Xuất khẩu hồ tiêu kỳ vọng giành lại mốc tỷ USD
CPI 11 tháng tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016 / Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2021
Dù tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn phức tạp nhưng quý III/2021 các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang tăng tốc. Mặt hàng thủy sản, gỗ đều có triển vọng phát triển đạt và vượt kết hoạch. Ngành hồ tiêu cũng đang đón nhận những tín hiệu tích cực từ thị trường thế giới. Nhiều ý kiến còn nhận định ngành hồ tiêu có cơ hội giành lại vị trí trong nhóm hàng tỷ đô của những năm trước.
Vượt qua những khó khăn của dịch bệnh, ngành hồ tiêu đã ghi nhận mức tăng trưởng rất ấn tượng trong 10 tháng qua. Giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt hơn 3.300 USD/tấn, tăng hơn 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ vậy, xuất khẩu hồ tiêu trong 10 tháng đã đem về 783 triệu USD, tăng hơn 44%. Đây là tiền đề để ngành hồ tiêu tự tin sẽ giành lại mốc 1 tỷ USD khi kết thúc năm 2021 này.
10 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu tới 68 thị trường trên thế giới. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường lớn nhất với hơn 50.000 tấn, tăng 6,3% so cùng kỳ. Ngoài ra, lượng hạt tiêu xuất khẩu sang một số thị trường chủ chốt khác cũng tăng như: UAE tăng hơn 35%, Hà Lan tăng 24%, Đức và Pakistan tăng hơn 9%, Ấn Độ tăng 0,6%...
Thu hoạch tiêu ở Gia Lai. (Ảnh: Dân trí)
Ngược lại cũng có những thị trường xuất khẩu giảm như Trung Quốc, Philippines, Ai Cập, Nga, Thái Lan… Mặc dù khối lượng xuất khẩu tới các thị trường có nhiều biến động khác nhau nhưng nhờ giá tăng cao, nên kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đều tăng trưởng khá tích cực.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá tiêu xuất khẩu tăng mạnh kéo theo giá tiêu tại thị trường nội địa cũng liên tục tăng cao. Nếu hồi đầu năm, giá tiêu thô chỉ ở mức 50.000 đồng/kg đến giữa tháng 10 vừa qua đã vượt mốc 90.000 đồng/kg và kỳ vọng còn tăng trên 100.000 đồng/kg vào dịp cuối năm.
Doanh nghiệp hồ tiêu nỗ lực cho mục tiêu cuối năm
Làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 đã ảnh hưởng lớn tới việc xuất khẩu hồ tiêu của nhiều doanh nghiệp. Một trong những khó khăn đó phải kể đến là giá cước vận tải không ngừng tăng cao, trong 2 năm qua đã tăng 10 - 12 lần. Tuy nhiên, những triển vọng cho sự hồi phục thị trường sau COVID-19, triển vọng khôi phục vị thế của ngành tiêu sau 3 năm bị rớt khỏi nhóm ngành hàng tỷ đô nay đã được nhìn thấy.
"Giá tiêu tăng từ 2019 thấp nhất 36 triệu/tấn. Năm 2021 là 90 triệu/tấn, tăng hơn 2,5 lần. Sản xuất ít hơn nhưng giá trị cao hơn. Tôi nghĩ rằng giá tiêu sẽ bền vững từ giờ đến cuối năm, sang năm sau sẽ có những cuộc bùng nổ về giá tiêu vì sản lượng tiêu tiếp tục giảm", ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Phúc Sinh Group cho hay.
Nhưng để có những bước đi vững chắc, doanh nghiệp và cả nông dân trồng hồ tiêu sẽ còn tiếp tục phải thay đổi.
