Thị trường

Xuất khẩu dệt may tăng nhanh nhất thế giới, dân Việt vẫn chuộng mua “hàng chợ”

Trong khi giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng kép 13,1% trong giai đoạn 2008-2017, vượt xa mức trung bình toàn cầu 4,9% thì thị trường bán lẻ may mặc trong nước vẫn chưa phải là miếng bánh quá hấp dẫn với các doanh nghiệp khi các sản phẩm không có thương hiệu đang chiếm tới 83%.

Hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ tăng mạnh / Kinh tế Việt Nam được dự báo sớm vượt Singapore

Trong báo cáo phân tích vừa công bố, các chuyên gia phân tích từ Công ty chứng khoán VNDirect cho biết, giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng kép 13,1% trong giai đoạn 2008-2017, vượt xa mức trung bình toàn cầu 4,9% chủ yếu nhờ nhân công giá rẻ và tham gia nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA).

Thị trường xuất khẩu đa dạng giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ và đảm bảo triển vọng tích cực cho ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh thị trường may mặc của Mỹ bão hòa. Xuất khẩu sang Mỹ chiếm 38,6% tổng xuất khẩu dệt may của Việt Nam.

Xuất khẩu dệt may tăng nhanh nhất thế giới, dân Việt vẫn chuộng mua “hàng chợ” - 1

Việt Nam là nước XK may mặc với mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới

Cũng theo VNDirect, ngành dệt may Việt Nam sẽ hưởng lợi từ sự tái cấu trúc trong nền kinh tế Trung Quốc, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, CPTPP đã ký và Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) sắp tới.

Việc chuỗi cung ứng toàn cầu chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam (Trung Quốc cộng một) được cho là có thể mang lại lượng đơn hàng dệt may lớn và giúp Việt Nam giành thị phần từ Trung Quốc tại thị trường Mỹ.

VNDirect nhận thấy các chuỗi giá trị dệt may của Việt Nam đang được hoàn thiện nhờ dòng vốn FDI chảy vào liên tục, tập trung vào sản xuất thượng nguồn (sợi và vải). Ngoài ra, các nhà doanh nghiệp may mặc chuyển hướng sang các phương thức sản xuất tiên tiến như mua nguyên liệu bán thành phẩm (FOB) và sản xuất thiết kế gốc (ODM) giúp cải thiện biên lợi nhuận.

Đáng chú ý, tại báo cáo này, VNDirect kỳ vọng, về dài hạn Việt Nam sẽ trở thành nhà cung cấp nguyên liệu dệt cho các nhà sản xuất may mặc trong khu vực nhờ chuỗi giá trị dệt may hoàn thiện.

Tuy nhiên, chuyên gia VNDirect cũng dẫn số liệu của Euromonitor cho biết, thị trường bán lẻ may mặc Việt Nam khá phân mảnh và có quy mô tương đối nhỏ (2,6 tỷ USD trong năm 2018). Ngoài ra, sự phổ biến của các sản phẩm không có thương hiệu (chiếm 83% thị trường bán lẻ trong nước) và sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu thời trang nước ngoài đã khiến thị trường bán lẻ may mặc trong nước không phải là miếng bánh quá hấp dẫn đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

 

VNDirect lưu ý rằng, lợi thế nhân công giá rẻ trong sản xuất hàng may mặc có thể sẽ không còn được duy trì từ năm 2025 và ảnh hưởng đến hiệu quả của ngành này. Nguyên nhân khiến chi phí nhân công có thể tăng nhanh là dòng vốn FDI đổ vào sẽ thúc đẩy nhu cầu lao động.

Ngoài ra, khâu dệt nhuộm ở Việt Nam vẫn còn yếu kém do các quan ngại về môi trường và yêu cầu vốn đầu tư lớn khiến Việt Nam khó có thể hưởng lợi hoàn toàn từ các hiệp định thương mại tự do với “quy tắc xuất xứ” nghiêm ngặt.

Theo VNDirect, định giá cổ phiếu ngành dệt may Việt Nam đang ở mức hợp lý do đã phản ánh hầu hết các yếu tố tích cực cả nội tại lẫn từ bên ngoài. Một số mã được lưu ý là Sợi Thế Kỷ (STK) - doanh nghiệp sản xuất thượng nguồn, May Sông Hồng (MSH) - nhà sản xuất hàng may mặc và Dệt May - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) - doanh nghiệp có chuỗi giá trị hoàn thiện.

Có thể bạn quan tâm:

Theo dantri.com.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm