Xuất khẩu kỳ vọng bứt phá
Khẩn trương xây dựng cơ chế giá điện nhập khẩu từ Lào / Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Đã đến lúc “đoạn tuyệt" với xuất khẩu tiểu ngạch
Ảnh minh họa
Mặc dùxuất khẩuđã có sự cải thiện nhưng đà phục hồi vẫn còn tương đối chậm và dự kiến sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.
Theo nhận định từ các chuyên gia, một số nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn đang đối mặt với khó khăn trong việc lấy lại đà tăng trưởng và tiêu dùng toàn cầu chưa cho thấy sự phục hồi rõ nét. Những nguyên nhân này đã dẫn tới hệ lụy khiến đơn hàng xuất khẩu giảm sút và ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu chung của cả nước. Vì vậy, để không bị loại khỏi "cuộc chơi", doanh nghiệp phải thay đổi tư duy và hướng tới "tính xanh" của chuỗi cung ứng nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Công Thương, những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, cầu thế giới suy giảm, đặc biệt là từ những tháng đầu năm dẫn đến đơn hàng xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu chung của cả nước. Vì vậy, tính đến hết tháng 11/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 322,5 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Các chuyên gia cho biết: Với sự phục hồi trong những tháng gần đây, mức suy giảm xuất khẩu tiếp tục được thu hẹp khá nhiều so với mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023. Dựa trên bối cảnh này, Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu cả năm 2023 có thể đạt khoảng 354 - 355 tỷ USD, giảm khoảng 4,5% so với năm 2022.
Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn chung nhưng xuất khẩu các sản phẩm của ngành nông nghiệp tiếp tục có những đóng góp ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu cả nước. Cụ thể, là nhóm hàng nông sản như gạo, rau quả, cà phê, hạt điều; trong đó, nổi bật là mặt hàng hàng rau quả với kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng năm 2023 đạt trên 5 tỷ USD, tăng trên 70% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhận định xung quanh vấn đề này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua việc ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương. Ngoài ra, cơ quan chức năng đẩy mạnh xúc tiến, mở rộng thị trường, thúc đẩy các giải pháp tạo thuận lợi thương mại… đã giúp xuất khẩu rau quả đạt kết quả khả quan.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam nên khi nước này mở lại một số cửa khẩu cùng với những nghị định thư được ký kết từ cuối năm 2022 cũng tạo đà thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng.
Hơn nữa, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc còn hưởng lợi khi Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt thêm mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam. Đây là động lực lớn cho tăng trưởng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này.
Tương tự, trong năm 2023 mặt hàng gạo cũng là điểm nhấn ấn tượng tăng trưởng cả về lượng và trị giá. Tuy nhiên, ở nhóm ngành hàng công nghiệp, nhiều mặt hàng thế mạnh có xu hướng suy giảm về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ có một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng như kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, dây điện và cáp điện; sắt thép các loại...
Nhận định từ các chuyên gia, trong tháng cuối năm, các chỉ số kinh tế của Việt Nam có nhiều chuyển biến khả quan do tác động của chính sách tài khóa mở rộng, đẩy mạnh đầu tư công, kinh tế tư nhân và tiêu dùng trong nước phục hồi đã thúc đẩy đà tăng xuất khẩu. Những chỉ số tích cực này thể hiện sự nỗ lực của nền kinh tế, góp phần tạo đà tăng trưởng cao hơn trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Đặc biệt, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu là một trong số những cơ hội, bởi Việt Nam vẫn đang hưởng làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) lần thứ tư như việc hãng Intel mở rộng nhà máy sản xuất, toàn bộ hệ thống tai nghe của Apple sẽ tiếp tục mở rộng tại Việt Nam…
Bên cạnh đó, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng; hội nhập quốc tế được đẩy mạnh như việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ và Nhật Bản…là những tín hiệu khả quan với nền kinh tế Việt Nam.
Là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực, dệt may Việt Nam đang dần có những tín hiệu phục hồi tích cực nhưng môi trường kinh doanh năm 2024 vẫn sẽ phải đối mặt với thách thức đến từ những bất ổn trên thế giới.
Ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết: Thị trường đã bắt đầu ghi nhận một số tín hiệu sớm về khả năng phục hồi và khách hàng đã tăng cường trao đổi. Tổng thể thị trường năm 2024 có nhiều khả năng cải thiện nhu cầu hơn năm 2023 nhưng mức độ cải thiện nhỏ bởi tổng cầu năm 2024 dự kiến vẫn thấp hơn năm 2022 từ 5 - 7%.
Ngoài ra, việc một số doanh nghiệp ghi nhận đơn hàng với quy mô nhỏ hơn trong thời gian gần đây có thể phản ánh việc đối tác đang dần chuẩn bị cho khả năng chính thức áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon). Cùng đó, đơn giá có thể tăng hơn trên nền số lượng giảm và yêu cầu chất lượng, tiêu chuẩn phi tài chính khác cao lên.
Cùng quan điểm này, nhiều doanh nghiệp ngành thuỷ sản cũng chỉ ra bức tranh của ngành thuỷ sản từ nửa cuối năm 2023 dù khởi sắc nhưng gặp nhiều khó khăn. Tình trạng này dự kiến sẽ kéo dài sang cả năm 2024. Do vậy, để tận dụng được những lợi thế sẵn có, đón đầu cơ hội từ thị trường xuất khẩu, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thủy sản, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đề nghị cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, thương nhân cần tập trung kiện toàn chuỗi sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn cung và phát triển xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, uy tín và thương hiệu.
Mặt khác, doanh nghiệp cần nghiêm túc tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đây là vấn đề cơ bản, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh và thuận lợi cho mọi doanh nghiệp trong thương mại xuyên biên giới, đặc biệt với sản phẩm thực phẩm.
Nhìn nhận về triển vọng xuất khẩu rau quả trong năm 2024, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, năm 2024 sẽ có thêm nhiều diện tích trồng sầu riêng đến kỳ thu hoạch, đồng thời nhu cầu tiêu thụ ở thị trường lớn nhất là Trung Quốc vẫn còn rất lớn. Thế nhưng, để nắm bắt cơ hội cần áp dụng nông nghiệp sản xuất tốt, đáp ứng tiêu chuẩn, quy định mới mà thị trường nhập khẩu đặt ra. Hơn nữa, doanh nghiệp cần mở rộng thêm những mặt hàng rau quả xuất khẩu chính ngạch. Nhà nước, nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ, tăng cường năng suất, chất lượng rau quả để đáp ứng yêu cầu của quốc gia nhập khẩu.
Nhằm gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng khẳng định: Bộ Công Thương sẽ tiến hành đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết và liên kết thương mại mới với đối tác tiềm năng để đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tận dụng cam kết trong FTA để đẩy mạnh xuất khẩu.
Cùng đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho mặt hàng rau quả khác của Việt Nam; chú trọng việc điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu ở khu vực cửa khẩu thuộc biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nhất là nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ, chuyển nhanh và mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại, hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với vụ kiện. Đặc biệt, đến năm 2030, lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp sẽ chiếm hơn 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh, tạo đà thúc đẩy thương mại lúa gạo quốc gia theo hướng bền vững.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Trình Quốc hội kế hoạch cải cách tiền lương vào năm 2025
Cần chính sách công nghiệp đột phá
Lễ hội mua sắm tại Sóc Sơn: Đặc sản vùng miền và sản phẩm xanh 'lên ngôi'
Nhà bán lẻ Nhật Bản lên kế hoạch tuyển 5000 nhân sự tại Việt Nam trong năm 2025
Dự báo tác động từ chính sách của tân Tổng thống Mỹ đến kinh tế Việt Nam
Việt Nam - Nhật Bản bắt tay mở rộng thị trường, vượt qua thách thức toàn cầu