Việt Nam hiện cung cấp gần một nửa lượng hồ tiêu châu Âu đang tiêu dùng. Đi kèm với cơ hội, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và thương mại hồ tiêu của Việt Nam, trong đó thách thức lớn nhất là đáp ứng được các đòi hòi khắt khe về chất lượng, đặc biệt là quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Tầm nhìn đưa hạt tiêu Việt Nam ra thế giới
Hạt tiêu của Việt Nam rất thơm. Việt Nam cũng là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới khi chiếm tới 60% tổng sản lượng hồ tiêu được giao dịch trên toàn cầu. Tuy nhiên có nghịch lý là người tiêu dùng mua ăn hàng ngày nhưng lại không để ý hay cũng không biết đó là hồ tiêu của Việt Nam.
Lý do là Việt Nam chủ yếu xuất hồ tiêu thô nên thương hiệu ít người để ý. Tiêu Việt được đánh giá cao cả về chất lượng lẫn giá cả nhưng liệu các doanh nghiệp Việt đã nhìn nhận được hết tiềm năng của hạt tiêu Việt Nam khi đi ra thế giới?
Xuất khẩu hồ tiêu kỳ vọng giành lại mốc tỷ đô. Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN.
Công ty kinh doanh gia vị Bagdat Baharat có nhà máy chế biến rộng hơn 20.000 m2. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, đều đặn mỗi tháng doanh nghiệp nhập 4 container tiêu từ Việt Nam. Cả cung ứng trong nước và xuất khẩu, Bagdat Baharat hầu như chỉ nhập tiêu từ Việt Nam, không lấy từ bất kỳ nơi nào khác.
"Tiêu nhập từ Việt Nam thường thơm hơn các nước khác, chất lượng khá ổn định và giá cả lại phải chăng", ông Yuksel Danaci - Tổng Giám đốc Công ty Bagdat Baharat, Thổ Nhĩ Kỳ nói.
Tiêu Việt Nam nhập về được kiểm nghiệm kỹ lưỡng. Tại Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước, tiêu không đơn thuần là một gia vị điểm xuyết, tạo vị cay... Khẩu vị với tiêu phong phú, tiêu đỏ, tiêu trắng, tiêu đen... nhu cầu đa dạng, thị trường vì thế diễn ra sôi động.
"Tiêu đỏ chuyên dùng để ướp thịt, trong khi tiêu trắng được các nhà hàng ưa chuộng để rắc vào món ăn sau khi đã nấu chín. Chúng tôi còn có loại hỗn hợp để mang tới một hương vị hoàn toàn mới. Nhưng dù là loại nào, tiêu Việt Nam cũng đều được đánh giá cao bởi mùi thơm và nhất là sau khi xay, màu sắc thường sáng hơn tiêu các nước khác. Đây là điều khiến người tiêu dùng đặc biệt ưa thích", ông Tevfik Donmez - Chủ tịch Công ty Donmezler Baharat, Thổ Nhĩ Kỳ cho hay.
Được các nhà buôn ưa chuộng là vậy nhưng trên thị trường, tiêu Việt Nam thực tế vẫn không được mấy người tiêu dùng biết đến. Bởi tiêu Việt vẫn chủ yếu phải gửi mình vào thương hiệu của các nhà nhập khẩu.
"Để xây dựng thương hiệu đó là một việc tốn rất nhiều công sức và chi phí và điều này thường nằm ngoài khả năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên các doanh nghiệp hoàn toàn có thể dùng một thương hiệu chung. Ví dụ trước đây Cục xúc tiến Thương mại đã có thương hiệu Việt Value, để dùng cho các sản phẩm của Việt Nam hay là chúng ta có thể dùng các chỉ dẫn địa lý để phát triển mặt hàng xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm", ông Lê Phú Cường - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cho hay.
Có những nông sản của Việt Nam như hạt tiêu hiện nay đang chiếm phần lớn thị phần của thế giới nhưng không chỉ người nước ngoài mà chính những người Việt Nam nhiều khi cũng không biết được điều đó. Đây không phải là điều lạ khi mà nhiều nông sản của Việt Nam có giá trị nhưng việc thổi hồn cho các nông sản đó lại đang phó mặc cả cho các nhà nhập khẩu nước ngoài.
End of content
Không có tin nào tiếp theo