Thị trường

Đồng Tháp: Giá 5.000 đồng không ai mua, hơn 4.700 tấn nhãn Châu Thành chưa có đầu ra

DNVN – Hiện giá nhãn ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp chỉ dao động từ 5.000 - 6.000 đồng/1kg nhưng vẫn không có ai mua. Theo thống kê, riêng trong tháng 7, tháng 8 huyện Châu Thành có hơn 4.700 tấn nhãn vẫn chưa có đầu ra do bị đứt gãy kênh tiêu thụ bởi COVID-19.

Gạo dẫn đầu Top tiềm năng xuất khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam sang Ba Lan / Tổng cục Quản lý thị trường họp khẩn bàn giải pháp tiêu thụ nông sản mùa vụ cho vùng dịch

UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, huyện Châu Thành hiện có khoảng 793 ha nhãn, sản lượng dự kiến hơn 13.400 tấn và thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 12/2021. Tuy nhiên, địa phương đang thực hiện cách ly xã hội nên việc tiêu thụ nhãn đang gặp nhiều khó khăn, nhất là trong tháng 7 và 8 này có hơn 4.700 tấn nhãn đến lúc thu hoạch nhưng hiện chưa kết nối được đầu ra với số lượng lớn.

Ở thời điểm hiện tại, mỗi kg nhãn tại đây đang được chào bán với giá bán 5.000 - 6.000 đồng những vẫn không có người mua. Không chỉ riêng Châu Thành, Đồng Tháp gặp phải tình trạng này mà rất nhiều nông dân ở các tỉnh phía Nam đang lâm vào cảnh “khóc dở, mếu dở” vì nông sản sản xuất ra không thể tiêu thụ được trong khi ở TP. Hồ Chí Minh những ngày vừa qua lại đang trong tình trạng khan hiếm hàng hóa, lương thực, thực phẩm nghiêm trọng do phải thực hiện giãn cách xã hội vì COVID-19.

Hơn 4.700 tấn nhãn Châu Thành chưa có đầu ra, cần thay đổi phương thức tiêu thụ trong bối cảnh mới.

Hơn 4.700 tấn nhãn Châu Thành chưa có đầu ra, cần thay đổi phương thức tiêu thụ trong bối cảnh mới.

Ông Phan Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, hiện tại, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên tại các vùng trồng nhãn, nhất là khu vực phong tỏa phải chịu thiếu hụt nhân công lao động thực hiện các công việc như: thu hoạch, bốc xếp, sản xuất.

Trong khâu vận chuyển, các xe chở nông sản khi lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ phải tuân thủ kiểm dịch, kiểm tra nhiều tại các chốt. Trong khi đó, trái nhãn có tính thời vụ, tiêu thụ ngắn ngày nên ảnh hưởng thời gian vận chuyển đến các đơn vị, doanh nghiệp thu mua.

Tại buổi làm việc với UNBD huyện Châu Thành về việc hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm nhãn, ông Lê Quốc Phong - Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị chính quyền địa phương và nông dân phải thay đổi phương thức tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh. Bài học kinh nghiệm tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang cần được học hỏi và áp dụng đối với nhãn Châu Thành và cả những nông sản khác của tỉnh. Cùng với đó cần tổ chức lực lượng tại chỗ hỗ trợ nông dân thu hoạch, đóng gói, vận chuyển nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện phòng dịch...; khuyến khích nông dân liên hệ lại với các mối lái truyền thống nhằm tạo sự đa dạng tiêu thụ.

Với các sở, ngành, ông Lê Quốc Phong yêu cầu tìm cách tăng cường quảng cáo sản phẩm nhãn Châu Thành thông qua phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường phát triển sản phẩm trên kênh thương mại điện tử. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến, làm việc với các kênh phân phối lớn như: chợ đầu mối, siêu thị Big C, Bách hóa Xanh, Co.opmart...; phải tạo điều kiện tốt nhất cho việc tạo luồng xanh cho xe vận tải di chuyển hàng hóa...

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến bàn về cung ứng hàng hóa cho các tỉnh phía Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cam kết: Trong mọi tình huống hai ngành chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân là không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là lương thực thực phẩm, rau củ quả, hàng tươi sống, thuốc men. Hai ngành đó là công thương và nông nghiệp.

Nhưng ngành giao thông vận tải cũng không đứng ngoài cuộc, “luồng xanh” mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đưa ra phải được thiết lập ngay để nối các nơi sản xuất hàng hóa thực phẩm đến với nơi tiêu thụ, cụ thể ở đây là TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng nhấn mạnh, đã đến lúc TP. Hồ Chí Minh không bó hẹp việc cung cấp hàng hóa trong hệ thống siêu thị và các điểm bán lẻ, mà phải mở rộng ra các chợ truyền thống và kênh bán hàng lưu động. Hàng hóa, thực phẩm của các tỉnh đưa về TP. Hồ Chí Minh, tùy theo loại sẽ được phân phối đúng các kênh cung cấp, để người dân dễ tiếp cận nhất, không bị dồn ứ trong siêu thị.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm