Thị trường

Xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh 'kéo' ngành vận tải phục hồi

DNVN - Theo Công ty TNHH Chứng khoán ABC, xuất nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay đã dẫn tới sự phục hồi của vận tải biển cũng như vận tải hàng không.

Giá xăng giảm hơn 900 đồng/lít / Doanh nghiệp cần tăng cường quản trị rủi ro khi Mỹ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường

Trong nửa đầu năm 2024, bức tranh ngành logistics tương đối tích cực nhờ vào diễn biến thương mại thế giới phục hồi, phù hợp dự báo của Statista với đà tăng trưởng được kỳ vọng trở lại mức trung bình 4% hàng năm.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Chuyên viên phân tích của Công ty TNHH Chứng khoán ABC (ABCS), kết thúc nửa đầu năm nay, kết quả kinh doanh của các cổ phiếu tiêu biểu ngành logistics trong danh mục ACBS theo dõi đã tăng trưởng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm dịch vụ hàng không tăng trưởng tích cực nhất với 44,5% so với cùng kỳ, tiếp đến là nhóm cảng biển tăng 49,6%, trong khi nhóm vận tải biển giảm 15,5% so với nửa đầu năm ngoái.
Về diễn biến giá, đa phần các cổ phiếu đều tăng giá so với đầu năm với mức trung bình 15 – 20%, ngoại trừ VSC giảm 31,5%, trong đó ACV tăng tích cực nhất với 73,6%.

Xuất nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay dẫn tới sự phục hồi của vận tải biển cũng như vận tải hàng không.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 368,6 tỷ USD, tăng 16,4% so với nửa đầu năm ngoái.
Theo ABCS, xuất nhập khẩu phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay dẫn tới sự phục hồi của vận tải biển.
Sản lượng hàng hoá thông qua cảng biển cả nước có sự chuyển biến tích cực hơn trong 6 tháng đầu năm 2024 nhờ thương mại thế giới phục hồi. Theo đó, tổng sản lượng thông qua cảng biển ghi nhận 427,7 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng container đạt 14,4 triệu TEU, tăng 22% so với cùng kỳ.
Thêm vào đó, Thông tư 39 có hiệu lực từ ngày 15/2/2024, thay thế Thông tư 54 về điều chỉnh khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và lai dắt tại cảng biển Việt Nam được kỳ vọng sẽ giúp các cảng biển cải thiện và tăng trưởng doanh thu, đặc biệt là các cảng nước sâu.
Vận tải hàng không cũng có diễn biến tích cực. Kết thúc 6 tháng năm 2024, sản lượng hàng hoá hàng không toàn quốc đạt gần 730 ngàn tấn, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng hàng hoá thông qua CTCP Dịch vụ Hàng hoá Sài Gòn (SCS) ghi nhận hơn 128.700 tấn, tương đương kết quả sản lượng thực hiện trong năm 2023, sản lượng thông qua Công ty cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài (mã chứng khoán NCT) ghi nhận 170.000 tấn, tương đương 56,4% kết quả của năm ngoái.
Theo Statista, sản lượng container thông qua các cảng trên toàn cầu trong năm 2024 dự kiến đạt 901 triệu TEU, tăng 4% so với cùng kỳ, là mức tăng đáng kể so với mức 0,7% ghi nhận trong hai năm 2022 và 2023.
Song song với sự phục hồi này, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas bất ngờ xảy ra vào quý III năm ngoái tại Trung Đông gây áp lực lên chuỗi cung ứng dẫn đến chi phí vận chuyển hàng hoá gia tăng.
Áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu dần trở nên trầm trọng hơn khi các cảng ở Singapore vốn là trung chuyển của các tuyến chính đi châu Âu và Mỹ, bị tắc nghẽn vào đầu quý II năm nay do các tàu cập bến không đúng lịch trình và lượng hàng container tăng đột biến, gia tăng áp lực lên cơ sở hạ tầng tại đây.
"Diễn biến phục hồi thương mại nói chung, đặc biệt là nhu cầu hàng hoá từ thị trường Trung Quốc, sẽ tiếp tục tạo áp lực lên chuỗi cung ứng và chi phí vận chuyển trong quý III trước khi hạ nhiệt vào giai đoạn cuối năm 2024. Những yếu tố này mang lại cơ hội và thách thức khác nhau cho từng nhóm ngành. Một mặt có thể ảnh hưởng tới sản lượng thông quan, mặt khác lại đẩy giá cước tăng phi mã. Do đó, đây là những yếu tố cần theo dõi và đánh giá tác động đến ngành logisitcs trong giai đoạn còn lại của năm 2024", chuyên gia nhìn nhận.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm