Thị trường

Xuất khẩu cá tra hướng tới mục tiêu 2,4 tỷ USD

Giá cá tra tuy giảm nhẹ nhưng vẫn duy trì ở mức cao đảm bảo cho người nuôi có lãi. Hiệp hội Cá tra Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp cần tập trung vào 2 khâu chính là con giống và mở rộng thị trường xuất khẩu. Cụ thể, ngành cá tra tiếp tục cơ cấu lại sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Ngân hàng giảm lãi suất huy động VND / Ảm đạm giá nông sản phiên giao dịch đầu năm

Đảm bảo lợi nhuận

Đầu tháng 2-2019, giá cá tra giảm nhẹ còn khoảng 29.000 đồng/kg, nông dân đạt lợi nhuận gần 8.000 đồng/kg. Theo anh Nguyễn Thanh Tuấn, một người nuôi cá tra ở quận Cái Răng (TP Cần Thơ), hiện người nuôi cá đang duy trì thả cá giống để thu hoạch sau Tết Kỷ Hợi.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, sau thời gian gặp khó khăn thì xuất khẩu cá tra của Việt Nam đang trở lại thời hoàng kim khi người nuôi cá tra đạt lợi nhuận 8.000 - 14.000 đồng/kg trong năm 2018; đây được xem là mức lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay. Phía các doanh nghiệp xuất khẩu cũng thu lợi rất tốt.

Chế biến cá tra xuất khẩu ở An Giang. Ảnh: HUỲNH LỢI

Chế biến cá tra xuất khẩu ở An Giang. Ảnh: HUỲNH LỢI

Ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Công ty CP Nam Việt (Navico - An Giang), phấn khởi: “Năm qua, cá tra được mùa đã giúp Navico đạt doanh thu khoảng 4.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 600 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ. Dự báo năm 2019, Navico nỗ lực xuất khẩu cá tra đạt 250 - 300 triệu USD, lợi nhuận sau thuế hơn 700 tỷ đồng…”.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, ngành hàng cá tra đã đột phá về giá trị xuất khẩu với việc vượt mốc 2,26 tỷ USD trong năm 2018, sản lượng nguyên liệu đạt trên 1,3 triệu tấn. Điều đáng nói là có những thời điểm giá cá tra nguyên liệu đạt mức cao trên 35.000 đồng/kg. Xuất khẩu khả quan, nhất là vào thị trường Trung Quốc tăng cao, thị trường Hoa Kỳ với mức thuế chống bán phá giá thấp hơn, là những tín hiệu tốt…

Cũng theo ông Quốc, gần đây các doanh nghiệp xuất khẩu đã thích ứng linh hoạt và phản ứng có kinh nghiệm trước các rào cản kỹ thuật cũng như sự cạnh tranh thương mại của nhiều nước trên thế giới. Song song đó, các ngành chức năng luôn quan tâm và hỗ trợ tích cực cho ngành hàng cá tra phát triển. Từ sự vào cuộc mạnh mẽ và đồng bộ đã giúp cá tra từng bước lấy lại vị thế trên thương trường quốc tế.

Hướng tới phát triển bền vững

 

Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho rằng, năm 2018 xuất khẩu cá tra đạt mức 2,26 tỷ USD là kết quả đáng khích lệ; cũng nhờ xuất khẩu thuận lợi nên diện tích nuôi và sản lượng cá tra ở khu vực ĐBSCL đều tăng. Với chiều hướng thuận lợi này, ngành chức năng đề ra mục tiêu xuất khẩu cá tra năm 2019 cố gắng đạt khoảng 2,4 tỷ USD. Để đạt được kim ngạch này, ngành chức năng, doanh nghiệp, HTX, người nuôi… cần phải nỗ lực hơn nữa.

Theo các chuyên gia, người nuôi và doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển công nghệ cao, thông minh. Ông Dương Nghĩa Quốc đề xuất: “Do cá tra được giá nên người nuôi sẽ gia tăng sản lượng trong thời gian tới, tuy nhiên cần phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, áp dụng công nghệ nhằm giảm giá thành hợp lý, đồng thời quan tâm đến vấn đề môi trường trong sản xuất. Hiệp hội đang thúc đẩy cải thiện chất lượng ngành hàng cá tra theo hướng tập trung vào việc cải thiện chất lượng con giống như quy trình ương nuôi, sử dụng chế phẩm sinh học, vaccine… để tăng sức đề kháng cho cá giống”.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết, năm qua lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vượt mức 1 tỷ USD, trong đó sự đóng góp của ngành hàng cá tra rất lớn.

Đồng Tháp đã xác định cá tra là sản phẩm xuất khẩu chủ lực và là 1 trong 5 ngành hàng mà tỉnh đang thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Quan điểm của tỉnh là không phát triển tràn lan, theo số lượng… mà tập trung đầu tư chất lượng từ khâu con giống, quy hoạch vùng nuôi hợp lý có đầu tư, bao tiêu giữa doanh nghiệp với nông dân.

Từ nay đến năm 2025, tỉnh Đồng Tháp đầu tư khoảng 146 tỷ đồng để thực hiện “Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao”, diện tích 400ha ở các huyện Hồng Ngự, Châu Thành, Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự. Đây được xem là hướng đi bền vững cho ngành cá tra.

 

Bộ NN-PTNT nhận định, trong điều kiện thiếu hụt con giống tốt và nỗ lực cải thiện môi trường nuôi cá tra thì gần đây một số địa phương ở ĐBSCL và các doanh nghiệp lớn như Công ty Việt - Úc, Công ty CP Nam Việt… đã mạnh dạn đầu tư lớn vào ngành công nghiệp cá tra.

Ông Doãn Tới khẳng định: “Chúng tôi xác định tiềm năng của cá tra là rất lớn, nhưng cần phải đầu tư theo hướng bền vững. Cụ thể, chúng tôi vừa khởi công dự án “Nuôi trồng thủy sản công nghệ cao Bình Phú”, quy mô 600ha, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng. Trong dự án này có khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao (diện tích nuôi 150ha, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng) và khu nuôi cá tra thương phẩm công nghệ cao, diện tích 450ha, vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng. Toàn bộ sẽ được đầu tư trang thiết bị theo hướng công nghệ hiện đại, đồng bộ và chuyên sâu mang tầm cỡ khu vực. Phương châm của công ty là hướng đến sự hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín bền vững ngành cá tra. Từ đó, tăng thị phần xuất khẩu cá tra tại các thị trường nhập khẩu lớn trên thế giới…”.

Lãnh đạo Công ty TNHH Hùng Cá (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) cũng tiết lộ, cá tra đang lấy lại “phong độ” và khẳng định vị thế trên thương trường. Do đó, chúng tôi tiếp tục đầu tư thêm Nhà máy chế biến thủy sản Hùng Cá 6, diện tích 21.000m2, công suất thiết kế 300 tấn cá/ngày, tổng vốn đầu tư 465 tỷ đồng. Tất cả được trang bị công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của các thị trường khó tính.

Theo sggp.org.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm