Thị trường

Xuất khẩu cá tra nhiều khả năng chỉ đạt 2,1 tỷ USD trong năm 2019

Từ đầu năm tới nay, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã có sự sụt giảm đáng kể do những rào cản thương mại, cùng với tình hình cung cầu thế giới có biến động về giá cả. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, xuất khẩu cá tra của Việt Nam tới nay vẫn chưa có sự bứt phá, xin ông chia sẻ rõ nét hơn về vấn đề này?

Theo các thống kê từ Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/10/2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đi các thị trường đạt 1,56 tỷ USD, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái. 3/4 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam tại châu Mỹ ghi nhận giá trị xuất khẩu giảm mạnh gồm Hoa Kỳ (-44,4%), Brazil (-26,4%) và Colombia (-21,4%); còn lại Mexico ghi nhận tăng trưởng thấp 3,9%.

Kết quả này phản ánh tình hình thị trường cũng như các rào cản thương mại đã tác động đến các doanh nghiệp ngành cá tra xuất khẩu của Việt Nam ngay trong ngắn hạn, buộc các doanh nghiệp phải có sự điều chỉnh phù hợp hơn trong thời gian tới.

Với sự sụt giảm trên, việc Cục Kiểm tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công nhận hệ thống kiểm tra, kiểm soát sản phẩm cá và cá Siluriformes xuất khẩu của Việt Nam tương đương với Hoa Kỳ gần đây sẽ có tác động như thế nào đến ngành, thưa ông?

Như chúng ta đã biết, sau khi có Luật Trang trại và thanh tra cá da trơn, theo chương trình về giám sát cá tra nhập khẩu Hoa Kỳ thì nhập khẩu cá da trơn vào Hoa Kỳ phải được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công nhận hệ thống nuôi trồng, chế biến xuất khẩu tương đương với hoạt động của Hoa Kỳ, mới được phép xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Và sau 18 tháng kiểm tra các lô hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ, đến nay, FSIS đã đưa ra quyết định cuối cùng rằng, hệ thống kiểm tra sản phẩm cá và cá Siluriformes của 3 quốc gia: Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan tương đương với hệ thống của Hoa Kỳ xác lập theo Luật Thanh tra Liên bang sản phẩm thịt (The Federal Meat Inspection Act - FMIA) và các quy định thực thi có liên quan.

Theo đề xuất, chỉ các sản phẩm cá và cá Siluriformes nguyên liệu được sản xuất tại các cơ sở được chứng nhận bởi cơ quan thẩm quyền Việt Nam mới đủ điều kiện xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Tất cả các sản phẩm này sẽ được kiểm tra lại tại các cơ sở kiểm định của FSIS tại Hoa Kỳ.

Đây là kết quả của nỗ lực suốt 3 năm qua mà ngành cá tra Việt Nam đã thực hiện để chứng minh rằng hoạt động nuôi trồng, chế biến xuất khẩu của chúng ta tương đương với Hoa Kỳ. Hệ thống tương đương này đi kèm danh sách những nhà máy, doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ. Theo chúng tôi được biết, hiện có 13 và sắp tới có thể các doanh nghiệp sẽ đăng ký thêm để tiếp tục được kiểm tra, đưa vào danh sách để đủ điều kiện xuất sang thị trường này.

Tôi cho rằng, việc công nhận từ phía Hoa Kỳ là một tín hiệu đáng mừng cho ngành cá tra xuất khẩu của chúng ta. Bởi nếu trong trường hợp mà Hoa Kỳ không công nhận thì có nghĩa là chúng ta không thể xuất khẩu các sản phẩm cá tra vào nước này.

Xuất khẩu cá tra nhiều khả năng chỉ đạt khoảng 2,1 tỷ USD trong 2019

Vậy kết quả này sẽ giúp ngành cá tra tăng kim ngạch vào Hoa Kỳ, thưa ông?

Theo thống kê của chúng tôi, hiện doanh số xuất khẩu đi Hoa Kỳ mới chỉ dừng ở mức khoảng 300 triệu USD so với mức hơn 2 tỷ USD của toàn ngành. Đây là mức không cao song Hoa Kỳ vẫn được đánh giá là thị trường rất tiềm năng. Do đó, tôi cho rằng việc công nhận hệ thống kiểm tra, kiểm soát sản phẩm cá và cá Siluriformes xuất khẩu của Việt Nam tương đương với Hoa Kỳ sẽ là một trong những yếu tố tích cực giúp ngành cá tra kiểm soát chất lượng tốt hơn, từ đó gia tăng kim ngạch vào Hoa Kỳ.

Xin ông cho biết, đầu năm nay ngành cá tra đã đặt mục tiêu xuất khẩu 2,4 tỷ USD, vậy theo ông kết thúc năm 2019 ngành có thể đạt con số này hay không?

Với các kết quả xuất khẩu tính đến giữa tháng 10/2019, tôi cho rằng năm nay chúng ta sẽ chỉ đạt con số vào khoảng 2,1 tỷ USD chứ không như mức đề ra.

Nguyên nhân là do sản lượng xuất khẩu vẫn tương đương ở mức năm 2018 nhưng giá xuất khẩu đi các thị trường lại sụt giảm nhiều bởi cung nhiều hơn cầu. Vì thế trong thời gian tới ngành cá tra Việt Nam cần có sự cân đối phù hợp hơn trong nuôi trồng để tránh tình trạng giá bán thấp khi cung vượt cầu.

Theo Mai Ca/Công thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo