Xuất khẩu hàng hoá “quay cuồng” trong nỗi lo lẩn tránh thuế
31 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm sang Mỹ hưởng mức thuế 0% / Thuế 0% - Cơ hội “vàng” để tôm Việt Nam vào Mỹ
Cảnh báo nóng hàng loạt mặt hàng
Theo Cục PVTM (Bộ Công Thương): Trong suốt giai đoạn 2000-2016, có 15 vụ việc điều tra lẩn tránh thuế PVTM với hàng hóa XK của Việt Nam. Như vậy, trung bình diễn ra 1 vụ/năm. Tuy nhiên, chỉ trong các năm 2017 và 2018, mỗi năm đã có 3 vụ việc được tiến hành khởi xướng điều tra. Dự kiến, xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng khi Việt Nam đã có những dấu hiệu về dịch chuyển đầu tư cũng như phạm vi, số lượng sản phẩm bị áp dụng biện PVTM đang gia tăng.
Nguy cơ bị điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với hàng hoá XK của Việt Nam ngày càng lớn. Ảnh: Nguyễn Thanh.Câu chuyện gian lận xuất xứ, điều tra lẩn tránh thuế PVTM ngày càng nóng đến mức mới đây, Bộ Công Thương đã phải có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố Danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra PVTM, chống lẩn tránh thuế (cập nhật đến tháng 7/2019). Theo đó, các sản phẩm được phân loại theo 4 mức độ cảnh báo. Các sản phẩm ở mức cảnh báo 4 và 3 là nhóm mặt hàng cần tiến hành theo dõi chặt chẽ, kiểm tra hoạt động của các DN liên quan. Nhóm sản phẩm ở mức cảnh báo 2 và mức 1 là nhóm cần quan tâm và tiếp tục theo dõi.
Với riêng mặt hàng gỗ dán XK đi Mỹ, Bộ Công Thương còn phải gửi báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ. Trong báo cáo này, nội dung nổi cộm được đề cập là, hiện nay có tình trạng DN nhập gỗ dán Trung Quốc, gia công lại rồi bán sang Mỹ; thậm chí đã xuất hiện tình trạng các DN nước ngoài "núp bóng" đầu tư lấy Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để XK gỗ dán sang thị trường Mỹ nhằm lẩn tránh thuế.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá: Thực tế có tình trạng có những DN tiếp tay cho việc gian lận xuất xứ hàng hoá trong câu chuyện XK gỗ dán sang thị trường Mỹ. Đây là điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, mức độ gian lận, tiếp tay thực tế như thế nào đang được cơ quan chức năng tìm hiểu, làm rõ thêm. "Kim ngạch XK gỗ và sản phẩm từ gỗ năm nay dự kiến khoảng 11 tỷ USD, trong đó gỗ dán chỉ chiếm khoảng vài trăm triệu USD. Vì thế, mức độ tác động tới XK gỗ và sản phẩm từ gỗ không lớn. Tuy nhiên, về lâu dài vấn đề gian lận xuất xứ cần được làm rõ, cảnh báo mang tính răn đe DN, tránh gây ra những hậu quả nghiêm trọng", ông Quyền nói.
Xuất khẩu càng tăng, nỗi lo càng lớn
Thống kê mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy: Trong 8 tháng đầu năm nay, Mỹ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 38,6 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là các thị trường như EU đạt 27,7 tỷ USD, giảm 0,5%; Trung Quốc đạt 23,8 tỷ USD, giảm 2,5%... Theo lẽ thông thường, XK tăng trưởng mạnh ở thị trường "đình đám" như Mỹ sẽ là niềm vui lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhạy cảm hiện tại, đặc biệt khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại, XK tăng trưởng càng nhanh thì nỗi lo cũng lớn dần. Đại diện lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng: "Với việc tăng trưởng XK như vậy, chiếu theo nhóm hàng thì mức tăng trưởng này cần lưu tâm hơn, xem có thực sự hàng xuất xứ Việt Nam hay có dấu hiệu lẩn tránh thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa để xuất khẩu".
Dành sự quan tâm đặc biệt cho các vụ kiện chống lẩn tránh thuế, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá: Hiện nay có những nước, điển hình như Mỹ đã có những đổi thay trong cách thức tiếp cận các vụ kiện chống lẩn tránh PVTM, đặt ra nguy hiểm cho Việt Nam. "Ví dụ như câu chuyện của ngành thép. Trong 70 năm qua, sản xuất tôn từ thép cán nóng của Việt Nam được Mỹ xem là quá trình đã có sự chuyển đổi căn bản. Tuy nhiên, hiện nay nếu Việt Nam sử dụng thép cán nóng Trung Quốc sản xuất ra tôn để XK sang Mỹ lại được Mỹ xem xét, có thể coi là lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng cho Trung Quốc. Các nước NK hàng hoá như Mỹ rất có thể sẽ áp dụng tối đa biện pháp chống lẩn tránh thuế. Nếu một ngày họ áp dụng ngẫu hứng cách tiếp cận này cho cả hàng dệt may, da giày, hạt điều... thì câu chuyện càng nguy hiểm hơn", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lo ngại.
"Bắt tay" chống gian lận xuất xứ
Thực tế mới đây, trên cơ sở diễn biến phức tạp của chiến tranh thương mại, Chính phủ đã ban hành Quyết định 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 phê duyệt Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh PVTM, gian lận xuất xứ.
Nhiều quan điểm cho rằng, ở thời điểm hiện tại, từ cấp Trung ương đến địa phương cũng như cộng đồng DN "bắt tay" nhau cùng triển khai sát sao, thực chất các nội dung trong Đề án là giải pháp tổng thể, mấu chốt nhất để công cuộc chống gian lận xuất xứ, giảm nguy cơ bị kiện chống lẩn tránh thuế PVTM đạt hiệu quả cao.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Bộ Công Thương sẽ khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao trong Đề án. Theo đó, việc triển khai Đề án cần mang tính tập trung, trọng điểm nhằm tạo chuyển biến trong công tác phòng chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ. "Cần tăng cường các biện pháp quản lý nhằm dự báo, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ để phát triển bền vững sản xuất, XNK. Yêu cầu này ngày càng trở nên cấp thiết khi xu thế bảo hộ tiếp tục có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới và xung đột thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Một số công việc cụ thể sẽ được Bộ Công Thương triển khai gồm: Thành lập tổ công tác liên ngành phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa do Bộ Công Thương chủ trì, rà soát lại cơ chế, hệ thống cấp C/O để có kiến nghị, nghiên cứu đề xuất nâng mức phạt với các hành vi gian lận xuất xứ; rà soát, kiến nghị việc tăng cường kiểm tra, quản lý đối với các hoạt động chuyển tải, tạm nhập tái xuất, đặc biệt với nhóm hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ cao. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, xem xét thành lập Tổ thường trực gồm đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); lập danh sách đầu mối liên hệ tại các bộ, ngành, địa phương, một số hiệp hội ngành hàng lớn để liên lạc thường xuyên…
End of content
Không có tin nào tiếp theo