Thị trường

Xuất khẩu cao kỷ lục nhưng còn nhiều thách thức

DNVN - Dù kim ngạch xuất khẩu tháng 7 đạt mốc kỷ lục và 7 tháng đầu năm tăng mạnh nhưng Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức từ cạnh tranh khu vực, áp lực về điều tra phòng vệ thương mại cùng những quy định mới của thị trường quốc tế...

Bình Định: Phát triển công nghiệp xanh và kinh tế tuần hoàn để tạo đột phá / Cấp thiết xây dựng nhà ở xã hội - Bài 1: Vướng ở đâu, gỡ ở đó

Kỳ vọng sức mua phục hồi mạnh

Với sự phục hồi dần của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong 7 tháng năm 2024 khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 7/2024 lần đầu tiên vượt 70 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt con số kỷ lục trên 36 tỷ USD, đánh dấu tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay.

Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 266,9 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu 7 tháng đạt 212,9 tỷ USD, tăng 18,5% so với 7 tháng năm 2023.

Trong 7 tháng đầu năm 2024, có 10 mặt hàng nhập khẩu với trị giá trên 5 tỷ USD điển hình như: điện tử, máy tính và linh kiện; kim loại thường khác; điện thoại và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác...

Theo dự báo của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), xuất khẩu sẽ tăng trưởng 11% - 12% trong năm 2024, thặng dư cán cân thương mại ở mức 12 – 14 tỷ USD. Cơ sở của dự báo này là Ngân hàng Thế giới dự báo thương mại toàn cầu về hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng 2.5% vào năm 2024 và 3,4% vào năm 2025. Các dấu hiệu tích cực của FDI vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động thương mại.

MBS dự báo xuất khẩu sẽ tăng trưởng 11% - 12% trong năm 2024.

Ngoài ra, các cải cách gần đây về chính sách thương mại và hải quan đã nâng cao hiệu quả quản lý xuất nhập khẩu, đơn giản hóa các quy trình hành chính và giảm chi phí cũng như thời gian cho các doanh nghiệp.

Cũng lạc quan về thị trường xuất khẩu, Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI) dự báo, niềm tin người tiêu dùng có dấu hiệu phục hồi. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng về điều kiện kinh tế tại các thị trường trọng điểm cũng ghi nhận những dấu hiệu tích cực.

Theo đó, tâm lý tiêu dùng dường như đã ổn định hơn và đang có sự phục hồi nhẹ với thị trường EU, Anh. Ngoài ra, tại Mỹ - thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam – ghi nhận doanh số bán lẻ vẫn ổn định, trong khi số lượng đơn đặt hàng mới của các nhà sản xuất Mỹ tăng lên hàm ý sự lạc quan hơn về nhu cầu trong tương lai.

PSI kỳ vọng sức mua tại các thị trường xuất khẩu chính sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2024.

Do đó, PSI kỳ vọng sức mua tại các thị trường xuất khẩu chính sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2024.

Dù Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nhưng PSI vẫn duy trì quan điểm tích cực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong năm nay do trong điều kiện bình thường, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Còn nhiều thách thức

Bên cạnh những yếu tố tích cực, MBS nhận định, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 phải đối mặt với nhiều thách thức như: xung đột địa chính trị có thể dẫn đến tăng đột biến chi phí vận chuyển; sự cạnh tranh gia tăng tạo ra bởi các quốc gia xuất khẩu đối thủ như Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan; mức lãi suất cao kéo dài của Mỹ đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế của các quốc gia đối tác của Việt Nam, dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu thị trường.

Thêm vào đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao nên chịu tác động lớn từ diễn biến quốc tế, sẽ kéo theo những khó khăn cho những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, gỗ, điện tử.

Còn theo Bộ Công Thương, thị trường xuất khẩu tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa chắc chắn và không đồng đều. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Mỹ… phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.

Tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, thương mại, tiêu dùng và đầu tư toàn cầu phục hồi chậm đã ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước.

Các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục gặp khó trong việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường do chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí tuân thủ cao, đặc biệt với các quy định, tiêu chuẩn mới, lãi suất cho vay mặc dù giảm dần nhưng còn cao.

Trong bối cảnh này, Tổng cục Thống kê khuyến nghị thực hiện đồng bộ và hiệu quả một số nhóm giải pháp. Trong đó, cần tiếp tục đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền rộng rãi về các ưu đãi tại các ihệp định FTA, đồng thời phổ biến cách thức tận dụng tối đa các cơ hội mở cửa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA.

Tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài nước.

Cùng đó, cần nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam và các nước; thúc đẩy chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch..

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm