ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, mặc dù, ngành hàng cá tra đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn trong gần 2 năm của đại dịch COVID-19, nhưng sự tăng trưởng ấn tượng của ngành trong năm vừa qua với kim ngạch xuất khẩu cả nước đến tháng 10/2022 đạt khoảng 2,1 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2021 và dự kiến cả năm 2022 trên 2,4 tỷ USD.
Theo ông Tuấn, Đồng Tháp là tỉnh sản xuất cá tra lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chiếm trên 33% diện tích và 34,8% sản lượng cá tra toàn vùng, với tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cá tra của tỉnh so với cả nước chiếm khoảng gần 40%; cung cấp hàng năm khoảng 60% sản lượng cá giống cho vùng ĐBSCL.
“Tỉnh Đồng Tháp đã lựa chọn cá tra là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của Tỉnh trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, và triển khai xây dựng nhiều mô hình chuỗi trong sản xuất và xuất khẩu cá tra đã mang lại những kết quả đáng khích lệ, mối liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra giữa các cơ sở nuôi với doanh nghiệp sản xuất thức ăn, doanh nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, cá tra là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành thuỷ sản với sản lượng hàng năm khoảng 30% tổng sản lượng nuôi trồng trên cả nước, tập trung tại các tỉnh vùng ĐBSCL. Tính đến hết tháng 11/2022, sản lượng thu hoạch cá tra đã đạt 1,526 nghìn tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021, giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD (tăng 6,9% so với cùng kỳ 2021), nhu cầu nhập khẩu cá tra Việt Nam ở hầu hết các thị trường tăng từ 40% đến 200%.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại hội nghị.
Theo ông Tiến, năm 2022, ngành hàng cá tra đã vượt qua những khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và đã nhanh chóng tận dụng cơ hội về nhu cầu thị trường sau đại dịch để tổ chức sản xuất và xuất khẩu, góp phần quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành thủy sản.
“Chuẩn bị bước sang năm 2023, ngành hàng cá tra đang có trong tay rất nhiều cơ hội nhưng cũng có rất nhiều thách thức. Dự báo, thị trường thế giới sẽ diễn biến phức tạp do những bất ổn về chính trị, kinh tế, nhu cầu cá tra có thể chững lại và không cao như các tháng đầu năm 2022”, ông Tiến lưu ý.
Nói về những yếu tố tác động đến tình hình tiêu thụ cá tra trong năm 2022 và năm 2023, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, năm 2022, ngành hàng cá tra đã triệt để tận dụng cơ hội về nhu cầu thị trường sau đại dịch COVID-19, đặc biệt là cơ hội về giá nên giá trị xuất khẩu vượt trội so với sản lượng. Đồng thời, sự gia tăng sản lượng trong năm đã góp phần nâng cao giá trị của ngành hàng.
Mặc khác, dịch COVID-19 đã khuyến khích phương thức và cách tiếp cận kinh doanh khác so với truyền thống mà ngành hàng đã từng làm trong 20 năm qua như: Sản phẩm thay đổi theo hướng chuyển sang tiện lợi hơn, bổ dưỡng hơn; hành vi tiêu dùng thay đổi: bán hàng qua các kênh bán lẻ, sàn giao dịch online sẽ phát triển thay vì mua sắm tại siêu thị, mua thực phẩm ở cửa hàng ăn nhanh.
Song song đó, việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào kinh doanh trực tuyến sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ hội bán trực tiếp, marketing trực tiếp hoặc tương tác với khách hàng nhiều hơn.
Ngoài ra, các EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, là công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh thị phần tại thị trường EU. Đối với cá tra phi lê đông lạnh thuế nhập khẩu sẽ còn là 0 % từ mức 5,5 % như hiện nay sau thời gian 3 năm, nghĩa là từ năm thứ 4, cá tra mã số HS 03 sẽ được hưởng thuế xuất ưu đãi của EVFTA. Do đó, đây là thời gian để các doanh nghiệp củng cố, hoàn thiện các điều kiện chuỗi sản xuất, mở rộng thị trường đón đầu các ưu đãi tại thị trường EU.
End of content
Không có tin nào tiếp theo